Top

Nhà thu nhập thấp: Nước chảy chỗ trũng

Cập nhật 22/08/2013 09:49

Nhiều dự án nhà ở xã hội đang được triển khai và nhiều dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để phục vụ cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, để sở hữu được nhà giá rẻ này vẫn là cơ hội xa vời đối với người có thu nhập thấp.

Rào cản tiếp cận

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 28 bổ sung Quyết định 13 của UBND TP quy định việc bán, cho thuê, cho thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở cho người có thu nhập thấp (TNT) tại khu vực đô thị.

Theo đó, đối tượng có nhu cầu mua và thuê mua nhà ở thu nhập thấp phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội. Nếu đối tượng thuộc lực lượng vũ trang, chưa có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn phải có xác nhận của đơn vị đang công tác về chức vụ, thời gian công tác, thực trạng nhà ở.

Trước đó, tại Quyết định số 13 của UBND TP Hà Nội chỉ yêu cầu các đối tượng có nhu cầu mua và thuê nhà ở thu nhập thấp phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.

Như vậy, với quyết định mới này thì đối tượng được tiếp cận nhà thu nhập thấp lại càng hạn hẹp hơn. Chỉ tính các thủ tục được thuê, mua nhà ở thu nhập thấp, người dân đã phải chuẩn bị tới hơn 10 loại giấy tờ. Trong đó, nổi cộm là việc xin xác nhận tình trạng nhà ở tại UBND xã, phường vô cùng khó khăn.

Hiện nay, các doanh nghiệp ồ ạt xin chuyển đổi dự án sang nhà thu nhập thấp

Cũng bởi thế mà vào giữa tháng 7/2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các cấp hỗ trợ người dân trong việc xác nhận tình trạng cư trú và tình trạng nhà ở, không để người dân mất đi quyền lợi của mình.

Tuy nhiên ngay sau đó, vào đầu tháng 8/2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 28, chỉ cho phép người có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại Hà Nội mới được thuê, mua nhà ở thu nhập thấp.

Trong một diễn biến khác, qua hơn 2 tháng triển khai gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ, mới chỉ có 56 cá nhân và 2 doanh nghiệp tiếp cận được gói này. Thực tế này cho thấy, việc người dân được vay vốn thuê, mua nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp đã rất khó khăn, nay càng khó khăn hơn vì đâu đâu cũng là thủ tục, quy định.

Đó là chưa kể tới quy chế hiện nay, nhiều người có đủ tiêu chuẩn mua nhà nhưng họ vẫn không dám mua vì không được chuyển nhượng nhà trong vòng 10 năm. Trong khoảng thời gian ấy, nhiều người ăn lên làm ra, có nhu cầu muốn đổi nhà nhưng họ không thể bán lại.

Quyền là của chủ đầu tư

Mục tiêu của nhà nước là tạo điều kiện để người TNT có nhà ở nhưng trong quá trình thi công và bàn giao thì nhà thầu đóng vai trò chủ đạo cho nên mới dẫn đến tình trạng nhập nhèm trong thu chi như ở dự án nhà thu nhập thấp đầu tiên ở Hà Nội - Chung cư Ngô Thì Nhậm (Hà Đông).

Chủ đầu tư - Cty Vinaconex Xuân Mai - là đơn vị tiên phong cho hướng kinh doanh nhà TNT, nhưng cho đến nay xem ra mọi thứ vẫn loay hoay. Ai cũng biết, chủ đầu tư dạng này được hưởng rất nhiều ưu đãi từ nhà nước: Vay vốn, giảm thuế, chính sách... Nhưng, hàng loạt dự án sau đó của các chủ đầu tư khác nếu không ế ẩm thì cũng rơi vào cảnh buôn bán tràn lan khó kiểm soát.

Trong bối cảnh đó, một loạt dự án Đại Thanh (Hà Đông), VP5 (Linh Đàm)... của một chủ đầu tư không hưởng chút nào sự ưu đãi của nhà nước lại có vị trí đẹp, giá thậm chí rẻ hơn một số dự án nhà TNT bán chạy lạ thường. Người ta háo hức tranh mua, tạo nên khoảnh khắc sôi động của một góc bức tranh bất động sản đang chìm trong băng giá.

Gói 30 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi (người dân được vay tới 70%, doanh nghiệp vay 30%) được tung ra. Người dân háo hức làm hồ sơ đi vay, nhưng đâu có đơn giản trước các rào cản điều kiện. Chỉ có doanh nghiệp xây nhà xã hội mới dễ trong việc này. Dường như, cơ quan quản lý đang rối như canh hẹ: Các dự án nhà TNT trước chưa quản nổi, nay loay hoay với gói ưu đãi mới. Nếu không cẩn trọng, nguy cơ về sự lãng phí tiền ngân sách (ưu đãi đủ đường, nhưng hiệu quả kém) trong bối cảnh hụt thu là hiện hữu.

Không biết, câu chuyện doanh nghiệp xây dựng tư nhân không hưởng ưu đãi, nhưng bán nhà rẻ hơn nhà xã hội có được cơ quan quản lý lưu tâm? Nước chảy chỗ trũng, người dân chỉ biết chỗ nào giá cả hợp lý, chất lượng phù hợp, mua-bán dễ dàng thì tìm tới là lẽ đương nhiên.

Thậm chí trước câu hỏi của các độc giả gửi về trong buổi Giao lưu trực tuyến: “Nhà ở xã hội – Cơ hội cho người nghèo” mới được tổ chức ngày 20/8, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng phải thừa nhận: Hiện nay, nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, chưa đủ sức để bỏ tiền ngân sách ra xây nhà ở xã hội cho người dân theo một mức giá đồng nhất mà chúng ta phải phát triển nhà ở xã hội theo hướng huy động nguồn lực tổng thể của toàn xã hội, trong đó tạo cơ chế ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng nhà ở xã hội.

Vì vậy, dù nhà nước không thu tiền sử dụng đất nhưng doanh nghiệp phải tự lo phần quỹ đất của dự án bằng cách đi đền bù, giải phóng mặt bằng. Nói cách khác, doanh nghiệp phải mua lại quyền sử dụng đất của các hộ gia đình và cá nhân. Và tại các địa điểm vị trí khác nhau, với điều kiện hạ tầng khác nhau thì chi phí về tiền đất của các dự án cũng khác nhau. Cộng với việc các thiết kế và cái mức độ hoàn thiện căn hộ khác nhau, dẫn tới giá bán của các dự án là cũng khác nhau.

Cho nên, vấn đề của người dân là tự cân đối cái năng lực tài chính của mình, điều kiện ăn ở và làm việc của mình để lựa chọn dự án có quy mô và giá cả phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo PetroTimes