Quý 3, thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ ở TP HCM giảm giá tới 4,6% so với quý trước. Hà Nội cũng được đánh giá sẽ giảm giá trong quý tới và đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thừa.
Tại Hà Nội, CBRE cho hay, giá thuê trong quý 3 không đổi so với quý trước, đạt mức trung bình 46 USD mỗi m2. Tuy nhiên trong quý 4, giá thuê mặt bằng bán lẻ có thể giảm.
Dự án Keangnam sẽ cung cấp 97.000 m2 sàn cho thị trường. Ảnh: Hoàng Lan
Theo Savills Việt Nam, công suất thuê trung bình đạt khoảng 93% tăng 4% trong khi đó giá chào thuê không đổi so với quý trước. Khoảng cách giá thuê lớn giữa khu vực trung tâm thành phố và ngoại thành, biên độ lên tới 15-20 USD mỗi m2.
Mặc dù việc kinh doanh bán lẻ gặp nhiều khó khăn, 20% cửa hàng điện tử ở phố Hai Bà Trưng đóng cửa, Grand Plaza cũng đang trong quá trình nâng cấp nhưng tổng nguồn cung trong quý 3 vẫn tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 463.000 m2. Cho thuê mặt bằng bán lẻ dài hạn trở nên phổ biến trên thị trường và có các giao dịch quy mô lớn của các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế.
Hàng loạt dự án hoàn thành trong quý 4 năm nay và quý một năm sau sẽ tăng áp lực nguồn cung đối với người cho thuê. Tiêu biểu như dự án Keangnam cung cấp 97.000 m2 sàn, Savico Mega Mall, Vincom Center Long Biên lần lượt cung cấp cho thị trường 63.400 m2 và 45.000 m2 sàn. Hà Nội đang có nguy cơ thừa nguồn cung nên có khả năng trong thời gian tới, giá thuê sẽ giảm.
Tại TP HCM, khảo sát quý III của CBRE cho hay, các tòa nhà thương mại thuộc khu trung tâm có giá 119,2 USD mỗi m2 một tháng, giảm 4,6% so với quý trước. Các tòa tháp bán lẻ ở khu ngoại thành có giá 33 USD mỗi m2 một tháng, giảm 0,2%. Trong khi đó, các tòa nhà thương mại tổng hợp có giá thuê ổn định là 109,35 USD mỗi m2 ở vị trí trung tâm và 49,28 USD mỗi m2 một tháng ở vị trí rìa nội đô Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì giá thuê mặt bằng bán lẻ đang có xu hướng giảm rõ rệt với tỷ lệ 11-16%.
Mức giá chào thuê hàng tháng ở các khu vực ngoài trung tâm ổn định ở mức 50 USD cho mỗi mét vuông, giảm 10,9% so với quý 3/2010 và giảm 0,2% so với quý trước. Tỷ lệ trống ghi nhận được tại các trung tâm thương mại trong quý 3 là 12,9%.
Mặt bằng bán lè TP HCM đang chịu áp lực giảm giá vì nguồn cung tăng và tình hình kinh tế không ổn định. Ảnh: Vũ Lê.
|
Giá thuê của một số vị trí mặt bằng bán lẻ tại các góc khuất và từ tầng 2 trở lên của trung tâm thương mại cũng đang có chiều hướng giảm. Cũng theo CBRE, việc kinh doanh cho thuê mặt bằng bán lẻ của tư nhân cũng đang gặp khó khăn. Hàng loạt mặt bằng các tuyến đường buôn bán sầm uất ở trung tâm được treo biển cho thuê nhưng ít khách thuê. Tại đường Đồng Khởi, quận 1, nhiều nhà phố thương mại cũng đang bỏ trống vì giá thuê quá cao.
Theo, nghiên cứu của Savills, mức tăng trưởng doanh thu bán lẻ và dịch vụ toàn TP HCM trong tám tháng đầu năm thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy lạm phát cao đã ảnh hưởng không tốt đến sức mua của người tiêu dùng. Từ đó có thể dẫn đến sụt giảm nhu cầu mặt bằng bán lẻ.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm và nội thành tăng nhẹ trong khi giá thuê tại khu vực ngoại thành giảm nhẹ so với quý trước. Khu vực nội thành chiếm thị phần lớn nhất về diện tích bán lẻ tương lai. Quận 7 đứng đầu trong tất cả các quận về nguồn cung tương lai, tiếp theo là các quận 2, 1.
Trong buổi lễ ký kết cho thuê văn phòng và mặt bằng bán lẻ giữa Bitexco Financial Tower và Adidas ngày 12/10, đại diện chủ tòa nhà này cho biết, diện tích thực thuê mặt bằng bán lẻ tại đây chỉ đạt 55% trên tổng diện tích 8.000 m2 khu thương mại.
Bên cạnh đó, theo dự báo từ các công ty nghiên cứu, trong thời gian tới hàng loạt các dự án mặt bằng bán lẻ quy mô lớn như dự án Times Square, Saigon M&C, Saigon Pearl, Sunrise City, Cresent Mall, Pico Mall… sẽ đi vào hoạt động trong cuối năm nay cũng sẽ gây ra một sức ép lớn về việc giảm giá thuê của các dự án hiện tại.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: