Top

Người dân hiến đất vàng làm đường

Cập nhật 02/05/2013 09:31

Lãnh đạo phường liên tục ngồi uống trà vận động dân và họ đã vui vẻ hiến đất.

Giữa tháng 4-2013, xe cuốc, xe ủi, vật tư rầm rộ tập kết đến công trường xây dựng đường Nguyễn Đình Chiểu nối dài, thuộc khóm 2, phường 4, TP Sóc Trăng. Ở Sóc Trăng, chưa có con đường nào mà người dân tự nguyện hiến đến gần 10.000 m2 đất như vậy.

Giải tỏa 15 năm bế tắc

Con đường Nguyễn Đình Chiểu là một trong những con đường thuộc trung tâm TP Sóc Trăng, nối từ trung tâm chợ Sóc Trăng đến khóm 2, phường 4, TP Sóc Trăng. Từ 15 năm trước, con đường này đã được quy hoạch để đấu nối với các trục lộ trung tâm của TP. Tuy nhiên, do không có kinh phí, lại không được xét là nhóm những công trình bức xúc nên đoạn nối dài Nguyễn Đình Chiểu cứ mãi nằm trên quy hoạch.

Cũng từng ấy thời gian, 71 hộ dân có nhà, đất trên đoạn đường này hằng ngày gánh chịu những hậu quả của ô nhiễm môi trường và nhiều bất lợi khác trong đời sống sinh hoạt. Ông Võ Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, nói: “Nhiều năm qua, TP Sóc Trăng rất muốn làm con đường này nhưng không có nguồn vốn. Chỉ tính riêng tiền bồi thường cho dân đã lên đến vài chục tỉ đồng mà không làm thì ô nhiễm ngày càng nặng, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị. Từ đó, đầu năm 2012, chúng tôi bàn với dân phương pháp hiến đất làm đường. Và như các anh thấy đó, con đường đang được khởi công giai đoạn 1. Dự kiến tháng 7 này sẽ khởi công giai đoạn 2. Nhiều khả năng đến tết Nguyên đán 2014 con đường sẽ đưa vào sử dụng”.

Ông Lâm Ngọc Ngương đã tự làm đường bê tông, xây tường rào nhưng chấp nhận tháo dỡ bức tường, hiến đất mà không đòi hỏi hỗ trợ đồng nào. Ảnh: TV


Cùng dân ngồi tính

Ông Trần Thuận Tân, Chủ tịch UBND phường 4, TP Sóc Trăng, một trong những người đi vận động dân hiến đất, kể: “Mỗi mét vuông đất khu vực này có giá từ 2 đến 5 triệu đồng. Tổng số đất dự kiến vận động người dân hiến lên đến gần 10.000 m2 nên lúc đầu tôi cũng hơi dội, không đủ lòng tin sẽ vận động nổi. Tuy nhiên, sau gần một năm ngồi với dân bàn bạc thiệt hơn, mọi chuyện đã đâu vào đó, con đường đã khởi công và ai cũng phấn khởi, không có bất kỳ một khiếu nại nào”. Kết quả có 69 hộ dân hiến 9.124 m2, bồi thường và hỗ trợ di dời cho hai hộ dân bị giải tỏa trắng với diện tích 364 m2.

Đặc biệt, có nhiều hộ dân tự tháo dỡ các công trình hàng chục triệu đồng mà không đề nghị bồi thường, hỗ trợ một đồng nào. Như hộ ông Lâm Ngọc Ngương (Thành “phồng tôm”) tự tháo dỡ hàng rào trị giá 50 triệu đồng mới xây chưa được hai năm. Nhà hàng Minh Châu, nhà hàng Hoàng Hậu… tự tháo dỡ các bức tường có giá cả trăm triệu đồng….

Nói chuyện phá hàng rào, hiến đất, ông Thành “phồng tôm” cười hề hề: “Ban đầu tôi đâu có chịu. Mặt tiền đất của tôi dài đến 40 m, hiến 4 m ngang coi như tôi mất hai cái nền nhà, thêm cái tường rào mới xây 50 triệu đồng nên vợ tôi cự, không chịu hiến. Sau nhiều lần ngồi uống trà với anh Tân, anh Nhàn, họ phân tích tôi thấy có lý, thấy hiến đất làm đường mình có nhiều cái lợi. Sau tết, trong một lần ngồi với nhau tính toán đến nơi đến chốn với chủ tịch phường, tôi thấy mình chịu hy sinh hai cái nền nhà nhỏ, để cái nền lớn của mình lồi ra mặt tiền đường 9 m, giá trị sẽ nâng lên gấp đôi. Quan trọng hơn là trước nhà mình không còn cái kênh thối, sức khỏe mọi người sẽ tốt hơn, sống thọ hơn. Anh Tân phân tích như vậy, tôi về nói với vợ con và… OK!”. Trước đó, ông đã tự làm con đường bê tông đi lại nên không bức xúc về đường đi và nhiều lần ông đã bỏ ra về khi cuộc họp dân chưa kết thúc…

Theo ông Thành, người dân sẽ hiến không cho Nhà nước, miễn là cán bộ công tâm, công bằng.

Tiết kiệm gần 30 tỉ đồng ngân sách

Theo Phòng Quản lý đô thị TP Sóc Trăng - đại diện chủ đầu tư, dự án đường Nguyễn Đình Chiểu nối dài đang thi công có tổng vốn đầu tư là 20 tỉ đồng (số tròn). Đoạn nối dài này có chiều dài hơn 1 km, bề rộng mặt đường là 9 m, lề đường hai bên là 4,5 m. Tiền đền bù giải tỏa chỉ có 2,2 tỉ đồng cho hai hộ bị giải tỏa trắng. Nếu không được dân hiến đất thì phần tiền giải phóng mặt bằng có thể lên đến trên 30 tỉ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP