Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa có báo cáo gửi UBND TP HCM liên quan đến "số phận" của công trình kiến trúc tại số 59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1- người dân gọi là Dinh Thượng Thơ
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TP HCM, sau khi trưng bày triển lãm về phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP, với việc phá dỡ Dinh Thượng Thơ (hiện được sử dụng làm trụ sở của Sở Thông tin - Truyền Thông và Sở Công Thương TP), đa số các ý kiến của người dân, chuyên gia, nhà khoa học đề nghị bảo tồn, giữ lại toàn bộ công trình này.
Phá dỡ sẽ ảnh hưởng đến tổng thể
TS Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng việc tháo dỡ công trình sẽ ảnh hưởng đến công tác bảo tồn kiến trúc tổng thể của TP.
Nhà nghiên cứu khoa học và di sản Nguyễn Đức Hiệp nhìn nhận giá trị của từng công trình cổ không thể riêng lẻ với toàn thể đô thị cổ TP. Trụ sở UBND TP dù nguyên vẹn hình thức kiến trúc nhưng nếu gắn thêm khối công trình mới thiết kế sẽ không phù hợp và hoàn toàn áp chế không gian cổ của UBND TP và cả khu phố Lý Tự Trọng, Đồng Khởi và Pasteur. Xóa sổ di sản đồng nghĩa với phá vỡ quy hoạch, một trong các điểm mấu chốt tạo sự mất cân bằng và ảnh hưởng lớn tới quần thể.
Sở QH-KT cũng cho biết đa số các thành viên Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP đều có chung ý kiến cần cân nhắc kỹ về yếu tố bảo tồn công trình này. Sở này cũng thông tin công trình Dinh Thượng Thơ không được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP ban hành kèm theo Quyết định số 5360 năm 2010, do đó về pháp lý không thuộc đối tượng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, công trình này vẫn thuộc danh sách vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử của đồ án quy hoạch hiện hành (đồ án 930 ha) theo danh mục tại phụ lục 3 Quy chế quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị.
Hơn nữa, tài liệu về nguồn gốc hình thành cũng như quá trình sử dụng công trình qua nhiều thời kỳ là tương đối đầy đủ, có thể chứng minh được phần nào ý nghĩa của công trình trong suốt quá trình tồn tại. "Theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực bảo tồn trước đây do Sở QH-KT tổ chức đoàn khảo sát vào thời điểm năm 2014-2015 là có ý kiến đồng thuận phương án bảo tồn nguyên trạng công trình này" - Sở QH-KT thông tin thêm.
Chuyên gia, nhà khoa học cho rằng Dinh Thượng Thơ cần được bảo tồn vì dù không phải là di tích nhưng đây lại là một trong những biểu tượng của thành phố. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
|
Di sản gần 160 tuổi
Dinh Thượng Thơ do người Pháp xây vào những năm 1860. Công trình được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, gồm 1 dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với 2 dãy nhà hai bên tạo thành hình chữ U ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có 4 cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà.
Tính từ lúc được nâng cấp lần cuối (năm 1890) đến nay đã gần 130 năm, song kết cấu tòa nhà gần như vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy, nếu tình từ khi xây dựng lần đầu đến nay thì công trình này đã gần 160 tuổi.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: