Diễn biến trên thị trường căn hộ tại Hà Nội dường như đang dần đặt khách hàng vào đúng vị trí vốn đã bị các chủ đầu tư, những người bán hàng chiếm giữ nhiều năm nay.
Người mua nhà đang đứng trước nhiều lựa chọn do nguồn cung khá dồi dào và sự cạnh tranh giữa các chủ đầu tư.
|
Thực tế này vốn đã manh nha từ một vài năm nay, khi mà thị trường bất động sản bắt đầu lâm cảnh khó khăn, hàng tồn kho ngày một tăng. Tuy nhiên, chỉ khi khó khăn gõ cửa từng doanh nghiệp địa ốc thì họ mới giật mình nhận ra thời kỳ hoàng kim của mình gần như đã lui dần.
Hết thời “bán nhà trên giấy”
Thị trường bất động sản khó khăn trong nhiều năm liền đã đưa tới một kết cục kém vui cho nhiều chủ đầu tư, song ở phía ngược lại, những người mua nhà lại cảm thấy ngày càng được đối xử công bằng hơn, được tôn trọng hơn và quan trọng hơn là họ không còn phải ngược xuôi chạy vạy chỉ để có được một suất mua nhà giá gốc, không phải mất cả đống tiền chỉ để trả cho những khoản chênh, cò, môi giới, chỉ trỏ…
Chính vì thế, khi mà khách hàng, nhà đầu tư đã được “giác ngộ” thì sự tỉnh táo và khôn ngoan của họ cũng đã khiến cho những chủ đầu tư bất động sản còn trụ lại trên thị trường phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Và cách đơn giản nhất được hầu hết các chủ đầu tư chọn lựa chính là phải bằng mọi giá hoàn thành dự án trước khi tung ra thị trường, giới thiệu đến khách hàng.
Tại Hà Nội, những cái tên điển hình cho phong trào nói không với “bán nhà trên giấy” như Vinaconex 3 với dự án CT2 Trung Văn, Viglacera với dự án ThangLong Numberone của Vigalacera, chung cư Tân Tây đô và HP LandMark Tower của Hải Phát, FLC Landmark, Gamuda Garden...Phần lớn các dự án trên đều được chủ đầu tư “âm thầm” xây dựng và chỉ chào bán ra thị trường khi đã xong phần thô.
Chủ một dự án cho hay, do quá hiểu được sự thất vọng của khách hàng dối với các dự án bán nhà trên giấy nên công ty đã tập trung các nguồn tài chính để hoàn thành dự án một cách nhanh nhất.
Ngay cả việc trông chờ vào tiền thu theo tiến độ của khách hàng để triển khai dự án cũng khiến cho chủ đầu tư mất đi vô số cơ hội trên thị trường.
“Chúng tôi xác định bằng mọi giá cũng phải cất nóc dần các tòa nhà trong dự án của mình rồi mới chính thức giới thiệu ra thị trường, mong khách hàng khi đến với công ty phải bằng người thật, nhà thật”, lãnh đạo Công ty Hải Phát cho hay.
Thậm chí như dự án Green City của Công ty Hoà Bình, giám đốc công ty này đã từng bắt nhân viên phải thông báo với khách hàng khi đến nhận nhà nhớ mang theo búa hoặc khoan bê tông để kiểm tra chất lượng tường.
Thực tế trên cho thấy, các chủ đầu tư bất động sản hiện nay đã quá thấu hiểu được thế nào là chữ tín của mình đối với khách hàng.
Nỗ lực xốc lại thị trường
Có thể khẳng định, với người mua nhà hiện nay, chỉ cần gọi điện tới một sàn giao dịch hay một chủ đầu tư nào đó để hỏi mua căn hộ, ngay tức thì sẽ được đón tiếp, phục vụ chu đáo. Theo đó, người có nhu cầu mua nhà tại Hà Nội đang đứng trước cơ hội lựa chọn về chốn an cư cho mình, bất luận là ở phân khúc bình dân hay hạng sang.
Hàng loạt dự án được chủ đầu tư mở bán như Thăng Long Number One, CT1, 2 Tân Tây Đô, Gamuda Garden...với vô số các ưu đãi, quà tặng. Thậm chí dự án HP Landmark Tower trên đường Lê Văn Lương kéo dài, khách hàng không những được thanh toán kéo dài trong 20 năm mà còn được sàn giao dịch bất động sản Hải Phát tặng 1 lượng vàng SJC khi người mua đóng đủ tiền đợt 1.
Động thái này cho thấy, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ lấy lại uy tín, chủ đầu tư dự án còn phải có những cách thức khác nhau để hướng đến người mua. Từ chiết khấu trực tiếp, tặng gói nội thất, đồ gia dụng đến hỗ trợ lãi suất vài năm đầu… tất cả cũng đều xuất phát từ sự “hy sinh” lợi nhuận của chủ đầu tư.
“Chúng tôi buộc phải giảm lãi, trích một phần cho các ngân hàng để trả lãi suất thay khách mua căn hộ nếu họ có nhu cầu vay vốn. Làm như vậy thanh khoản sẽ tăng lên, hàng tồn kho dự án sẽ nhanh chóng được giải quyết, còn hơn là cư ôm đây rồi è ra trả lãi vay ngân hàng”, giám đốc một dự án cho hay.
Một số dự án còn cho khách hàng nộp tiền trước 20% là có thể nhận nhà ngay như Gamuada Gardens…hoặc cho vay 0%, miễn phí quản lý như IPH, Times City…
“Trong bối cảnh giới đầu tư bất động sản đã nỗ lực xốc lại thị trường, cố gắng tự giải thoát cho mình mà không đặt khách hàng ở vị trí trung tâm thì coi như đã tự giết chết mình một lần nữa. Bài học mà chúng tôi trải qua trong gần 3 năm qua là quá đủ cho những người làm bất động sản như chúng tôi phải biết cần làm gì rồi. Người ta bảo mua một căn nhà khác mua một mớ rau, nhưng tôi cho rằng, muốn khác thì trước hết cũng vẫn cứ phải theo phương thức tiền trao cháo múc thì khách hàng mới tin tưởng mà bỏ tiền ra mua cho”, vị giám đốc này chia sẻ.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: