Thị trường ế ẩm, hàng tồn kho lớn, vốn thiếu…tất cả đang tạo ra áp lực đè nặng lên vai doanh nghiệp bất động sản. Để bán được hàng nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận đưa ra các chiêu thức khuyến mại, giảm giá.
Trong 9 tháng đầu năm 2012, thị trường bất động sản đã chứng kiến làn sóng giảm giá mạnh mẽ dưới đủ mọi hình thức đặc biệt phân khúc chung cư. Trong đó, có những dự án giảm giá 10 triệu đồng/m2, có dự án hỗ trợ khách hàng vay mua nhà với mức lãi suất thấp dưới 8-9%/năm, có dự án đưa ra các gói khuyến mại giảm trừ nội thất…
Bằng việc giảm giá mạnh, nhiều dự án đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Đặc biệt, những người mua nhà có nguồn tài chính eo hẹp, phần lớn họ vẫn thường chú trọng nhiều về mặt giá bán hơn là mặt chất lượng căn hộ. Vì vậy, họ thường mong muốn mua được dự án giảm giá, khuyến mại càng nhiều càng tốt.
Mới đây, công ty StoxPlus đã công bố nghiên cứu cấu thành giá bán của căn hộ chung cư hạng trung tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, mức giá trung bình của một m2 căn hộ vào khoảng 15 triệu đồng/m2 bao gồm tiền đất, chi phí xây dựng…
Ông Nguyễn Quang Thuần, Tổng Giám đốc StoxPlus - đơn vị tiến hành điều tra cho rằng, nếu như muốn bán dưới mức giá này, chủ đầu tư chỉ còn cách là sử dụng phương án cắt giảm triệt để cắt giảm chi phí và thậm chí cả các tiện ích đi kèm đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội, cây xanh, đường xá...
Đơn cử, 1 dự án chung cư được liệt vào dạng cao cấp ở khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính, dự án đã được bàn giao nhà cho các hộ dân. Nhưng, nếu so với các điều khoản về thiết bị nội thất đã ký kết với khách hàng khi mua nhà thì có đến 80% sai với cam kết. Chỉ bởi lý do giá cả vật liệu tăng cao trong khi giá bán căn hộ vài năm trước chỉ xấp xỉ 20 triệu đồng/m2. Nếu làm theo đúng như cam kết thì chủ đầu tư ôm lỗ nặng. Do vậy, để giảm lỗ chủ đầu tư chỉ còn cách cắt giảm nguyên vật liệu.
Không chỉ vậy, nhiều ý kiến cho rằng, do áp lực từ phía ngân hàng mà nhiều chủ đầu tư chấp nhận bán dưới giá vốn để thu tiền trả nợ. Tuy nhiên khi có tiền rồi thì các chủ đầu tư lo trả nợ ngân hàng và dự án tiếp tục rơi vào trạng thái không có tiền để triển khai. Điều này rất bất lợi đối với các nhà đầu tư khi họ không thể kiểm soát được khoản tiền mà mình đã nộp cho chủ đầu tư đang được sử dụng vào mục đích gì. Nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ thì riêng khoản lãi cộng gộp tính ra khách hàng cũng chẳng được mua rẻ hơn là bao nhiêu.
Thực tế, nhiều năm nay báo chí đã phản ánh rất nhiều tình trạng kém chất lượng tại nhiều tòa nhà chung cư từ cao cấp cho đến thấp cấp. Thậm chí, sự hư hỏng xảy ra với nhiều dự án vừa bàn giao nhà. Thêm nữa, tại nhiều dự án tại thời điểm mở bán chủ đầu tư giới thiệu nhà mẫu với thiết bị nội thất đi kèm đều gắn tên tuổi lớn trên thế giới tuy nhiên chỉ được một thời gian họ đã phá bỏ để khách hàng không thể đối chiếu thiết bị tại nhà mẫu.
Ông Đặng Văn Quang, giám đốc Công ty Tư vấn BĐS Navigat cũng cho rằng: “Người mua nhà hiện nay dường như chỉ quan tâm đến giá. Giá càng rẻ càng tốt, mà quên mất giá bán cũng đi kèm với chất lượng xây lắp. Ngoài ra, BĐS còn đi kèm với không gian sống, đường xá, hạ tầng, các dịch vụ xã hội, trường học… Trong khi một dự án nhà giá quá rẻ không thể đòi hỏi các yếu tố quá cao đi kèm hoàn thiện. Vì thế, người mua nhà giá rẻ có thể phải thụ hưởng một cuộc sống thiếu tiến nghi sau này.
Giảm giá, khuyến mại thậm chí chấp nhận bán dưới giá vốn có thể coi là giải pháp "cực chẳng đã" để tồn tại chờ đợi vượt qua khó khăn của không ít doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên một sự thật là khi đã lỗ, thì người ta khó có thể có đủ động lực để tiếp tục làm, còn người mua nhà, tưởng là mua được rẻ nhưng lại thành mua đắt vì đối với những dự án thiếu vốn thì có khi đến 5-7 năm vẫn chưa thể nhận được nhà.
Cuối cùng thì câu chuyện mua hàng rẻ bất động sản lúc này chưa chắc đã phải là sự lựa chọn tốt.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: