Ngày 18-1, Bộ Xây dựng đã hoàn chỉnh lần cuối Dự thảo Nghị định Quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Theo đó, sẽ có nhiều đối tượng được thuê, thuê mua cũng như được miễn, giảm giá khi thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.
Bên trong căn hộ thuộc Quỹ nhà ở xã hội của TP Hà Nội tại Việt Hưng, Long Biên |
Nhiều đối tượng được thuê, thuê mua nhà
Theo Bộ Xây dựng, những đối tượng thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước gồm người có công với cách mạng; cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị; người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở tái định cư cũng nằm trong diện người được thuê mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.
Bộ Xây dựng cũng nêu rõ điều kiện để được thuê nhà là phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở chật chội có diện tính bình quân hộ gia đình dưới 5m2 sàn/người hoặc nhà ở hư hỏng, dột nát.
Đối với nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước - đây là diện đông nhất, lên tới hàng trăm nghìn hộ gia đình - đối tượng và điều kiện thuê nhà là người đang thực tế thuê nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó. Trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở và có tên trong hợp đồng thuê thì không phải ký lại hợp đồng thuê nhà, trừ trường hợp hợp đồng thuê nhà ở hết hạn và các bên phải ký lại hợp đồng.
Bộ Xây dựng cho biết, trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở và không có tên trong hợp đồng thuê nhà ở nhưng có tên trong quyết định phân phối, bố trí nhà ở thì phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở. Nếu người đang thực tế sử dụng nhà ở mà không có tên trong hợp đồng thuê nhà ở và không có tên trong quyết định phân phối, bố trí nhà ở, nhà ở đó không có tranh chấp thì phải được cơ quan quản lý nhà ở chấp thuận bằng văn bản và phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở.
Nghiêm cấm chuyển nhượng, cho thuê lại
Theo dự thảo, rất nhiều đối tượng chính sách được miễn giảm tiền thuê nhà. Ngoài ra, hộ nghèo theo quy định về chuẩn nghèo của Chính phủ, người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị cũng được giảm tiền thuê nhà. Những đối tượng này, nếu được thuê nhà ở thì được giảm 60% tiền thuê nhà ở phải nộp. Với hộ nghèo thì mức giảm này được tính cho cả hộ gia đình. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách cũng được giảm tiền thuê nhà.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất, với nhà ở cho thuê, thuê mua đã bị hư hỏng nặng có nguy cơ sập đổ và người thuê, thuê mua phải di chuyển ra khỏi chỗ ở theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cần chấm dứt hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở đó. Cách giải quyết tương tự cũng áp dụng cho trường hợp nhà ở thuê, thuê mua nằm trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất, GPMB hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Để ngăn chặn những tiêu cực, gian lận, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Người thuê nhà không được cho thuê lại, thế chấp hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức khi chưa thanh toán hết tiền thuê mua nhà ở và chưa đủ thời gian tối thiểu là 10 năm, kể từ thời điểm ký hợp đồng thuê mua nhà ở. Trường hợp nếu bên thuê mua đã trả đủ tiền trước thời hạn 10 năm mà có nhu cầu bán lại nhà ở đó thì chỉ được bán lại cho cơ quan quản lý nhà ở hoặc bán lại cho đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định. Giá bán lại nhà ở thuê mua không được cao hơn mức giá nhà ở xã hội cùng loại tại thời điểm bán lại nhà ở đó”.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: