Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan, thiên nhiên, con người, kinh tế, chính trị xã hội để phát triển phân khúc BĐS du lịch nói chung và BĐS du lịch ven biển, vậy mà chưa thể bứt phá được so với các nước trong khu vực và trên thế giới?
Đây là vấn đề mà giới phân tích BĐS phân khúc này rất quan tâm. Vậy, có thể tìm ra nguyên căn để thúc đẩy phân khúc BĐS non trẻ này phát triển mạnh mẽ?
Phân khúc luôn được “ưu ái”
Năm 2011, trong khi thị trường BĐS ở các phân khúc khác đua nhau trầm lắng thì phân khúc thị trường BĐS nghỉ dưỡng ven biển vẫn có những tín hiệu tích cực khi mà hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng ở nhiều tỉnh, thành thi nhau công bố sản phẩm mới và nhận được tỷ lệ giữ chỗ khá cao dù giá bán xếp vào hàng đắt đỏ và đa phần đều chỉ được thuê hoặc sở hữu trong 50 năm. Có thể kể đến các dự án như: Dự án Blue Sapphire tại bờ biển Chí Linh, Vũng Tàu của Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà đất Cotec (Cotecland) và Cty CP Du lịch và Đầu tư xây dựng Châu Á (CotecAsia); dự án Condotel Stacity Nha Trang của Cty CP khách sạn và dịch vụ Đại Dương (OceanHospitality); dự án căn hộ nghỉ dưỡng ven biển The Summit (Đà Nẵng) của Cty BĐS Meridian… Hiện nay, một trong những tỉnh, thành đi đầu trong việc phát triển BĐS nghỉ dưỡng ven biển là Đà Nẵng vì đã có nhiều dự án cho phép nhà đầu tư sở hữu lâu dài sản phẩm.
Theo bà Ngô Thị Hương Giang - Quản lý nghiên cứu của CBRE Việt Nam thì qua thống kê các dự án do CBRE nghiên cứu tại nhiều khu vực, một số dự án BĐS hạng cao cấp, giá trị một lô biệt thự lên tới hàng triệu đô lại là những sản phẩm bán chạy nhất. Đây cũng là điều rất ngạc nhiên tại thị trường BĐS du lịch Đà Nẵng khi bà lấy ví dụ về dự án Furama có 7 lô biệt thự sát ven biển, giá 2 triệu USD lại bán nhanh nhất, còn các lô bên trong giá chỉ khoảng 500 - 600 nghìn USD vẫn đang còn. Ngay cả dự án Hayatt Regency, cũng như vậy, những biệt thự ven biển luôn đắt hàng.
Ông Trần Ngọc Quang - Tổng giám đốc Cty VINACONEX - ITC phân tích: “Du lịch biển đảo hiện đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc phát triển hạ tầng du lịch cũng có vai trò quan trọng. Các bãi biển thiên nhiên tươi đẹp thu hút đông đảo du khách đã đem lại cho DN những cơ hội để đầu tư xây dựng khu lưu trú, hạ tầng du lịch ven biển”. Và chính vì thế mà theo đánh giá của các chuyên gia Savills và CBRE thì BĐS ven biển sẽ là nhu cầu thực trong thời gian tới bởi tiện ích của loại hình này. Hiện tại và trong tương lai gần, các điểm du lịch có sức hấp dẫn nhất Việt Nam sẽ là Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Phú Quốc; tiếp theo là Côn Đảo, Quy Nhơn, Phan Rang và các đảo…
Bên cạnh đó, giới đầu tư phân khúc này lại có lý giải tại sao BĐS nghỉ dưỡng ven biển vẫn dành được nhiều ưu ái trong cuộc tranh đua thị phần vì thị trường này được liên kết với các ngành du lịch, dịch vụ có thể làm tăng giá trị nhà đất. Ngoài việc sử dụng để nghỉ dưỡng, họ còn có thể cho thuê theo hình thức giao trọn gói cho chủ đầu tư quản lý và chia lợi nhuận theo tỷ lệ thỏa thuận. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được xem xét hóa giá để sở hữu BĐS lâu dài sau khi hết hạn thuê.
Nhưng chưa đáp lại kỳ vọng
Trong 10 năm qua, BĐS du lịch ven biển phát triển không có sự đồng bộ khi mà các vùng duyên hải miền Trung, miền Nam tập trung quá nhiều dự án lớn đi vào hoạt động thì miền Bắc mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển. Các nhà đầu tư không còn xa lạ với những cái tên như Khách sạn nghỉ dưỡng Silver Shores, Hoàng Trà Furama (Đà Nẵng); The Nam Hải, Vitoria, Khách sạn nghỉ dưỡng Bên sông (Quảng Nam); Sheraton (Nha Trang); Celadon Palace (Huế); Khách sạn Dầu khí PTSC (Bà Rịa - Vũng Tàu), các resort và khách sạn tại Mũi Né (Bình Thuận)… Trong khi đó, các dự án hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng ven biển tại miền Bắc lại đang trong giai đoạn bắt đầu như dự án Khu du lịch Tuần Châu (Quảng Ninh), dự án Cát Bà Amatina (Cát Bà, Hải Phòng)…
Mặc dù tiềm năng phát triển du lịch ven biển của nước ta là rất lớn, Chính phủ, các địa phương và các nhà đầu tư Việt Nam đều mong muốn phát triển mạnh mẽ phân khúc BĐS nghỉ dưỡng ven biển. Tuy nhiên, trên thực tế, phân khúc này vẫn chưa thể phát triển theo đúng tiềm năng vốn có vì nhiều nguyên nhân. Theo ông Quang phân tích thì có các lý do cơ bản, đó là: Hoạt động đầu tư còn thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia; các tiêu chí về dự án BĐS nghỉ dưỡng, về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện chưa được xây dựng cụ thể… Để khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch, Chính phủ và các ban ngành đã đưa ra nhiều chính sách, nhưng chưa chú trọng đến việc làm thế nào để BĐS nghỉ dưỡng ven biển phát triển mạnh theo hướng bền vững.
Cũng theo TS Phan Hữu Thắng - Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam thì, hiện nay, BĐS du lịch nói chung và BĐS nghỉ dưỡng ven biển nói riêng còn tồn tại một số bất cập. Một trong những vấn đề đó là thiếu quy hoạch tổng thể phát triển BĐS du lịch, do vậy chưa có được quy hoạch chi tiết cho từng vùng, từng tiểu phân khúc BĐS du lịch dẫn đến việc phát triển tự phát, mất cân đối giữa các vùng, miền.
Bởi vậy, để BĐS nghỉ dưỡng ven biển phát triển mạnh theo hướng bền vững, “Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể chung, đồng bộ cho các khu du lịch biển đặc biệt là khu nghỉ dưỡng ven biển; trong đó, cần xác định rõ những tiêu chí về chất lượng, đẳng cấp, loại hình phù hợp với đặc điểm, đặc trưng văn hóa vùng miền. Địa phương cần đưa ra các gói chính sách cụ thể. Các nhà đầu tư phải mang tính chuyên nghiệp, có tiềm lực thực sự, có tầm nhìn xa và xác định rõ ý thức trách nhiệm với cộng đồng... Có như vậy, mới có thể phát hiện và nắm bắt cơ hội để cùng Nhà nước xây dựng, phát triển phân khúc thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng ven biển có đẳng cấp và bền vững”, ông Quang cho biết.
Tính đến nay, khu vực biển đảo Việt Nam có khoảng 4.375 cơ sở lưu trú với 101.494 buồng, chiếm 1/3 cơ sở lưu trú và 1/2 số buồng phòng trong cả nước. Trong đó, theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, trong giai đoạn từ 2006 - 2010, khách du lịch quốc tế đến tham quan và nghỉ dưỡng tại các tỉnh ven biển chiếm trên 70% trong tổng số khoảng 5 triệu du khách mỗi năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: