Top

Nguy cơ vốn đầu tư công giai đoạn 2016- 2020 vượt mức trần 2 triệu tỷ

Cập nhật 23/10/2018 13:58

Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2.000.000 tỷ đồng...
  


Theo Báo cáo, tổng nhu cầu vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung Ương giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng 60.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội vừa công bố báo cáo thẩm tra việc đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Theo đó, qua 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công và Nghị quyết 26, với sự chủ động tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được tăng cường, cân đối tài chính vĩ mô được giữ vững.

Mục tiêu của đề án là cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đã đạt được kết quả bước đầu khá tích cực, tỷ trọng đầu tư công giảm xuống mức 34,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Việc cân đối tổng thể nguồn lực đầu tư công trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 được xác định rõ ràng, tạo chủ động cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong cân đối nguồn lực đầu tư từ ngân sách và huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, đề án gặp không ít khó khăn, đầu tư dàn trải, dở dang, chưa thanh toán hết nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giao kế hoạch vốn trung hạn quá chậm, chưa bảo đảm tính ổn định, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân, hiệu quả nguồn vốn.

"Tỷ lệ giải ngân trong năm 2016, 2017 thấp, nhất là nguồn trái phiếu Chính phủ. Việc xây dựng danh mục đối với nguồn vốn ODA chưa bảo đảm tính chính xác, nhiều dự án chưa được bố trí đủ nguồn vốn đối ứng; xây dựng kế hoạch chưa bao quát hết các hiệp định đã ký kết, làm tăng áp lực cân đối giữa các nguồn vốn, dẫn đến vượt mức trần 300.000 tỷ đồng vốn ODA trong kế hoạch", báo cáo nêu. Một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư…

Nguy cơ vượt trần 2 triệu tỷ đồng

Theo Báo cáo của Chính phủ, do tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn trung hạn và hằng năm chậm, áp lực cân đối nguồn vốn trong 2 năm còn lại là rất lớn, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra và sẽ phải chuyển một phần vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn sang giai đoạn sau.

Cụ thể, tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là 2.000.000 tỷ đồng, tuy nhiên, chưa bao gồm các nguồn vốn mới phát sinh như nguồn để lại cho đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Viettel...Nếu tính đầy đủ các khoản này, tổng mức vốn giai đoạn 2016-2020 sẽ vượt mức 2.000.000 tỷ đồng.

"Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương trong 2 năm 2019, 2020, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí khoảng 237.000 tỷ đồng. Do vậy, khả năng cân đối đủ nguồn vốn là khó khăn, để thực hiện hiệu quả hơn trong 2 năm còn lại, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn, tình hình giải ngân, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn giữa vốn ODA và vốn vay trong nước, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn", Ủy ban Tài chính yêu cầu.

Theo Báo cáo, tổng nhu cầu vốn ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 360.000 tỷ đồng, tăng 60.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

"Đa số ý kiến cho rằng, việc bố trí vốn để triển khai các dự án ODA đã được ký kết là cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo cam kết với nhà tài trợ. Tuy nhiên nếu bổ sung 60.000 tỷ đồng sẽ vượt mức trần 2.000.000 tỷ đồng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung kế hoạch vốn không quá 60.000 tỷ đồng cho các dự án sử dụng vốn ODA trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu giữa nguồn vốn ODA và vay trong nước qua phát hành Trái phiếu Chính phủ trong phạm vi không vượt hạn mức 2.000.000 tỷ đồng nhưng đúng thời hạn "tốt nghiệp ODA" để đảm bảo có lãi suất hợp lý nhất, giữ chỉ tiêu an toàn nợ công và bội chi", Uỷ ban Tài chính ngân sách nêu.

Bác kiến nghị dùng 10.000 tỷ dự án chống ngập Tp.HCM để trả nợ

Về một số dự án trọng điểm và đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách đã đưa ra ý kiến chính thức.

Cụ thể, đề nghị ưu tiên bố trí: "Bổ sung vốn cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển", cơ quan này cho rằng, việc cân đối nguồn lực cho mục đích phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai là cần thiết. Trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, cần bố trí 10.000 tỷ đồng từ nguồn còn lại của các dự án quan trọng quốc gia chưa sử dụng để phân bổ cho mục tiêu này; giao Chính phủ xây dựng phương án phân bổ, danh mục dự án cụ thể, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Vấn đề "Bổ sung để thanh toán các khoản nợ đến hạn, quá hạn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương đối với các ngân hàng chính sách, dự án đầu tư theo hình thức BT theo đúng các quy định hiện hành và cam kết hợp đồng", Uỷ ban Tài chính cho hay, sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam mới xem xét phân bổ vốn.

Đối với các khoản nợ thanh toán của dự án BT, đề nghị Chính phủ giải trình rõ về các dự án BT được ưu tiên sử dụng dự phòng, báo cáo rõ danh mục, số vốn ngân sách dự kiến phải chi trả để Quốc hội xem xét, quyết định.

Chính phủ đề nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng không bố trí cho dự án Chống ngập Tp.HCM để thanh toán các khoản nợ đến hạn, quá hạn đối với các ngân hàng chính sách, dự án BT, thực hiện một số dự án. Ủy ban Tài chính đề nghị sử dụng 10.000 tỷ đồng này cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý sạt lở, phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai trong phạm vi cả nước như đã nêu trên.

Về các dự án thuộc tuyến đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An đầu tư theo hình thức PPP, theo cơ quan này, việc hình thành một tuyến đường ven biển mang ý nghĩa kết nối, liên thông là cần thiết, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, có phương án, giải pháp cụ thể, khả thi, phù hợp với nguồn lực ngân sách Trung ương, có sự cam kết sử dụng ngân sách của địa phương, kết hợp với các hình thức đầu tư khác, bảo đảm cân đối được nguồn lực, phân kỳ đầu tư, kết hợp hài hòa giữa giải quyết những dự án cấp thiết và tính tổng thể, hợp lý, công bằng đối với các địa phương ven biển.

Về bổ sung các dự án mới giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, nên ưu tiên cho các dự án đã có trong danh mục; trường hợp bố trí cho các dự án mới, chỉ tập trung cho những dự án cấp bách, có tính kết nối vùng, miền, các dự án phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ đề nghị chuyển từ vay lại sang Nhà nước đầu tư trực tiếp của một số dự án. Ủy ban cho rằng, theo quy định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội thì không được phép chuyển thành vốn cấp phát. Tuy nhiên, các Nghị quyết này được ban hành trước thời điểm những dự án này phát sinh. Do đó, đề nghị sau khi có kết luận của Bộ Chính trị thì tiếp tục xử lý.

Đối với dự án đường sắt đô thị của Hà Nội và Tp.HCM, Chính phủ đề xuất bố trí thêm 29.000 tỷ đồng. Hiện nay Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị hướng xử lý, trên cơ sở đó, cơ quan quyết định đầu tư có trách nhiệm phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. 

DiaOcOnline.vn - theo Vneconomy