Top

Người mua nhà nộp tiền sử dụng đất thay chủ đầu tư

Cập nhật 17/07/2014 16:25

Tiền sử dụng đất được phân bổ cho từng đối tượng sử dụng theo hệ số phân bổ nhân (x) với diện tích nhà của từng đối tượng sử dụng.

Đây là nội dung tại Thông tư 76/2014 của Bộ Tài chính mới ban hành, hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, sẽ có hiệu lực từ 1/8/2014.

Người mua chung cư phải nộp tiền sử dụng đất

Theo Thông tư này, sẽ phân bổ tiền sử dụng đất đối với trường hợp công trình xây dựng nhiều tầng gắn liền với đất được Nhà nước giao đất cho nhiều đối tượng sử dụng quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 45/2014.

Theo đó, tiền sử dụng đất được phân bổ cho từng đối tượng sử dụng theo hệ số phân bổ nhân (x) với diện tích nhà của từng đối tượng sử dụng.

Hệ số phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa diện tích đất xây dựng nhà và tổng diện tích nhà của các đối tượng sử dụng. Trường hợp nhà có tầng hầm thì 50% diện tích tầng hầm được cộng vào tổng diện tích nhà của các đối tượng sử dụng để tính hệ số phân bổ.

Thông tư cũng quy định, trường hợp diện tích các tầng hầm được xác định là thuộc sở hữu chung của các đối tượng sinh sống trong toà nhà thì diện tích các tầng hầm được phân bổ đều cho các đối tượng sử dụng nhà.

Trường hợp diện tích các tầng hầm được xác định là thuộc sở hữu của chủ đầu tư thì diện tích các tầng hầm được phân bổ để tính thu tiền sử dụng đất cho đối tượng là chủ đầu tư.


Từ 1/8, người dân mua chung cư sẽ phải nộp tiền sử dụng đất thay chủ đầu tư dự án phải nộp như hiện hành.

Còn đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê thì thực hiện phân bổ tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

Giá nhà sẽ đội lên cao?

Như vậy, với tính toán này, giá mua nhà chung cư đến tay người dân sẽ tăng lên do phải tính thêm chi phí tiền sử dụng đất. Trong khi, một trong những nguyên nhân khiến bất động sản đóng băng, người dân không mua nhà là do giá bất động sản vốn dĩ vẫn cao hơn rất nhiều so với thu nhập trung bình của người dân.

Đồng thời, chính điều này có thể sẽ tiếp tục là rào cản thách thức tốc độ giải ngân của gói tín dụng 30.000 tỷ khi quy định cho người dân vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với diện tích dưới 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Hiện, tốc độ giải ngân chậm chạp của gói tín dụng này vẫn được lý giải do nguồn cung hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành từng cho biết, với mức giá, lãi suất hiện nay thì người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng cũng khó mua được nhà.

Ông Đực phân tích, trả trước khoảng 200 triệu đồng để mua một căn hộ giá 700 triệu, người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, sau khi dành tiền cho chi tiêu hàng ngày, họ phải dành dụm gần 5 năm trời mới đủ. Số còn lại vay ngân hàng 10 - 15 năm thì mỗi tháng họ phải trả khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Đối với mức chi tiêu tại TP. Hồ Chí Minh, để tiết kiệm được khoản này rất khó. Theo ông Đực, nếu hai vợ chồng tổng thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng/tháng mới có khả năng mua được nhà.

Chuyên gia kinh tế TS Alan Phan cũng từng cho biết, nếu nhìn thuần túy theo góc độ thị trường, lý do duy nhất khiến bất động sản trì trệ là vì giá bán không phù hợp túi tiền người mua. Giá nhà đất hiện quá cao.

So với thu nhập trung bình của người dân, hiện giá nhà đất đang cao gấp 25 lần. Trong khi đó, ở các nước khác, mức tối đa về giá chỉ cao gấp khoảng 7-8 lần thu nhập trung bình. Vì giá bất động sản ở Việt Nam không phù hợp nên người dân không thể mua được chứ không phải dân thiếu tiền hay không có nhu cầu.

Giá nhà đất cũng là một trong sáu nghịch lí của thị trường bất động sản Việt Nam mà GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng "điểm mặt". Theo GS Đặng Hùng Võ, giá nhà ở trung bình cao gấp 25 lần thu nhập trung bình năm của người lao động (trong khi ở các nước khác tỷ lệ này là 2 - 4 lần), nếu người lao động tiết kiệm được 25% thu nhập thì cũng phải 100 năm sau mới mua được nhà. Đến nay, tỷ lệ này đã giảm ở mức 10 lần trong khu vực nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt