Top

Năm 2019 phải hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương– Cần Thơ

Cập nhật 10/03/2017 15:59

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cầu phải đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, tuân thủ tuyệt đối quy trình để không gây ô nhiễm môi trường đối với tuyến cao tốc Trung Lương- Cần Thơ.

Ngày 10-3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra thực địa tuyến cao tốc TP HCM- Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ, đây là tuyến cao tốc “xương sống” cho sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL.

Tại cuộc làm việc ngay sau đó ở tỉnh Tiền Giang với sự tham gia của lãnh đạo Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính, các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, TP Cần Thơ và đại diện nhiều bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu báo cáo tổng quan về mạng lưới giao thông vận tải đường bộ khu vực ĐBSCL và Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (đứng thứ 2 hàng trên cùng từ phải sáng) đi kiểm tra thực tế tuyến cao tốc TP HCM- Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ vào sáng 10-3. Ảnh: XUÂN TUYẾN

Theo Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng năm 2030, mạng lưới đường bộ khu vực ĐBSCL gồm các trục dọc và trục ngang. Trục dọc gồm các tuyến N1, N2 (đường Hồ Chí Minh), cao tốc TPHCM- Cần Thơ và tuyến Quản Lộ- Phụng Hiệp, Quốc lộ 1, các trục Quốc lộ 50, 60. Trục ngang gồm các tuyến Quốc lộ 62, 30, 53, 91, 80 và tuyến Nam sông Hậu.

Riêng về hệ thống đường cao tốc hiện có 91 km đoạn đang khai thác (TPHCM- Long Thành- Dầu Giây, TPHCM- Trung Lương), 106 km đang thi công xây dựng (Bến Lức- Long Thành, Trung Lương- Mỹ Thuận) và 24 km đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ đang chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra còn một số đường cao tốc theo quy hoạch, bao gồm Châu Đốc- Cần Thơ- Sóc Trăng dài 200 km, Hà Tiên-Rạch Giá- Bạc Liêu dài 225 km và Cần Thơ- Cà Mau dài 150 km.

Tại buổi làm việc sau đó ở Tiền Giang, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải nâng tiến độ thi công để năm 2019 phải hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương- Cần Thơ. Ảnh: XUÂN TUYẾN

Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư 14.678 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT, được triển khai từ năm 2015. Dự án dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý II năm 2017 và hoàn thành vào quý III năm 2020. Nguồn kinh phí hoàn vốn cho dự án sẽ từ 2 nguồn: Thu phí đoạn cao tốc TPHCM- Trung Lương (khoảng 11 năm) và thu phí đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận (khoảng 20 năm).

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 6.384 tỷ đồng theo hình thức BOT, đã được phê duyệt đề xuất dự án năm 2016, hiện đang triển khai công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tiến độ dự kiến triển khai thi công bắt đầu từ quý III năm 2018 và hoàn thành quý III năm 2021. Toàn bộ vốn đầu tư cho dự án là vốn vay thương mại, không sử dụng ngân sách.

Tại cuộc làm việc, chủ đầu tư, nhà thầu cũng đã kiến nghị nhiều giải pháp để rút ngắn thời gian thi công; kiến nghị điều chỉnh mức, thời hạn thu phí, kiến nghị các ngân hàng ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn để đảm bảo tiến độ, hiệu quả đầu tư.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết do thời gian vay vốn dài (từ 11-20 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động trong nước phần lớn (70%) là ngắn hạn, nên các ngân hàng thương mại sẽ phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi quyết định cho vay. Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là trao tự chủ cho các ngân hàng thương mại trong việc quyết định cho vay đối với các dự án BOT. Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đề nghị chủ đầu tư làm việc thêm với các ngân hàng thương mại để đa dạng nguồn vốn, đảm bảo cân đối khả năng chi trả.

Trước yêu cầu cấp bách của đoạn cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã kiến nghị với Chính phủ nhiều giải pháp để giải quyết nhanh thủ tục đầu tư, sớm đưa toàn tuyến cao tốc TP HCM- Cần Thơ vào khai thác.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định việc ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng GTVT trên cả nước, đặc biệt là khu vực ĐBSCL thời gian qua đã góp phần quan trọng góp phần phát triển mọi mặt đời sống kinh tế- xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng địa phương, các khu vực và cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng GTVT vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Trục cao tốc “xương sống” kết nối TP HCM với các tỉnh ĐBSCL và các trục cao tốc ngang chưa triển khai thực hiện được, do đó ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả phát triển kinh tế- xã hội của khu vực này.

Về hệ thống hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho rằng tuyến cao tốc TP HCM đi Cà Mau, trong đó có đoạn cao tốc Trung Lương- Cần Thơ, là tuyến giao thông “xương sống” của khu vực ĐBSCL, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế- xã hội của cả khu vực. Đồng thời, có vai trò kết nối giữa vùng ĐBSCL với khu vực phát triển năng động nhất của cả nước- vùng TP HCM. “Việc đầu tư phát triển tuyến cao tốc này sẽ giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng hóa và hành khách, giảm thiểu tai nạn giao thông, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”, Phó Thủ tướng nói.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt trong việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, ổn định đời sống của người dân để có thể sớm đưa công trình vào xây dựng. Hiện tại, đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận đã giải phóng xong mặt bằng.

“Phải nhanh, bởi đây là điểm nghẽn, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống, tính mạng của người dân. Yêu cầu đoạn Trung Lương- Mỹ Thuận rút ngắn tiến độ 1 năm, đoạn Mỹ Thuận- Cần Thơ rút ngắn tiến độ 2 năm để đưa vào khai thác vào năm 2019”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, tuân thủ tuyệt đối quy trình để không gây ô nhiễm môi trường.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ