"So với 5 năm trước đây, mức thu từ đất đai cho ngân sách nhà nước đã gấp 10 lần".
Nguồn thu từ đất đai là rất lớn. Ảnh: HL
|
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường(TN-MT) trong khuôn khổ hội nghị khoa học: "Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế nhằm xây dựng hệ thống quản lý đất đai hiện đại ở Việt Nam”, vừa tổ chức sáng nay 10/9 tại Hà Nội.
Kinh nghiệm các nước
Ông Tommy Osterberg - Đại diện Cơ quan quản lý đất đai, Bộ Môi trường Thụy Điển, đã đánh giá cao vai trò của quản lý đất đai nhằm đảm bảo sở hữu đất hợp pháp thông qua việc cung cấp thông tin một cách hiệu quả. Những thông tin này có sự tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản bằng cách cung cấp thông tin cho người bán, người mua, các tổ chức tín dụng, cơ quan trung ương và địa phương. Đồng thời cung cấp hệ thống thế chấp, nhằm mục đích sử dụng tài sản như vốn lưu động.
Quản lý đất đai cũng có vai trò đối với sự phát triển nông thôn, thành thị và bảo vệ môi trường. Năm 1875, Thụy Điển bắt đầu cải cách quyền sử dụng đất. Cho tới năm 1908, nước này bắt đầu tiến hành đăng ký bất động sản (một giấy chứng nhận cho nhiều mục đích sử dụng), hình thành cơ sở đăng ký đất và thuế đất. Năm 1970, Thụy Điển bắt đầu đưa máy tính vào quản lý đất đai và hệ thống này được hoàn thiện năm 1995.
Từ năm 2010, hệ thống quản lý đất đai được tích hợp vào cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia của Thụy Điển. Việc quản lý đất tại Thụy Điển đã được tổ chức tốt từ khi dịch vụ được cung cấp hiệu quả hơn, đóng góp đáng kể vào tổ chức thị trường bất động sản và thế chấp.
Đại diện Cơ quan địa chính đăng ký đất và đo đạc - Bộ nhà ở, quy hoạch không gian và môi trường Hà Lan, ông Rilk Wouters đã chỉ ra một số hạn chế của hệ thống địa chính. Theo ông, hơn 70% đất ở những nước đang phát triển không được đăng ký và nằm ngoài sự quản lý của hệ thống chính thống. Điều này liên quan đặc biệt đến vấn đề định cư và các vùng được quản lý bởi sở hữu đất thông thường.
Trong khi đó, hệ thống địa chính truyền thống không thể cung cấp an ninh sở hữu cho những vùng này. Chính vì vậy, quản lý đất đai điện tử nhằm làm cho thông tin nhanh hơn, minh bạch và được phổ biến hiệu quả hơn. Đồng thời, quản lý đất đai điện tử là công cụ giúp lập chính sách tốt hơn.
Ở Hà Lan, khách hàng thực hiện việc đăng ký đất cảm thấy hài lòng vì trong vòng 10 năm chỉ có 2 vụ gian lận. Bên cạnh đó, việc cung cấp cơ sở pháp lý trực tuyến, chuyển nhượng đất đai và tìm hiểu thông tin hết sức nhanh chóng, tiện lợi, các loại phí như: phí chuyển nhượng, phí đo đạc, cung cấp thông tin thuộc loại rẻ. Ông cũng cho rằng, để tổ chức quản lý đất điện tử cần xây dựng một tầm nhìn và xác định các điều kiện, từ đó tiến hành các bước để chuẩn bị lộ trình thực hiện.
Tiến sĩ Hee-Nam Jung - Viện nghiên cứu Định cư Hàn Quốc, chỉ ra kế hoạch phát triển đất bằng các biện pháp tái phát triển và phát triển mới ở nước này, phương pháp đổi đất, mua đứt một lần...
Trong khi đó, Đại diện Bộ đất đai và tài nguyên Trung Quốc, GS Cai Yumei, đưa ra biện pháp áp dụng đối với nước này như: Bảo vệ nghiêm ngặt đất trồng trọt, tận dụng chức năng toàn diện tài nguyên đất trồng trọt, kiểm soát phạm vi đất xây dựng, tăng cường sử dụng đất tập trung và kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái đất, điều phối quan hệ giữa mô hình sử dụng đất và môi trường; xây dựng chính sách sử dụng đất phân biệt và tăng cường các công cụ quy hoạch, đẩy mạnh ứng dụng công cụ kinh tế trong triển khai quy hoạch…
Những ý kiến, kinh nghiệm và đóng góp của các chuyên gia sẽ là bài học quý báu cho việc quản lý đất đai tại Việt Nam.
Sẽ sửa luật Đất đai
Bộ trưởng Bộ TN- MT Phạm Khôi Nguyên cho rằng, thị trường BĐS đặc biệt là đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Trên thực tế, trước khi có luật đất đai, nguồn thu từ đất đai chỉ khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng. Đến khi luật Đất đai ra đời, với những cơ chế chính sách mới, chúng ta mới chỉ chuyển đổi một phần rất nhỏ diện tích đất sử dụng, thì năm 2009 đã thu trên 40.000 tỷ đồng. So với 5 năm trước đây, mức thu từ đất đai cho ngân sách nhà nước đã gấp 10 lần. “Nếu chúng ta làm quyết liệt hơn, triệt để hơn thì khoản thu cho ngân sách nhà nước sẽ lớn hơn nhiều. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước cần phải được thực hiện chặt chẽ, đúng luật và hướng tới việc kinh tế hóa đất đai”, Bộ trưởng Bộ TN- MT Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.
Kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy, có những nước tài nguyên kém hơn Việt Nam nhưng ngành tài nguyên của họ đã đóng góp 30-40% ngân sách nhà nước. Bộ TN- MT đang thực hiện chiến lược của ngành, phấn đấu trong vòng 10 năm đóng góp 30% cho ngân sách nhà nước.
“Hiện nay, Bộ TN- MT đang tích cực sửa Luật Đất đai, đã được Quốc hội thông qua năm 2003. Luật đất đai 2003 ra đời có ý nghĩa tầm nhìn, thể hiện tính thực tiễn cao, nhưng qua thời gian nhìn lại có nhiều vấn đề sửa chữa.
Sửa luật Đất đai nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Nhưng vấn đề phải cần có tầm nhìn xa hơn, hiện đại hơn, mang tính chất căn cơ, lâu dài hơn”, Bộ trưởng Bộ TN - MT Phạm Khôi Nguyên nói.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ cho biết, ngành đang hoàn thiện hệ thống Quản lý đất đai, phấn đấu đến năm 2020 đạt trình độ quản lý đất đai ngang với mặt bằng các nước phát triển trong khu vực. Đồng thời, chuyển trọng tâm hoạt động của ngành từ quản lý hành chính đối với tài nguyên đất đai sang quản lý việc kinh doanh tài sản đất đai quốc gia, cung cấp dịch vụ hành chính, pháp lý cho người sử dụng đất và cộng đồng trong quản lý, sử dụng và giao dịch về đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: