Top

Nguy cơ cháy nổ chung cư: Cơ quan quản lý chưa làm hết trách nhiệm

Cập nhật 27/03/2018 08:25

Cựu cán bộ Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định công tác kiểm tra định kỳ về phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các công trình chưa làm hết trách nhiệm. Hơn nữa, nhân viên của đơn vị quản lý tòa nhà cơ bản không có kiến thức chuyên môn về PCCC.


Lo ngại về an toàn PCCC, lực lượng chức năng và ban quản lý nhiều chung cư ở Hà Nội diễn tập PCCC cho cư dân ngày 26/3. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Trách nhiệm thuộc về cảnh sát PCCC?

Bộ Xây dựng đang giao Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết sự cố cháy tại công trình Carina Plaza; Phối hợp với Sở Xây dựng các địa phương tổ chức rà soát các công trình tương tự đã được đưa vào khai thác sử dụng để yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, ngày 26/3, khi được hỏi về tiến độ thực thi các công việc này, ông Hoàng Hải- Phó Cục trưởng Cục Giám định lấy lý do không được phát ngôn theo quy định, đề nghị phóng viên liên hệ với bộ phận tuyên truyền của Bộ Xây dựng để được giải đáp.

Một cựu cán bộ thuộc Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho hay, pháp luật đã quy định rất chặt chẽ về công tác thẩm duyệt thiết kế đảm bảo an toàn PCCC của lực lượng công an (cụ thể là Cảnh sát PCCC). Thế nhưng, để ra kết quả thẩm duyệt lại là chuyện khác. “Công an thẩm duyệt thiết kế, kiểm định các phương tiện PCCC, kiểm tra nghiệm thu và đồng ý cho công trình đưa vào sử dụng khi đủ điều kiện PCCC. Công an còn yêu cầu ban quản lý tòa nhà và cư dân phải diễn tập các phương án PCCC”, vị cán bộ này
cho biết.

Cũng theo vị này, có một số điểm chưa chặt chẽ trong hệ thống văn bản pháp luật như quy định chủ đầu tư phải tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế PCCC. Việc này, thực tế chưa thấy chủ đầu tư nào làm cả. “Cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm túc trong kiểm tra an toàn PCCC. Thực tế, cứ 10 ông chủ đầu tư thì cả 10 đều muốn giảm bớt các khoản chi phí đầu tư. Chung cư nào không đảm bảo PCCC nhất quyết cơ quan quản lý nhà nước không cho đưa vào vận hành tòa nhà. Việc xử phạt hành chính chỉ 70-80 triệu đồng đối với chủ đầu tư quá nhỏ. Hơn nữa, những người vi phạm Luật PCCC không thể xử phạt vi phạm hành chính, phải truy tố ra tòa”, cựu cán bộ Cục Giám định cho hay.

Trách nhiệm khi để xảy ra các vụ hỏa hoạn chung cư thời gian qua, theo cựu cán bộ này, đầu tiên thuộc về lực lượng công an, cụ thể là Cảnh sát PCCC. “Nếu công an cương quyết, không cho chủ đầu tư đưa vào sử dụng thì không ai dám cho dân vào ở”, vị này khẳng định.

Cũng theo cựu cán bộ này, để xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ ở các chung cư có lỗi từ cả nể, vô trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bởi lẽ, họ không ở chung cư đấy nên họ không lo. Bàn về việc tập huấn định kỳ, kiểm tra định kỳ công tác PCCC cho cư dân nhưng hỏa hoạn vẫn xảy ra thường xuyên, vị này cho rằng: “Thực tế, nếu kiểm tra đúng quy định, cứ 6 tháng 1 lần họ phải thực hiện. Nếu phát hiện trang thiết bị hư hỏng (bình bọt, lăng vòi, nước,…), ban quản lý tòa nhà phải thay thế, nhưng tiền lấy đâu ra? Chi phí bảo trì, vận hành tòa nhà chung cư 2% không thể đủ…”.

Hơn nữa, ý thức của người dân trong công tác PCCC vẫn rất thấp, chưa hiểu hết cả việc đóng, mở cửa để giúp đơn vị quản lý tòa nhà có thể bơm tăng áp, đẩy khói và khí độc ra ngoài trong một số trường hợp cháy. “Một thực trạng nữa là hiện ở các chung cư, nhân viên của các công ty quản lý tòa nhà chủ yếu toàn những người về hưu, học thức kém, làm sao đủ trình độ quản lý tòa nhà”, cựu cán bộ này cho biết thêm.

Trách nhiệm một vụ cháy chung cư thuộc về ai?

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú tại Hà Nội, để xác định trách nhiệm của các bên liên quan trong một vụ cháy chung cư trước hết cần xác định được nguyên nhân của vụ cháy.

“Luật Nhà ở quy định rất rõ về đảm bảo an toàn của tòa nhà, nhất là về PCCC. Trong đó, quy định chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về an toàn PCCC trước khi đưa vào sử dụng. Khi tòa nhà đã bàn giao và đưa vào sử dụng, thành lập ban quản trị rồi thì chưa thể xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, vì trước đó phải có sự chấp thuận của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có sự nghiệm thu của cơ quan Cảnh sát PCCC. Trong trường hợp này, nếu chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu về PCCC mà cơ quan Cảnh sát PCCC vẫn nghiệm thu để tòa nhà đưa vào sử dụng thì có phần trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát PCCC”, Luật sư Tú phân tích.

“Nếu chủ đầu tư đã tuân thủ đầy đủ yêu cầu về PCCC, cơ quan Cảnh sát PCCC nghiệm thu đúng mà đơn vị vận hành sai quy trình dẫn đến cháy nổ thì trách nhiệm thuộc về đơn vị này. Thông thường tại các tòa nhà chung cư cao tầng, việc vận hành thang máy, bảo trì, bảo dưỡng điện nước, phòng cháy chữa cháy,... sẽ được Ban quản trị tòa nhà thuê các đơn vị vận hành, bảo trì thực hiện. Do đó, nếu đơn vị vận hành thực hiện không đúng các yêu cầu về PCCC hoặc đơn vị cho thuê vận hành không đúng quy trình thì phải chịu trách nhiệm về các sai phạm do mình gây ra”, Luật sư Trương Anh Tú cho biết thêm.

Ngoài các bên liên quan trực tiếp, theo Luật sư Tú còn có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra an toàn chung cư.

“Hiện nay, chủ đầu tư đang rất thiếu trách nhiệm trong việc PCCC. Nhiều nơi trang bị các hệ thống và thiết bị rẻ tiền, thiếu chất lượng. Thậm chí trang bị để đối phó với chuyện nghiệm thu bàn giao căn hộ. Khi nghiệm thu thì vận hành được, đến khi có sự cố thì không”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong