Top

Dự thảo nghị định về cấp phép xây dựng:

Một số quy định gây khó cho dân

Cập nhật 23/09/2011 11:15

Bộ Xây dựng vừa hoàn chỉnh dự thảo nghị định về giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép. Tuy nhiên một số nội dung trong dự thảo nếu thực hiện sẽ gây khó cho người dân.

Dự thảo nghị định buộc các sở xây dựng phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng khi cấp phép xây dựng (CPXD) đối với công trình tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, theo các chuyên gia, gây phiền phức thêm cho người dân - Ảnh minh họa: TTO

Theo dự thảo nghị định CPXD, hồ sơ xin phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ phải có thêm thiết kế kỹ thuật công trình, thay vì trước nay chỉ cần đơn đề nghị CPXD, giấy chủ quyền, bản vẽ. Theo phòng quản lý đô thị các quận huyện ở TP.HCM, yêu cầu nhà ở riêng lẻ phải có thiết kế kỹ thuật là không cần thiết.
Một điểm mới có lợi cho người dân là dự thảo nghị định quy định trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ còn thiếu thì cơ quan thẩm quyền phải yêu cầu bổ sung ngay và chỉ bổ sung một lần. Sau thời gian trên, cơ quan chức năng không có ý kiến xem như đồng ý cho chủ đầu tư xây dựng công trình và phải chịu trách nhiệm về những vấn đề thuộc chức năng quản lý của mình.

Ngoài một số quy định có lợi cho người dân nói trên, dự thảo nghị định buộc các sở xây dựng phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng khi cấp phép xây dựng (CPXD) đối với công trình tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, chưa có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc và thiết kế đô thị được duyệt... UBND quận huyện cũng phải hỏi ý kiến của sở xây dựng với những công trình thuộc thẩm quyền CPXD của quận huyện tại những khu vực tương tự như trên.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, trước nay tùy theo quy mô công trình, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng hoặc phân cấp cho UBND quận huyện cấp phép. Tất cả công trình do Sở Xây dựng CPXD đều không phải hỏi ý kiến của Bộ Xây dựng, trừ khi có phát sinh vướng mắc. UBND quận huyện cũng CPXD những công trình được phân cấp và tự chịu trách nhiệm về những công trình đó. Nếu áp dụng như dự thảo nghị định là phải hỏi ý kiến Bộ Xây dựng đối với những công trình ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết..., ước có khoảng 40.000 hồ sơ CPXD (trong tổng số 46.000 hồ sơ CPXD của toàn TP.HCM trong năm 2010) quận huyện phải hỏi ý kiến của Sở Xây dựng TP hoặc Sở Xây dựng hỏi ý kiến Bộ Xây dựng, do hiện nay nhiều khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được duyệt... Việc hỏi ý kiến như vậy mất rất nhiều thời gian, gây phiền phức thêm cho người dân.

Dự thảo cũng quy định: mỗi công trình được gia hạn giấy phép xây dựng một lần, thời hạn tối đa không quá một năm. Hết thời gian gia hạn nhưng công trình vẫn chưa xây dựng thì chủ đầu tư phải làm thủ tục xin CPXD mới.

Trưởng phòng quản lý đô thị một quận ở TP.HCM cho biết trước nay giấy phép xây dựng có hiệu lực trong vòng một năm. Nếu chưa xây dựng thì trước thời gian trên, người dân phải xin gia hạn giấy phép tiếp và không giới hạn số lần gia hạn. Trường hợp người dân để giấy phép xây dựng hết hiệu lực hoặc khu vực được CPXD có thay đổi quy hoạch thì mới xin CPXD lại. Nhưng nếu áp dụng theo đề xuất của Bộ Xây dựng, người dân sẽ gặp khó khăn hơn so với quy định trước nay.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng bộ cũng đã lường được những khó khăn các địa phương sẽ gặp phải khi áp dụng các nội dung trên, nhưng nếu không quy định như vậy, các địa phương sẽ rất chậm trong việc lập quy hoạch chi tiết. Giải thích về quy định mỗi công trình chỉ được gia hạn CPXD một lần, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng quy định này nhằm thúc đẩy các chủ đầu tư sớm xây dựng công trình, tránh tình trạng chủ đầu tư kéo dài, không xây dựng công trình để đất hoang, làm mất mỹ quan đô thị.

Một chuyên gia về xây dựng nói rằng giải thích trên của lãnh đạo Bộ Xây dựng chưa thuyết phục. Các địa phương làm quy hoạch chậm, Bộ Xây dựng cần có những biện pháp chế tài, thúc đẩy việc quy hoạch chi tiết sớm hơn chứ không thể đưa vào quy định để “hành” người dân bằng cách “xin ý kiến”. Như vậy chẳng khác nào “cải lùi” thủ tục CPXD vốn cần được cải tiến cho thoáng, có lợi cho dân hơn...

DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO