Top

Nhà ở xã hội, nhìn từ Bình Dương

Cập nhật 13/09/2018 10:50

Phát triển các dự án nhà ở xã hội vẫn đang là một bài toán hóc búa với nhiều địa phương, nhưng câu chuyện của Bình Dương có thể là một gợi ý tốt.

Ảnh Thanh Huyền

Chủ trương là nền tảng

Bình Dương có dân số khoảng 2 triệu người, trong đó có đến hơn 1 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 52% dân số. Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ dân nhập cư thuộc hàng cao nhất cả nước (tỷ lệ này ở TP.HCM là 23%).

Phần lớn trong số này là công nhân, lao động làm việc trong các khu công nghiệp.

Nhận định người nhập cư là nguồn nhân lực rất quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương, nhưng cũng tạo áp lực nặng nề cho tỉnh trong việc giải quyết nhà ở và an sinh xã hội, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các dự án nhà ở.

Ngay từ trước khi có Luật Nhà ở 2005, lãnh đạo tỉnh đã chủ trương khi quy hoạch phát triển đô thị, phải dành tối thiểu 7% diện tích đất ở để phát triển nhà ở xã hội.

Đây là một điểm khác biệt và được coi có tác động mạnh đến chính sách về nhà ở. Hiện tại, diện tích nhà ở bình quân của tỉnh đã đạt mức 25 m2/người. Ở Hà Nội, mức này hiện là 25,6 m2/người. Mục tiêu đến năm 2020 là 26,3 m2/người. Ở TP.HCM hiện chỉ mới đạt 18,1 m2/người và phấn đấu đạt 19,8 m2/người vào năm 2020.

Để giải quyết nhu cầu nhà ở cấp bách cho công nhân, lao động, người thu nhập thấp và người nhập cư, Bình Dương đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở trong quá trình công nghiệp hóa, trọng điểm là phát triển nhà ở xã hội, với tên gọi là "nhà ở an sinh xã hội".

Doanh nghiệp nhà nước là đầu kéo

Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 85 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, Tổng công ty Becamex là doanh nghiệp chủ lực với 43 dự án do đơn vị này làm chủ đầu tư với tổng diện tích 3,1 triệu m2, gồm 70.000 căn.

Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 25 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng với tổng diện tích 491.262 m2, trong đó Becamex đã thực hiện 5 dự án với tổng diện tích 298.097 m2 với 6.595 căn hộ, chiếm 60,67% tổng số nhà ở xã hội đã được xây dựng.

Không chỉ tận dụng nguồn lực từ các chủ đầu tư lớn, Bình Dương còn nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh.

Hà Nội đang gặp khó khi phát triển các dự án nhà ở xã hội

Đã có khoảng 200 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động với tổng diện tích 270.000 m2, đưa tổng diện tích sàn nhà ở xã hội toàn tỉnh lên đến 761.000 m2 với khoảng 16.900 căn hộ, giải quyết được khoảng 17% nhu cầu của công nhân, lao động nhập cư.

Ngoài ra, việc các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà trọ với số lượng khoảng 180.000 căn cũng góp phần đáp ứng được nhu cầu cho 540.000 công nhân, lao động, sinh viên và người thu nhập thấp đô thị thuê, giải quyết được 55% nhu cầu nhà ở của công nhân, lao động, người nhập cư của tỉnh. 

Công thức thành công

Với phương thức phát triển các dự án nhà ở xã hội của Bình Dương, có thể lấy mô hình và thực tiễn triển khai các dự án của Becamex làm ví dụ.

Các chung cư nhà ở an sinh xã hội của Becamex đều nằm trong khu vực đã được quy hoạch Thành phố mới Bình Dương có quy mô 1.011 ha, cách trung tâm TP. Thủ Dầu Một khoảng 3 km, hoặc bên cạnh các khu công nghiệp, đã được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, giao thông thuận lợi, không bị ùn tắc, có cả các tuyến xe buýt nhanh; đã có hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, mẫu giáo, nhà trẻ, bệnh viện, công viên, khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại.

Các chung cư được xây dựng theo thiết kế chung: Cao 5 tầng, không có thang máy, ngoại trừ căn hộ tầng trệt có diện tích 45 m2, các tầng trên căn hộ đều có diện tích 30 m2, trong đó 20 m2 và 10 m2 gác lửng. Do phần lớn các công trình được xây dựng trên nền đất vững chắc, nên chỉ cần làm móng đơn, tiết giảm chi phí san ủi mặt bằng.

Một điểm đáng lưu ý là các chi phí như giải phóng mặt bằng, đầu tư đường giao thông kết nối, xây dựng hệ thống cấp nước, cấp điện, chiếu sáng công cộng, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, dịch vụ (trường học, mẫu giáo, nhà trẻ, bệnh viện, công viên, khu thể dục thể thao, vui chơi giải trí, thương mại...) đều được Becamex đầu tư xây dựng 100%, không phân bổ vào giá thành căn hộ nhà ở an sinh xã hội này.

Mức giá bán các căn hộ 30 m2 cũng khá hợp lý, từ 100 - 200 triệu đồng/căn tùy theo vị trí tầng. Căn hộ tầng trệt có giá bán khoảng 400 triệu đồng/căn để bù đắp chi phí dự án.

Người mua chỉ phải trả trước 10 - 20 triệu đồng là được nhận nhà ở, số tiền còn lại được trả góp trong 15 năm với lãi suất vay ưu đãi. Tỉnh Bình Dương cũng đã cho phép người mua nhà có thể chuyển nhượng sau 3 năm sử dụng. Đây chính là những yếu tố quan trọng.

Nhìn nhận về thành công mà Bình Dương đạt được trong việc phát triển các dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn dắt thành công, nhưng quyết tâm chính trị rất lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ trương thực hiện chương trình phát triển nhà ở, trọng điểm là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở an sinh xã hội là quan trọng nhất.

Quyết tâm này đã được quán triệt thống nhất, đồng bộ, thông suốt từ UBND tỉnh, đến các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.

“Mặt khác, sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, trong đó điển hình là doanh nghiệp nhà nước Becamex giữ một vai trò quan trọng. Vai trò của Becamex là chủ lực, nòng cốt, dẫn dắt thực hiện chương trình nhà ở an sinh xã hội, tương tự cách làm của Tổng công ty Land & Housing (LH) thực hiện các chương trình nhà ở xã hội tại Hàn Quốc”, ông Châu nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTCK