Top

Miếng bánh bất động sản nghỉ dưỡng có dễ ‘ăn’?

Cập nhật 09/05/2019 13:30

Nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư vốn khủng vào bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương trên cả nước

Bên cạnh các dự án căn hộ condotel, biệt thự thì thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng xuất hiện thêm nhiều sản phẩm như nhà phố thương mại kết hợp kinh doanh và lưu trú hoặc khu phức hợp nghỉ dưỡng du lịch quy mô lớn có casino, công viên, sân golf… Rất nhiều cơ hội và thách thức đang đặt ra, đặc biệt là với nhà đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị quản lý vận hành.

Nhà đầu tư đang rất hứng thú

Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã kéo theo sự sôi động của thị trường BĐS nghỉ dưỡng lan rộng khắp cả nước. Từ các dự án ven biển như Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết, Thanh Hóa, Bình Định, Đà Nẵng… đến các dự án tại các TP du lịch, miền núi như Hà Nội, Đà Lạt, Sa Pa, TP.HCM…

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), cho biết dù chính sách siết tín dụng cho vay khiến các giao dịch BĐS nghỉ dưỡng có phần chậm lại nhưng đây vẫn là phân khúc đầu tư hấp dẫn.

Nguyên nhân là số lượng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng trên cả nước mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu căn hộ lưu trú cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Do đó, việc đầu tư vào loại hình này còn dư địa rất lớn.

“Ngoài ra, giá BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia có cùng tiềm năng phát triển du lịch. Các khu vực có kết nối đường hàng không như Phú Quốc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh… tiếp tục được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh” - ông Đính phân tích.

Là nhà đầu tư chuộng sản phẩm này, ông Nguyễn Duy Toàn cho biết sản phẩm truyền thống của BĐS nghỉ dưỡng là căn hộ nghỉ dưỡng (còn được gọi là condotel), là sự kết hợp giữa căn hộ và phòng khách sạn. Lợi thế khi đầu tư condotel là số vốn bỏ ra vừa phải nhưng lại có nhiều cơ hội sinh lời khi cho khách du lịch thuê lại. Tuy nhiên, condotel còn rủi ro pháp lý khi pháp luật chưa quy định rõ về loại hình BĐS này.

Sản phẩm phổ biến thứ hai là biệt thự biển hoặc biệt thự núi. Với lợi thế về không gian, thiết kế sang trọng, sản phẩm này thường thu hút giới khách hàng thượng lưu. Vì thế, số tiền bỏ ra để đầu tư một căn biệt thự không hề nhỏ, kèm theo rủi ro khá cao.

“Bây giờ nhiều dự án có thêm nhà phố thương mại, vừa kinh doanh vừa lưu trú. Khả năng sinh lời sẽ cao nếu sản phẩm này nằm trong một khu phức hợp du lịch, thu hút được nhiều khách đến. Khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư khu đô thị du lịch quy mô thì số lượng nhà phố thương mại sẽ nhiều hơn” - ông Toàn dự đoán.

Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng - Ảnh: HTD

Khai thông pháp lý là đòi hỏi tất yếu

Chuyên gia BĐS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khi đầu tư BĐS nghỉ dưỡng các nhà đầu tư vừa có quyền sở hữu BĐS đó lên tới 50 năm để sử dụng cho gia đình, vừa được chủ đầu tư cam kết lợi nhuận mỗi năm khi đưa khách du lịch tới.

Tuy nhiên, các hợp đồng giao dịch BĐS nghỉ dưỡng đều chưa đề cập tới một vấn đề rất đáng lo ngại trong tương lai là nếu chủ đầu tư, nhà quản lý không thể thực hiện cam kết trả đúng lợi nhuận hằng năm cho nhà đầu tư thứ cấp thì sao. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có hành lang pháp lý dành cho phân khúc này để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, tạo điều kiện phát triển thị trường bền vững.

Phần mình, các nhà đầu tư nên lựa chọn những dự án do các tập đoàn lớn, có uy tín làm chủ đầu tư. “Nên nghiên cứu kỹ, tham khảo chuyên gia về tiềm năng khai thác lợi nhuận của dự án. BĐS đó phải gắn với khu vực có thế mạnh du lịch thực sự, là điểm đến hấp dẫn thì du khách mới quay lại nhiều lần” - ông Hiếu nói.

Với hơn 22 năm kinh nghiệm quản lý du lịch và khách sạn tại các quốc gia như Đức, Mỹ, Anh, Trung Quốc, ông Kai Marcus Schroter kiến nghị Việt Nam cần có những chính sách tạo thuận lợi cho người nước ngoài, khách du lịch như thủ tục visa phải linh động hơn.

“Tôi có cơ hội tham gia khá nhiều hội thảo đầu tư tại Việt Nam. Tại đây, người ta kêu gọi rất nhiều các dự án casino, trường đua, thể thao… Nghe thì thú vị nhưng khi nhìn vào quy hoạch tổng thể lại rời rạc. Việc kêu gọi đầu tư là động thái tốt nhưng phải có quy hoạch đồng bộ, quản lý tốt thì mới thu hút được khách” - ông Kai chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM Lê Hoàng Châu cũng cho rằng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững loại hình căn hộ condotel và cấp giấy đỏ theo thời hạn dự án.

Theo tính toán của HoREA, dự kiến trong hai năm 2018, 2019 sẽ có khoảng 40.000 căn hộ condotel được mở bán. Sự phát triển bùng nổ các dự án này đã giúp gia tăng số phòng lưu trú, các dịch vụ, tiện ích phục vụ du khách, làm thay đổi diện mạo ngành du lịch của nhiều địa phương. HoREA đã kiến nghị để Bộ TN&MT hướng dẫn các địa phương về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn sử dụng đất của dự án cho khách hàng mua căn hộ condotel.

Theo ông Nguyễn Thạc Thắng, Giám đốc công ty nhân sự First Alliances, tình hình thiếu hụt nhân lực được đào tạo bài bản là điểm yếu khiến thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam không tăng trưởng mạnh. Trong bối cảnh đó, các nhà phát triển và vận hành dự án nên liên kết với những trường cao đẳng, đại học để đưa ra các tiêu chuẩn thực tế và cam kết tiếp nhận đầu ra.

32/100 doanh nghiệp được khảo sát thừa nhận họ gặp khó khăn với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành du lịch nghỉ dưỡng, đặc biệt là nhân sự cấp quản lý.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO