Top

Mua bán nhà ‘trên giấy’ phải có bảo lãnh

Cập nhật 23/06/2014 09:06

Bên nhận bảo lãnh phải hoàn trả lại tiền của khách hàng trong trường hợp dự án hình thành trong tương lai không thể tiếp tục triển khai.

Bộ Xây dựng vừa có ý kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trước ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Thông tin dự thảo cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai gây nhiều tranh cãi. Theo đó, nhiều đại biểu tán thành với quy định phải có bảo lãnh trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai để bảo vệ bên mua, đồng thời “ép” chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích dòng tiền, phù hợp với tiến độ của dự án. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại quy định này sẽ khó khả thi vì thực tế ngân hàng sẽ chịu nhiều rủi ro nếu dự án không thực hiện được.

Bộ Xây dựng bảo lưu quan điểm Nhà nước cần can thiệp khi thị trường bất động sản biến động. Ảnh: Hoàng Lan.

Mặt khác, quy định trong trường hợp dự án không thực hiện được, ngân hàng tiếp tục tổ chức việc đầu tư xây dựng để bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng là khó thực hiện.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Tưởng ban soạn thảo cho rằng, dự thảo Luật đã quy định về việc chủ đầu tư bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng đã có sẵn. Trường hợp chủ đầu tư muốn bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, thì mới bắt buộc phải có bảo lãnh. Khoản 2, điều 16 quy định, việc bảo lãnh do chủ đầu tư và bên nhận bảo lãnh thỏa thuận. "Như vậy, dự thảo Luật không bắt buộc ngân hàng phải bảo lãnh. Nếu chủ đầu tư không đủ uy tín, không được ngân hàng bảo lãnh thì phải đầu tư xây dựng xong mới được bán”, ông Dũng khẳng định.

Trước quan điểm quy định ngân hàng tiếp tục tổ chức đầu tư xây dựng để bàn giao nhà, công trình cho khách hàng khi chủ đầu tư không thực hiện là khó khả thi, ban soạn thảo cho hay sẽ tiếp thu ý kiến. Bộ Xây dựng cho biết, dự kiến sẽ chỉnh sửa theo hướng bỏ nội dung này và chỉ quy định về trách nhiệm của bên nhận bảo lãnh là trả tiền cho khách hàng.

Thị trường bất động sản vừa qua xuất hiện nhiều trường hợp dự án nhà ở chưa đủ điều kiện nhưng chủ đầu tư đã bán, thu tiền của khách hàng dưới dạng góp vốn bị chậm tiến độ. Do đó, Bộ Xây dựng bảo lưu quan điểm chủ đầu tư bán nhà hình thành trong tương lai phải có văn bản cho phép của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh để bảo đảm quyền lợi của người mua.

Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng nên để bất động sản tự điều tiết theo quy luật thị trường thay vì quy định “Nhà nước có cơ chế, chính sách bình ổn thị trường bất động sản khi có biến động”. Tuy nhiên, ban soạn thảo cho rằng quy định này là cần thiết vì thực tế cho thấy thị trường bất động sản nước ta trong những năm vừa qua phát triển thiếu ổn định, “lúc nóng, lúc lạnh”, cung - cầu bất cập, phân khúc cao cấp dư thừa  trong khi phân khúc bình dân rất cần cho nhu cầu của số đông người dân lại rất thiếu. Nhà nước đã và đang phải can thiệp, đưa ra nhiều chính sách để điều tiết giữ cho thị trường ổn định.

Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... thì thị trường bất động sản cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nóng lạnh và Nhà nước đều phải can thiệp bằng cơ chế, chính sách, thậm chí phải bỏ ra rất nhiều tiền để giữ ổn định thị trường. Do vậy, cơ quan soạn thảo đề nghị cho giữ nguyên nội dung trong dự thảo Luật.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress