Ông Nguyễn Mạnh Hà |
Quỹ tiết kiệm nhà ở là phương án rất hay, có lợi cho dân, cho xã hội. Đây là một kênh tài chính và là cách giáo dục ý thức tiết kiệm. Anh muốn có nhà phải tiết kiệm, ngay từ nhỏ… - Lãnh đạo Cục quản lý nhà và thị trường BĐS chia sẻ.
Một trong những giải pháp hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp (TNT) được Bộ Xây dựng đưa ra chính là tạo lập Quỹ tiết kiệm nhà ở. Xung quanh vấn đề, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã có cuộc chia sẻ với báo giới.
* Giá nhà ở đang quá cao so với thu nhập của người dân. Đây là một trở ngại lớn cho những người có nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là đối tượng có thu nhập thấp. Ông nghĩ sao?
Mình không thể nói thu nhập thấp là không thể có nhà. Tùy thuộc vào khả năng mà người dân có thể ở nhà thuê hoặc trong diện tích nhỏ, khi nào có điều kiện thì nâng cấp. Ngày xưa chúng tôi phải ở nhà lá, vách đất giữa thủ đô, nhưng xã hội phát triển, mình cũng làm thêm, có thu nhập thì điều kiện nhà ở tốt lên. Mỗi người dân phải nỗ lực, có ý thức tiết kiệm để tạo lập nhà ở mới giải quyết được khó khăn.
* Ai cũng hiểu muốn mua nhà cần phải có sự tích lũy. Song thực tế rất nhiều người đã dành dụm tiền để mua nhà nhưng họ không thể theo kịp với tốc độ tăng giá nhà. Trong trường hợp này chưa hẳn chỉ cần có ý thức tiết kiệm như ông nói là đủ…?
Quỹ tiết kiệm nhà ở chính là cách để hỗ trợ vấn đề này. Đây là phương án rất hay, chỉ có lợi cho dân, cho xã hội. Đây là một kênh tài chính và là cách giáo dục ý thức tiết kiệm của dân. Anh muốn có nhà thì phải tiết kiệm, ngay từ nhỏ.
Tham gia quỹ tiết kiệm, người dân đóng tiền theo tháng nên không gây khó khăn nhiều. Nó giống như đóng bảo hiểm nhân thọ, anh muốn vay một khoản tiền thì phải đóng vào quỹ thì sau đó mới được vay để mua nhà. Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất, các doanh nghiệp có chính sách phát triển loại nhà phù hợp để người dân có thể mua được.
Các hộ gia đình, cá nhân đóng góp hàng tháng không tính theo tỷ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến (ảnh minh họa)
|
* Cơ quan chức năng liệu có nghĩ đến trường hợp sau khi vay tiền mua nhà, khách hàng lại không có khả năng trả nợ hoặc đóng tiền trả góp tiếp?
Trường hợp khó khăn đặc biệt thì nhà nước sẽ hỗ trợ, ví dụ như sẽ cho thuê nhà ở xã hội và trả lại nhà đã mua. Vay tiền để mua nhà của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thu hồi vốn, song nhà nước có chính sách tạo chỗ ở cho người khó khăn đặc biệt, không thể để người dân ở ngoài đường.
* Nếu người mua cố tình trây ỳ không tiếp tục trả tiền nhà sau khi đã nhận nhà thì sao?
Tất nhiên, chúng tôi tất nhiên sẽ có chế tài để buộc phải trả tiền.
* Tiêu chuẩn xét duyệt người mua nhà đã tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở như thế nào?
Những có người thu nhập thấp, không có nhà mới tham gia quỹ này. Khi xét duyệt, chúng tôi căn cứ vào thu nhập công khai của người dân, điều kiện sinh hoạt của người dân và có tiêu chí đánh giá.
* Trong 3-5 năm tới sẽ có nhiều người tham gia quỹ tiết kiệm nhà ở, Bộ Xây dựng có khảo sát, đánh giá như thế nào về nguồn cung?
Trong 3 năm nữa, khi xây dựng quỹ tiết kiệm nhà ở thì sẽ xác định được tương đối chính xác nhu cầu của người mua. Người có nhu cầu sẽ đăng ký nộp tiền vào quỹ, chúng tôi sẽ có căn cứ phát triển nhà ở phù hợp.
Ví dụ quỹ tiếp nhận 100.000 người mua nhà đăng ký thì chúng tôi sẽ phải có kế hoạch để đầu tư, còn như hiện nay, đánh giá nhu cầu rất khó. Hỏi ai thì cũng cho biết là có nhu cầu song chưa biết khi nào mua nhà.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bộ Xây dựng, nguồn vốn được hình thành trong đề án Quỹ tiết kiệm nhà ở là từ vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở; nguồn đóng tiết kiệm và trả nợ của đối tượng có nhu cầu tham gia đóng vào quỹ; từ ngân sách trung ương; 30% lợi nhuận từ phát hành xổ số; phát hành trái phiếu nhà ở.
Các hộ gia đình, cá nhân đóng góp hàng tháng không tính theo tỷ lệ tiền lương mà tính theo nhu cầu của khoản vay dự kiến. Căn hộ có diện tích trung bình khoảng 50m2.
Hộ gia đình, cá nhân được vay khi đã đóng tiền vào quỹ tối thiểu bằng khoảng 30% giá trị nhà ở cần mua, thuê mua và tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm trở lên, mức đóng chia đều cho hàng tháng và sẽ trả nợ trong thời gian tối thiểu 15 năm tính từ ngày được vay thêm để mua nhà xã hội với mức lãi suất dự kiến 5%/năm.
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: