Chỉ vì khoản tiền chênh ngoài quá lớn mà nhiều nhà đầu tư bất động sản không dám khiếu kiện chủ đầu tư để đòi quyền lợi, cho dù biết trăm phần thắng thuộc về mình.
Như thành quy luật, khi tham gia đầu tư nhà đất, các nhà đầu tư chấp nhận phải trả khoản tiền ngoài gọi là tiền chênh lệch giữa giá trong hợp đồng và giá bán thực tế. Khoản tiền chênh có khi nhiều gấp nhiều lần so với giá gốc hợp đồng. Khi thị trường tốt thì kể cả tiền chênh nhiều đến mấy thì khách hàng, nhà đầu tư đều dễ dàng chấp nhận bởi họ ho rằng, cứ mua được là mừng, mua được là lãi vì vậy mấy ai nghĩ đến chuyện thiệt hơn.
Thế nhưng, gần nửa năm nay kể từ khi thị trường lao dốc, các vụ tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư, các công ty thứ phát liên tục xảy ra. Trong đó, khách hàng bắt đầu "bớt lông tìm vết" những sai phạm của chủ đầu tư để kiện. Tuy nhiên, chưa biết thắng thua nhưng phần thiệt thòi luôn thuộc về khách hàng, nhiều người phải “ngậm đắng nuốt cay” vì mất cả chì lẫn chài.
Cuối năm ngoái, nhiều nhà đầu tư đã đâm đơn khiếu nại Tổng công ty Viglacera - chủ đầu tư dự án Xuân Phương (Đại Mỗ, Hà Nội). Trong đó, lý do chính khách hàng đưa ra là chủ đầu tư đã áp giá bán đất cao hơn so với cam kết ban đầu là khoảng hơn 10 triệu đồng/m2 khiến giá tính mới là 34 triệu đồng/m2.
Không chỉ vậy, theo phản ánh của khách hàng, thời điểm đó khi mà chủ đầu tư thực hiện việc huy động vốn, để mua được đất thì nhiều nhà đầu tư đã phải chi hàng trăm triệu đồng thậm chí nhiều 2,5 tỷ đồng/lô đất. Đây là khoản chênh ngoài khách hàng phải trả cho người bán. Do vậy, nếu cộng cả tiền chênh và giá mới mà chủ đầu tư đưa ra thì giá mỗi m2 đất tại dự án Xuân Phương được tính trên dưới 90 triệu đồng/m2. Giá như vậy quá cao, khách hàng không thể chấp nhận được.
Sau một thời gian đấu tranh với chủ đầu tư để đàm phán giảm giá bán không thành, nhiều khách hàng buộc phải chấp nhận thiệt thòi vì không còn đường lùi. Nếu chấp nhận thanh lý hợp đồng coi như khoản tiền chênh ngoài hàng tỷ đồng sẽ mất trắng. Nhiều người chấp nhận “đắp chiếu” nằm chờ thị trường tốt lên với hi vọng sẽ gỡ lại phần nào.
Anh Tùng Anh (nhà đầu tư) góp vốn mua dự án Tuần Châu (Sài Sơn, Quốc Oai) cho biết, thời điểm năm 2010 anh cùng nhóm bạn đã cùng nhau hùn vốn mua 2.000 m2 đất tại dự án này. Thời điểm đó, giá bán trong hợp đồng 16,1 triệu đồng/m2, nhưng khoản tiền ngoài phải trả thêm là 4 triệu đồng/m2. Tính tổng cộng với 2 ngàn m2 đất thì khoản tiền chênh ngoài đã phải trả lên tới gần 1 chục tỷ đồng. Trong khi đó, giá đất tại dự án cũng giảm xuống dưới cả mức giá gốc của chủ đầu tư 4-6 triệu đồng/m2.
“Giá đất đã giảm quá mạnh, nếu cộng cả khoản tiền chênh thì mỗi m2 đất dự án Tuần Châu hiện nhà đầu tư lỗ khoảng gần 10 triệu đồng/m2. Hiện tại, hình tài chính của tôi cũng không đủ để theo tiếp hợp đồng t.rong khi giờ muốn bán cũng không bán được bởi không có người mua. Còn nếu tìm cách phá hợp đồng cũng thiệt bởi tiền chênh mất sẽ là mất trắng” anh Tùng chia sẻ.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia bất động sản, khái niệm tiền chênh có lẽ chỉ tồn tại tại thị trường bất động sản Hà Nội. Trong khi giao dịch mua bán TPHCM diễn ra khá minh bạch, khách hàng trực tiếp tìm kiếm và mua bán với chủ đầu tư mà không phải trả thêm bất kỳ khoản tiền nào thì tại Hà Nội khái niệm này gần như không có. Chính vì khoản tiền chênh lệch qua các khâu trung gian tăng dần đã khiến giá bất động sản tăng nhanh mà không có cơ quan nào có thể kiểm soát được.
Điều đáng nói, không chỉ ngoài thị trường mới có tiền chênh mà ngay cả khi mua trực tiếp của chủ đầu tư, qua sàn giao dịch của chủ đầu tư hoặc các sàn bất động sản, khách hàng vẫn phải chi tiền chênh. Khoản tiền này phần lớn là không có chứng từ, không có giấy biên nhận tiền vì vậy khách hàng, nhà đầu tư luôn nhận phần thua thiệt về mình bởi không có chứng cứ chứng minh mình đã nộp tiền "chênh".
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: