Top

Nghịch lý dự án ngoại, vốn nội !

Cập nhật 18/08/2012 08:20

Việc chủ đầu tư nước ngoài đăng ký vốn đầu tư tới 3-4 tỷ USD nhưng vốn đem vào chỉ chiếm 20-30%... còn lại huy động vốn trong nước đã trở thành tiền lệ xấu trên thị trường bất động sản.

Hoang tàn dự án ngoại


Những dự án bất động sản có vốn ngoại một thời làm mưa làm gió trên thị trường phải kế đến dự án Parkcity (Lê Trọng Tấn, Hà Đông), dự án Spledora (Hoài Đức), dự án Gamuda (Yên Sở, Hoàng Mai), Booyoung Vina (Hà Đông)...

Đây đều là những dự án mà được giới đầu tư nhà đất Hà Nội rất quan tâm bởi nó thuộc về các chủ đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, uy tín....

Tuy nhiên, trái ngược với kỳ vọng nhiều nhà đầu tư, những dự án gắn mác ngoại này cũng tái diễn tình trạng giống như những dự án nội. Điển hình việc chậm tiến độ do chủ đầu tư thiếu năng lực về tài chính, pháp lý vướng mắc...khiến dự án dở dang thậm chí nhiều dự án bất động sản vốn ngoại hàng trăm triệu USD tại Hà Nội vẫn đắp chiếu sau nhiều năm được cấp phép.

Điều đáng nói hơn nữa là hiện tượng nhiều chủ đầu tư nước ngoài khi xin dự án bất động sản đăng ký vốn đầu tư tới 3-4 tỷ USD nhưng vốn mà họ thực sự đem vào chỉ chiếm 20-30%, chủ yếu là chi phí ban đầu, giải phóng mặt bằng... Sau đó, nhà đầu tư ngoại lại huy động vốn trong nước thậm chí chuyển nhượng cả dự án để thu lợi

Điển hình, dự án Park City của liên doanh giữa Perdana ParkCity Pte (Singapore) và CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Vinaconex - Hoàng Thành. Mặc dù giữa năm 2010, chủ đầu tư triển khai làm khu nhà thấp tầng tại tiểu khu Ngọc Lan với thời hạn bàn giao nhà dự kiến quý I/2013. Thời điểm khi mở bán giá bán mỗi m2 đất tại dự án Parkcity đạt 70- 80 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau gần 2 năm hiện tiểu khu Ngọc Lan mới chỉ hoàn thiện xong phần móng. Hiện công trình đang bị tạm dừng thi công được 7-8 tháng vì vậy cỏ mọc um tùm...

Cũng là một dự án có vốn FDI, dự án Gamuda City (Hoàng Mai) có tổng diện tích 500 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 5 tỷ USD của liên doanh Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia). Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai, dự án vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng chủ đầu tư đã thực hiện việc góp vốn của nhiều người từ năm 2011....

Trong báo cáo vừa được UBND TP.Hà Nội gửi Bộ Xây dựng cho thấy, Hà Nội có 95 dự án bất động sản vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, số dự án đang triển khai đúng tiến độ rất ít, hầu hết các dự án đang rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Lý giải nguyên nhân vì sao nhiều dự án bất động sản ngoại lại rơi vào tình cảnh này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vài năm trước khi số lượng vốn FDI đổ vào bất động sản ở mức kỷ lục vài chục tỷ USD là thời điểm thị trường bất động sản đang “nóng” nhất. Vì vậy, các nhà đầu tư ngoại rất nhanh nhậy đã chạy xin dự án để chiếm đất. Tuy nhiên, sau khi triển khai xong được thủ tục xin dự án, thị trường đóng băng, giá đất sụt giảm kéo dài khiến cho họ kiệt sức vì vậy dự án cũng lâm vào cảnh điêu tàn.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Có thể nói, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trên mọi lĩnh vực hiện nay là rất lớn chiếm gần 30%. Tuy nhiên, nhiều dự án bất động sản ngoại nhưng lại thực hiện việc huy động vốn của người dân trong nước. Thậm chí có những chủ đầu tư đăng ký vốn rất lớn nhưng khi chưa đưa vốn vào đã thu tiền của khách hàng theo kiểu ‘mỡ nó rán nó’ là sai. Đã đến lúc cần nhìn nhận, đánh giá lại năng lực những nhà đầu tư này.

Theo nhìn nhận của ông Phan Hữu Thắng – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản VN, nguyên Cục trưởng cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư), trong lĩnh vực bất động sản, để quản lý các cơ quan chức năng có đưa ra nhiều quy định chặt chẽ như tỷ lệ vốn đầu tư chung phải đưa vào VN, phải có tài khoản riêng mở tại VN và nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện được 30% tổng số vốn đầu tư đăng ký đối với dự án cụ thể mới được huy động vốn của người mua....Tuy nhiên, khi cấp phép xong các cấp chính quyền đã xao nhãng việc quản lý để xảy ra tình trạng trên.

Ông Thắng cho rằng, đối với dự án chậm triển khai mà đã thu tiền của khách hàng thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Trong hợp đồng kinh tế, các chủ đầu tư đã ghi rõ thời hạn bàn giao nhà, căn hộ nhưng bây giờ dừng không triển khai phải có trách nhiệm với khách hàng.Nếu như không giao được phải trả tiền cho người ta, thậm chí trả lãi cho khách hàng với số tiền đã huy động. Khách hàng có quyền đòi hỏi việc đó và chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc đó nhưng tại thời điểm này làm việc đó rất khó.

Với những dự án mà chủ đầu tư đã thu tiền của khách hàng nhưng tiêu hết rồi họ không có khả năng tài chính, lại vi phạm pháp luật cần phải được thu hồi lại. Những dự án nào sắp xong rồi nhưng chỉ thiếu ít vốn cần có giải pháp nào đó để giúp họ hoàn thành, tiếp tục bán hàng, công trình đi vào hoạt động để đảm bảo quyền lợi chung của khách hàng.

Theo ông Đặng Hùng Võ -nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng đối với những dự án có vốn đầu tư nước ngoài thì Nhà nước luôn có nhiều ưu đãi. Chúng ta mở cửa kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đem vốn vào đầu tư là nhìn vào tiềm lực tài chính, kinh nhiệm và khoa học công nghệ mới...Tuy nhiên, với những dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại huy động vốn của người Việt Nam để xây nhà rồi lại bán cho người Việt Nam với giá cao như vậy là không ổn. Điều này cần được các cơ quan quản lý chấn chỉnh bởi không sẽ là tiền lệ xấu.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia