Top

Một dự án, ba cách tính tiền sử dụng đất

Cập nhật 20/02/2014 08:57

Hai cơ quan trung ương có hai kết luận khác nhau, TP.HCM không biết phải thực hiện theo ý kiến nào.

Đó là trường hợp dự án khu nhà ở tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân của Công ty Tiến Thắng. Các cơ quan thuế, Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ viện dẫn các cơ sở pháp lý khác nhau, dẫn đến tiền sử dụng đất mỗi nơi đưa ra chênh lệch nhau nhiều tỉ đồng.

Hai cách tính lệch nhau đến hơn 9 tỉ đồng

Năm 2003, UBND TP cho phép Công ty Tiến Thắng được chuyển mục đích sử dụng 23.344 m2 đất (do công ty nhận chuyển nhượng) tại xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh, nay là phường Tân Tạo A, quận Bình Tân để làm dự án nhà ở. TP giao Cục Thuế hướng dẫn việc nộp tiền sử dụng đất cho dự án này. Theo báo cáo của Công ty Tiến Thắng, Chi cục Thuế quận Bình Tân thông báo tiền sử dụng đất phải nộp là 500.000 đồng/m2, tổng cộng công ty phải đóng hơn 6,5 tỉ đồng. Sau đó, Công ty Tiến Thắng đã nộp đủ số tiền trên (nộp nhiều lần, bắt đầu từ năm 2004 - PV).

Một góc khu nhà ở Tiến Thắng, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, năm 2013 Kiểm toán Nhà nước khẳng định tiền sử dụng đất của dự án trên là trên 15,6 tỉ đồng. Cơ quan này cho rằng theo Thông tư 115/2000 của Bộ Tài chính, tiền sử dụng đất căn cứ vào bảng giá đất tại thời điểm cơ quan thuế ra thông báo thu tiền sử dụng đất. Thông báo này ban hành năm 2004, theo bảng giá đất thời điểm đó thì vị trí mặt tiền đường Trần Đại Nghĩa là 1,2 triệu đồng/ m2. Kiểm toán Nhà nước đề nghị truy thu tiền sử dụng đất của dự án này thêm hơn 9,1 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Thuế TP thì giá đất tính thu tiền sử dụng được xác định tại thời điểm giao đất và doanh nghiệp kê khai. Thời điểm này, tiền sử dụng đất áp theo Quyết định 05/1995 của UBND TP và giá đất mặt tiền đường Trần Đại Nghĩa chỉ là 500.000 đồng/ m2. Từ căn cứ đó, Cục Thuế đề nghị không xác định lại tiền sử dụng đất như kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Có phải đóng phạt vì chậm nộp tiền?

Sau khi Kiểm toán Nhà nước có ý kiến, Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc nộp tiền sử dụng đất tại dự án trên. Cơ quan này viện dẫn Nghị định 38/2000 về thu tiền sử dụng đất yêu cầu “trường hợp giao đất sau ngày Quyết định 38 có hiệu lực thì phải nộp xong tiền sử dụng đất trong 60 ngày kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng”. Do đã quá 60 ngày kể từ ngày được giao đất đến lúc hoàn thành việc nộp tiền nên số tiền chậm nộp của dự án là gần 3,2 tỉ đồng.

Thế nhưng ý kiến trên cũng bất đồng với quan điểm của Cục Thuế TP. Cơ quan này cho hay dự án trên thuộc diện được chậm nộp tiền theo Nghị định 38, chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền đồng ý là vì chưa có hướng dẫn. Đây là lỗi về mặt thủ tục, do đó Cục Thuế kiến nghị cho phép chủ đầu tư được bổ sung, hoàn thiện thủ tục mà không bị phạt.

TP yêu cầu Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý cho trường hợp này. Tuy nhiên, Sở Tài chính cho rằng Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ là hai cơ quan trung ương nên Sở và các cơ quan không thể có ý kiến khác. Hơn nữa, phần lý giải của Cục Thuế vẫn còn những vướng mắc chưa rõ. Do đây là một vụ việc nhưng hai cơ quan trung ương có hai kết luận khác nhau, vì vậy Sở Tài chính đề nghị TP kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.

Trong suốt bốn năm qua, do quan điểm khác nhau giữa cơ quan chức năng là Sở Tài chính và Cục Thuế TP, dự án chung cư và cao ốc văn phòng tại phường 16, quận 8 do Công ty Dũng Thịnh Phát làm chủ đầu tư cũng đang gặp vướng mắc về cách tính tiền sử dụng đất. Sở Tài chính cho rằng phải tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường cho dự án trên. Trong khi đó Cục Thuế khẳng định trường hợp này được áp bảng giá đất. Đến nay sự việc vẫn chưa được ngã ngũ.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP. HCM