Hơn 6,5 triệu người dân sinh sống tại các quận 7,8, Nhà Bè, Bình Chánh… của TP.HCM đang "dài cổ" chờ dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng hoàn thành để có thể thoát được cảnh bì bõm lội nước hàng chục năm qua.
Vào những ngày triều cường hoặc mưa lớn, các con đường như Hồ Ngọc Lãm (quận 8), Bến Phú Định (quận 8), An Dương Vương (quận 5), Trần Não (quận 2), Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh)… hoá thành sông sau ít phút.
Ghi nhận thực tế, có nơi trũng sâu nước ngập hơn 1 mét. Triều cường, ngập nước khiến người dân phải sống chung với cảnh nhà cửa, đồ đạc bị ngâm dưới dòng nước thối, các em học sinh phải bì lõm lội nước đến trường. Nước ngập làm muỗi mòng phát triển khiến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện đe doạ sức khoẻ con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Cảnh tượng dòng người nối đuôi nhau chen chúc dưới dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi tanh mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn đã trở nên quá quen thuộc. Nhiều phương tiện bị chết máy khiến chủ xe phải khổ sở dắt bộ tìm chỗ sửa. Thậm chí, không ít trường hợp các “xế hộp” tiền tỉ cũng chết máy giữa dòng nước đen ngòm khiến người lái xe chỉ biết kêu trời và chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu.
Nhiều năm nay, người dân khu vực Bến Phú Định (quận 8, TP.HCM) khổ sở sống chung với ngập lụt
|
Diễn biến trên kéo dài từ hàng chục năm qua. Người dân sinh sống tại khu vực bờ hữu sông Sài Gòn như quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh… luôn vất vả, khổ sở mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường.
Dân mừng hụt với “đại dự án” ngăn triều chống ngập
Năm 2016, dự án “giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu” 10.000 tỷ đồng được khởi công cùng những tuyên bố đanh thép từ nhà đầu tư là công ty TNHH Trung Nam (Trung Nam Group) khiến hàng triệu người dân cảm thấy khấp khởi vui mừng.
Ngoài 6 cống ngăn triều và 3 trạm bơm, dự án chống ngập 10.000 tỷ còn gồm việc xây tuyến đê xung yếu bao ven sông Sài Gòn - từ Vàm Thuật đến sông Kinh, dài gần 8 km. Người dân sinh sống các khu vực trên mường tượng đến cảnh đường sá khô ráo, không còn cảnh học sinh khổ sở bì bõm lội nước đến trường đều vui mừng.
Thực tế, quá trình thi công dự án đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân. Lúc thi công đóng cọc, công trình đã gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và đặc biệt là làm hư hỏng kết cấu các căn nhà.
Cụ thể, tháng 7/2017, gần 200 căn nhà tại khu vực Bến Phú Định (thuộc hai phường 7 và phường 16, quận 8) bị rung lắc, đồng thời xuất hiện nhiều vết nứt. Bên cạnh đó, công trình nhiều lần xảy ra tình trạng mất an toàn như ngã cần cẩu, cừ thép ngã xuống đường, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Thêm vào đó, công trình cũng không đảm bảo phương án phân luồng giao thông, gây nhiều khó khăn cho việc đi lại…
Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn chấp nhận vì hy vọng vào tác dụng chống ngập lâu dài của công trình sau khi hoàn thành.
Dòng nước đen ngòm, hôi thối bao quanh cuộc sống của người dân từ bao năm nay
|
Tuy nhiên, tháng 5/2018, công ty TNHH Trung Nam bất ngờ ngưng thi công dự án ngăn triều chống ngập với lý do Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển VN (BIDV, chi nhánh Nam Sài Gòn) đã dừng giải ngân cho dự án vì UBND TP.HCM chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện cấp vốn.
Đặc biệt, đầu tháng 9/2018 “đại công trình” này tiếp tục bị phát hiện dùng thép Trung Quốc thay bằng thép Nhật để xây dựng khiến nhiều người lo ngại số phận của dự án chống ngập này sẽ không biết ra sao.
Câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp khi mà nhà chức trách cũng như chủ đầu tư vẫn chưa đưa ra phản hồi xác đáng cũng như giải pháp để xử lí tình trạng ngổn ngang như hiện nay. Tuy nhiên, ai nấy đều có thể có thể mường mượng ra trước mắt người gánh chịu hậu quả nhiều nhất khi mà “đại công trình” chống ngập kia vẫn còn ngổn ngang chính là hơn 6,5 triệu người dân sinh sống ven sông Sài Gòn.
Dự án chậm tiến độ, dân tiếp tục bì bõm lội nước
Ghi nhận của Thế Giới Tiếp Thị Online, hơn 4 tháng qua, dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ tạm dừng khiến 7 công trình chống ngập gồm: cống Bến Nghé, cống Cây Khô, Đê kè - cống nhỏ Cầu Kinh/Bà Bướm, cống Mương Chuối, cống Phú Định, cống Phú Xuân và cống Tân Thuận bị “mắc cạn”.
Hệ luỵ của việc này đã khiến hoạt động tàu bè trên các tuyến kênh ở trong thành phố cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tất cả các cống trên hầu như đã "bất động", không có công nhân làm việc, máy móc của các nhà thầu cũng rút dần.
Những khối sắt, bê tông,... khổng lồ bị "đắp chiếu" khiến nhiều người Sài Gòn lo lắng vì không biết đến bao giờ mới hết chịu cảnh ngập.
Nhiều ngôi nhà ở khu vực Bến Phú Định (quận 8) vẫn còn nguyên những vết nứt kéo dài khiến người dân sống trong cảnh nơm nớp lo sợ vì không có tiền sửa chữa nhà.
Thành phố bước vào giữa mùa mưa cũng là lúc người dân lại gồng mình lên gánh chịu những cơn “hồng thuỷ”. Cảnh trẻ em bì bõm lội nước, sóng nước bắn tung té ngã nhào ra đường khi có chiếc xe taxi chạy nhanh qua giữa đoạn đường ngập lại tiếp diễn.
Chiều 8/9, mưa lớn đã gây ngập nghiêm trong khu vực phía Tây thành phố. Nhiều con đường như Kinh Dương Vương, An Dương Vương (quận 5), Bến Phú Định (quận 8)… biến thành sông. Nước dâng cao trùng vào giờ tan ca nên nhiều phương tiện di chuyển qua các tuyến đường ngập bị chết máy. Bà con phải dắt xe lội bộ. Các tiệm sửa xe ven đường đông đúc hơn ngày thường. Một số người dân đã phải đem cành cây, biển hiệu ra cắm tại khu vực nước sâu, nơi có ổ voi, hố ga... để cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường.
Công trình chống ngập 10.000 tỷ bị dừng thi công, người dân lại tiếp tục bì bõm trong biển nước
|
Bà Trần Thị An (65 tuổi, sống tại khu vực Bến Phú Định, quận 8) thất vọng cho biết: “Hàng chục năm qua, chúng tôi đã phải gồng mình sống chung với cảnh ngập lụt do những con nước lớn. Dự án chống ngập do triều được khởi công, những tuyên bố đanh thép từ nhà đầu tư khiến chúng tôi khấp khởi vui mừng. Ban đầu, dự án hứa hoàn thành vào tháng 4/2018 lại được dời đến cuối năm 2019 và bây giờ thì không biết đến bao giờ xong. Thật sự chúng tôi rất ngao ngán và chẳng còn trông chờ gì nữa”.
Cùng cảnh chán nản như trên, ông Đặng Thanh Hùng (ngụ đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè) cho hay: “Mấy năm trước nghe có dự án chống ngập thì bà con vui mừng lắm chứ giờ thì chẳng còn trông ngóng gì nữa. Nhà đầu tư hứa lần hứa hẹn thời hạn hoàn thành để đến bây giờ thì ngưng luôn với một đống sắt, thép chưa đâu vào đâu. Đã vậy, họ còn ngang nhiên thay thế vật liệu kém chất lượng hơn để sinh lợi nhuận thiệt là không thể nói nổi. Tôi không biết dự án lớn như vậy thì có được kiểm tra kỹ càng không chứ người khổ trước mắt là người dân tụi tui. Mưa xuống lại ngập, cái điệp khúc này chắc sẽ còn lặp lại nhiều năm sau nữa”.
Số phận của công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng?
Trong những ngày qua, dư luận dấy lên nhiều nghi vấn về việc công trình ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP.HCM do công ty TNHH Trung Nam (Trung Nam Group) làm chủ đầu tư sử dụng thép Trung Quốc thay vì thép Nhật Bản như đã đăng ký trong bản vẽ thi công. Theo đó, Liên danh Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Meinhardt Việt Nam - Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình Hàng hải (CMB) - Công ty CP Tư vấn Xây dựng và Chuyển giao công nghệ Thăng Long 12 đã “phát giác” việc chủ đầu tư thay đổi thép từ thép thuộc các nước G7 sang thép Trung Quốc và gửi các đánh giá cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP.HCM cảnh báo về sự việc này.
Chủ đầu tư Trung Nam Group vẫn không nhận trách nhiệm trong việc thay đổi chất liệu thép
|
Lý giải về nhưng lùm xùm trên, chủ đầu tư Trung Nam Group cho rằng do thép SUS 304 (Nhật Bản) có cơ tính thấp, không phù hợp nên đơn vị phải dùng thép SUS 323L (Trung Quốc) để tối ưu trong thiết kế bản vẽ thi công. Loại thép này cũng được nhiều công trình lớn trên thế giới áp dụng, ngay cả ở Nhật Bản. Ngoài việc dùng thép SUS 323L làm van cống, các hạng múc khác của công trình đều là thép như thiết kế cơ sở.
Đại diện Trung Nam Group viện dẫn Văn bản 1947, Thủ tướng Chính phủ ký năm 2015 chấp thuận cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý cho TP.HCM thẩm định thiết kế cơ sở, bản vẽ thi công và dự toán. Sau đó, TP.HCM đã ủy quyền và giao nhiệm vụ lại cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định dự án. Như vậy, Trung Nam Group phải trình mọi thiết kế và vấn đề phát sinh dự án qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đúng theo phân công chức năng của Chính phủ, văn bản pháp lý và hợp đồng. Chủ đầu tư cho rằng việc Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng cho rằng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có thẩm quyền trong các quyết định thay đổi vật tư là thiếu cơ sở. Bên cạnh đó, chủ đầu tư này còn phân bua rằng dự án ngưng hoạt động từ tháng 4 không phải do doanh nghiệp sử dụng thép Trung Quốc.
Sự việc đã khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn khi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng hiện đang khó về giải ngân, đến nay vướng nghi án đội vốn, dùng thép Trung Quốc thay thế thì sẽ như thế nào cho chính chất lượng công trình và tại sao lại khiến dự án đội lên vốn “khủng”. Người ta lo ngại về về việc đội vốn có thể kiến tiến độ công trình tiếp tục bị trì trệ bên cạnh việc không được giải ngân vốn trước đó. Đồng thời, điều đáng lo ngại nhất là hàng triệu người dân TP.HCM lại tiếp tục sống trong nỗi thấp thỏm, lo âu, khổ sở mỗi khi con nước lớn dâng cao.
"Dự án chống ngập có xét tới yếu tố biến đổi khí hậu" (giai đoạn 1) có tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng, được ký kết giữa UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam, tiến độ hoàn thành 36 tháng, từ năm 2016 - 2019. Dự án giải quyết ngập do triều có quy mô 6 cống ngăn triều: Bến Nghé, Phú Xuân, Tân Thuận, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định có bề rộng 40 - 160m và khoảng 8km đê bao. Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân, thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
DiaOcOnline.vn - Theo Thế Giới Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: