Top

Môi giới nhà đất, rủi ro cho khách hàng: Cần chế tài mạnh

Cập nhật 18/11/2017 06:30

Những sàn giao dịch địa ốc thiếu chuyên nghiệp, những “cò đất” đã gây sốt ảo về giá nhà đất, thậm chí còn lừa dối khách hàng. Môi giới bất động sản (BĐS) phải có thẻ hành nghề và những quy định pháp luật phải có chế tài đủ mạnh, đó là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay


Môi giới nhà đất, rủi ro cho khách hàng: Cần chế tài mạnh Rất nhiều môi giới vẫn hoạt động như những cò đất trước đây, hầu hết họ không được đào tạo, cũng không có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: NL

Vừa qua, cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Cty Cổ phần (CP) Địa ốc Kim Phát và Cty CP Đầu tư Việt Hưng Phát vì đã có hành vi gian dối trong bán hàng. Hai Cty này đã bị điều tra sau nhiều lần khách hàng có đơn khiếu kiện.

Hay trước đó, theo phản ánh của khách hàng, Cty Vạn An Phát rao bán đất nền thuộc dự án “ma” bởi khu đất không thuộc sở hữu của Cty. Song điều đáng nói là, nhân viên môi giới rao bán đất ở phường Long Trường, quận 9, mặt tiền đường Song Hành, giá 250 triệu đồng/nền. Thế nhưng đến khi khách hàng đi xem dự án thì bị chở một mạch tới huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Điều này thêm một lần nữa đặt câu hỏi về thẻ hành nghề, cũng như chế tài cho ngành môi giới địa ốc đang ngày một phát triển.

Thủ phạm của những “cơn sốt” ảo

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho hay, từ khi có Luật Kinh doanh BĐS mới ra đời thì “cò đất” được chính danh là nhà môi giới BĐS. Dù thực tế những nhà môi giới đã có chứng chỉ hành nghề, phần lớn hoạt động trong các sàn giao dịch, hoặc các Cty môi giới nhà đất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều môi giới vẫn hoạt động như những cò đất trước đây, hầu hết họ không được đào tạo theo quy định của Bộ Xây dựng, cũng không có chứng chỉ hành nghề. Lực lượng cò đất này cùng với các đầu nậu chính là những "thủ phạm" tạo nên cơn sốt ảo giá đất nền vùng ven trong thời gian vừa qua.

“Hiện nay, hoạt động môi giới nở rộ và mang tính tự phát, điều đó tạo cho người ta cảm giác nghề môi giới là nghề đang cá nhân hoá, ai làm cũng được. Nhưng đó là cách hiểu sai, nên khi đi bán hàng họ dùng đủ cách để bán được hàng, kể cả phải dùng thủ đoạn. Bởi họ không hiểu được Luật Kinh doanh BĐS, càng không thể nắm được tính pháp lý của dự án và như thế không lường trước được hậu quả của mình trước pháp luật”, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Cty CP BĐS Danh Khôi Á Châu Việt Nam (DKRA) nói.

Cần chế tài

Theo các chuyên gia, Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, phải có chứng chỉ hành nghề mới được môi giới BĐS. Tuy nhiên, Thông tư này chỉ là điều kiện cần song chưa đủ để có thể quản lý các nhân viên môi giới, các sàn giao dịch đi vào khuôn khổ. Điều quan trọng nhất là phải có chế tài mạnh như cấm hành nghề hay rút giấy phép nếu sàn nào làm sai thì mới có thể răn đe những sàn giao dịch không tuân thủ quy định.

Để tránh được những rủi ro cho khách hàng, cũng như nâng cao uy tín của các nhà môi giới địa ốc, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: Luật qui định rất rõ ràng và đầy đủ về trách nhiệm của người hành nghề môi giới, sàn giao dịch, việc đăng ký hoạt động, cấp chứng chỉ hành nghề ra sao… nhưng để họ hoạt động nghiêm túc, bài bản, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, đồng thời cũng cần đẩy mạnh các hoạt động giáo dục của những người hành nghề, nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, dần đưa nghề môi giới đi vào chuẩn hoá. Nhưng quan trọng hơn cả là bắt buộc các chủ đầu tư, nhà môi giới phải công khai tính pháp lý của dự án.

“Chẳng hạn, đối với nhà liền thổ thì phải đưa xem sổ đỏ, đối với dự án nhà ở hình thành trong tương lai thì phải có giấy phép xây dựng, được phép huy động vốn, chứng thư bảo lãnh ... “Nếu làm tốt điều kiện này thì sẽ không có đất cho những người làm ăn kiểu lừa đảo và cũng là thước đo năng lực, tính chuyên nghiệp của sàn giao dịch bất động sản. Qua đó, tạo đà cho thị trường nhà đất phát triển bền vững”, ông Đính nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh tra