Top

Tiến sĩ Trần Du Lịch:

Mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi để thị trường BĐS "ấm" lại

Cập nhật 27/02/2014 09:20

Để có thể "làm ấm" thị trường bất động sản, cần thiết phải mở rộng đối tượng được hưởng mức lãi suất ưu đãi mua nhà để ở, theo TS. Trần Du Lịch.


* Có ý kiến cho rằng, nếu không có thêm chính sách kích cầu thị trường, nhất là với bất động sản thì rất khó phá được băng trên thị trường này, thưa ông?

- Trong kinh tế thị trường, Nhà nước là "bà đỡ” giỏi, nhưng không thể thay thế "mẹ đẻ” được mà vấn đề này tùy thuộc vào thị trường. Quốc hội cũng đã ban hành hàng loạt các quy định về miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và áp dụng kể từ đầu năm 2014.

Đồng thời, để kích thị trường, tăng đầu tư công, tăng chi, Quốc hội cũng đã quyết định bổ sung trái phiếu Chính phủ 170.000 tỷ đồng trong những năm sắp tới để tăng công - chi. Còn với thị trường bất động sản, Chính phủ đã đưa ra gói vốn 30.000 tỷ đồng, giảm dần lãi suất cho vay và tăng thời hạn trả nợ.

Tuy nhiên, đó là những biện pháp hỗ trợ và kích thị trường đang có sức mua ở phân khúc này, chứ không thể phá ngay tảng băng bất động sản. Có thể, với bất động sản, phải mất 2 năm nữa mới có thể ấm lên và tan băng từ từ, không thể kỳ vọng các chính sách kích cầu đưa ra để phá ngay băng.

* Gói vốn 30.000 tỷ đồng mặc dù đã được triển khai khá lâu, song vẫn rất chậm. Lý do tại sao, thưa ông?

- Cần đánh giá và xác định được gói vốn này chỉ hỗ trợ cho một phân khúc của thị trường, chứ không thay thị trường giải quyết khó khăn cho bất động sản. Đối tượng ưu tiên là người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở, nhà xã hội và ưu tiên hỗ trợ 30% vốn cho những doanh nghiệp triển khai nhà ở xã hội.

Hay nói cách khác, gói vốn này chỉ dành cho loại sản phẩm bất động sản đang có sức mua. Nhưng vì sao lại chậm? Thứ nhất, khi đưa ra cũng cần có thời gian chuẩn bị để hướng dẫn thực thi. Tuy nhiên, sau khi hướng dẫn thực thi, thị trường lại thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bán phù hợp...

Tái cho vay phát triển nhà ở xã hội và mua lại các khoản vay thế chấp nhà ở đủ điều kiện chính là 2 phương án kinh doanh trong Đề án Thành lập Ngân hàng Tái cho vay thế chấp nhà ở. Ngân hàng này sẽ phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh cho các ngân hàng thương mại (kỳ hạn 10 năm), dùng nguồn vốn này tái tài trợ cho các khoản vay phát triển nhà ở xã hội mà các ngân hàng thương mại cấp cho khách hàng (tổ chức, cá nhân đủ điều kiện vay). Ước tính lượng trái phiếu mà Chính phủ bảo lãnh phát hành mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, tổng lượng phát hành trong 5 năm khoảng 100.000 tỷ đồng.

Song trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn cung này nên khả năng trong năm nay, cung - cầu sẽ gặp được nhau. Vì thế, tiến độ giải ngân vốn của gói vốn này sẽ nhanh hơn.

* Không chỉ cá nhân mà ngay cả doanh nghiệp cũng kêu ca khá nhiều về việc khó tiếp cận gói vốn 30.000 tỷ đồng. Theo ông, cần có giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này?

- Cái gì được ưu đãi thì thường kèm theo các thủ tục hành chính chặt chẽ. Điều này cũng đã được chứng minh khi năm 2009 đã có gói vốn 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp cũng kèm không ít thủ tục hành chính nhiều khê. Gói vốn này phần nào được tháo gỡ khó khăn sau khi sửa và bổ sung một số vấn đề.

Nhưng theo tôi, có một số vấn đề cần xem lại đối với gói vốn này là không nên kỳ vọng quá nhiều vào đối tượng thu nhập thấp vay mua nhà. Vì nếu thu nhập của người dân không đủ ăn thì rất khó có thể nghĩ đến việc mua nhà để ở, cho dù nguồn vốn được hỗ trợ 70% với lãi suất ưu đãi 5% (30% là vốn tự có).

Do đó, tôi cho rằng, cần mở rộng đối tượng được tiếp cận gói vốn này, hướng đến đối tượng nhà thương mại nhưng phổ thông, với giá mua trên dưới 1 tỷ đồng và phù hợp với người mua về vị trí địa lý cũng như giá cả.

Thực tế thị trường cho thấy, với các sản phẩm này tại TP.HCM và Hà Nội vẫn tiêu thụ được hàng nên cần mở rộng đối tượng được vay. Đồng thời, theo diễn biến của lạm phát, thị trường cũng phải giảm thêm lãi suất cho vay.

* Có nghĩa, bất động sản chưa thể sớm hồi phục và tan băng, thưa ông?

- Thị trường bất động sản đã méo mó quá nặng trong một thời gian dài, bong bóng nhà đất xuất hiện khi giá bất động sản được đẩy lên khá cao trong nhiều năm. Tuy nhiên, khác với các nước trên thế giới, thị trường nhà, đất Việt Nam vẫn có lợi thế là dù thị trường đang đóng băng, nhưng với phân khúc nhà ở có giá trị trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ vẫn thu hút khách hàng.

Nhưng lượng cung của phân khúc này chưa được thị trường đáp ứng đủ nên còn dư địa để khai thác. Thị trường bất động sản khó có thể kỳ vọng tan băng trong thời gian ngắn mà ít nhất cũng phải mất khoảng 2 - 3 năm nửa mới có thể hồi phục.

Nhưng trước mắt, với các giải pháp kích cầu bằng tín dụng nói trên theo tôi sẽ làm thị trường nhà, đất dần ấm lên. Từ đó, mới có thể kỳ vọng các phân khúc cao cấp hơn phục hồi khi kinh tế tăng trưởng, nợ xấu được giải quyết và tín dụng tăng trở lại.

* Xin cảm ơn ông!



DiaOcOnline.vn - Theo Doanh nhân Sài Gòn