Một số hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) được thanh toán bằng quỹ đất lại Quảng Nam đang khiến dư luận nghi ngờ địa phương “vỗ béo” nhà đầu tư, gây thất thoát ngân sách.
Dự án BT cầu Đế Võng được giao thực tế 251 ha - HỮU TRÀ
|
Tháng 9.2016, Ban quản lý (BQL) khu kinh tế mở Chu Lai ký hợp đồng BT với Công ty CP Đạt Phương để xây cầu Đế Võng (TP.Hội An) và đường dẫn có tổng chiều dài 448,2 m cùng các nhánh tuyến đường gom với tổng giá trị gần 344 tỉ đồng.
Đổi lại, chính quyền tỉnh Quảng Nam bố trí quỹ đất 306 ha tại TP.Hội An, H.Duy Xuyên và H.Thăng Bình cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác tạo nguồn vốn thanh toán. Dù thực tế chỉ giao cho chủ đầu tư khoảng 251 ha theo xác nhận của Sở KH-ĐT Quảng Nam (do loại trừ các khu đông dân cư và khu đất khó giải phóng mặt bằng), việc đổi đất này cũng bị cho là tạo cơ hội quá tốt cho doanh nghiệp.
Dừng mọi dự án BT đang đàm phán ở TP.HCM Tương tự, BQL khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và BQL khu kinh tế mở Chu Lai cũng lần lượt ký 3 hợp đồng BT khác. Cụ thể, dự án đường nối ĐT 603A với ĐT 607 (TX.Điện Bàn) dài 1,9 km, giá trị 69,3 tỉ đồng (không tính chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng do nhà nước đầu tư), Công ty TNHH sản xuất - thương mại Bách Đạt (nay là Công ty CP Bách Đạt An) được giao 6 khu đất rộng 105 ha.
Dự án đường trục chính Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc dài 646 m, vốn đầu tư 36,56 tỉ đồng (không tính chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng do nhà nước đầu tư), Công ty CP tập đoàn Đất Quảng (nay là Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng Quảng Nam) được giao 69,2 ha đất. Để có nguồn vốn thanh toán dự án xây dựng Nghĩa trang nhân dân Tam Anh Nam (H.Núi Thành) có tổng giá trị hơn 54,7 tỉ đồng của Công ty TNHH xây dựng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam dựa vào quỹ đất 8,13 ha (giai đoạn 1) xây dựng Khu dân cư TT.Núi Thành và nguồn thu sử dụng đất trên địa bàn khu kinh tế mở Chu Lai.
Giải đáp về những gói hợp đồng này, ông Đặng Phong, Giám đốc Sở KH-ĐT, khẳng định tỉnh Quảng Nam đã làm đúng quy định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa có nguồn vốn để bố trí... nên địa phương cần huy động thêm nguồn lực xã hội hóa.
Không để nhà nước bị thiệt?
Nói về hướng xử lý để không làm thất thoát ngân sách nhà nước, ông Đặng Phong cho hay các dự án BT trên địa bàn sẽ được kiểm tra, rà soát lại. Đối với 2 dự án BT đang triển khai tại Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (cuối năm 2014 đến năm 2016, thời điểm giá đất khá thấp), UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TX.Điện Bàn và các sở liên quan rà soát, xác định lại giá đất hiện hành đối với các khu đất còn lại để tạo vốn thanh toán. “Trường hợp giá trị quỹ đất để thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT, UBND TX.Điện Bàn báo cáo đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý phần chênh lệch theo hướng giảm diện tích đất giao cho nhà đầu tư”, ông Đặng Phong nói.
Đối với dự án cầu Đế Võng và dự án Khu nghĩa trang nhân dân Tam Anh Nam, nhà đầu tư đang được thúc giục hoàn thành các hạng mục còn lại, hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán; các cơ quan liên quan cũng phối hợp hoàn chỉnh phương án giá đất của phần diện tích đất đã giao, xác định giá đất hiện hành đối với các khu đất chưa giao… Trong khi đó, Công ty CP Bách Đạt An cho biết đã bỏ ra gần 40 tỉ đồng để làm dự án BT đường nối ĐT 603A với ĐT 607 (đạt 72% khối lượng, còn lại do vướng giải phóng mặt bằng) nhưng vẫn chưa được nghiệm thu quyết toán để khấu trừ vào tiền thuế sử dụng đất như thỏa thuận tại hợp đồng BT.
Bù trừ chênh lệch
Theo ông Đặng Phong, việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, bù trừ chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán. Trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán lớn hơn giá trị dự án BT thì nhà đầu tư phải nộp phần chênh lệch bằng tiền vào ngân sách nhà nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: