Tình trạng doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính sự nghiệp được Nhà nước giao đất để thực hiện dự án, quản lý sử dụng khai thác kinh doanh… nhưng không hiệu quả, gây lãng phí lớn đang gây bức xúc trong xã hội. Qua kiểm tra mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM xử lý, thu hồi những dự án hoang hóa để giao cho đơn vị có năng lực đầu tư.
Dự án hoang hóa
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, qua rà soát tiến độ thực hiện 155 khu đất của 72 doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp cổ phần hóa được UBND TP, Bộ Tài chính cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng theo quy hoạch của TP, cho thấy tiến độ thực hiện rất chậm.
Qua kết quả kiểm tra Sở TN-MT đã kiến nghị UBND TP hủy bỏ chủ trương chấp thuận đầu tư đối với 47 khu đất với diện tích hơn 484.000m2 do văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc văn bản gia hạn chấp thuận địa điểm đầu tư của UBND TP hết hiệu lực. Với 13 khu đất có diện tích 107.641m2, do các doanh nghiệp chưa có khả năng thực hiện dự án nhưng đang sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh, Sở TN-MT kiến nghị chấp thuận cho doanh nghiệp thuê ngắn hạn theo hiện trạng để chờ triển khai thực hiện dự án.
Đối với 7 khu đất có diện tích 151.000m2 các doanh nghiệp chưa có khả năng thực hiện dự án nhưng bỏ trống hoặc cho thuê sẽ thu hồi tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thực hiện theo quy hoạch… Ngoài ra có 30 khu đất các doanh nghiệp không báo cáo tiến độ thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất Sở TN-MT phối hợp với UBND quận, huyện kiến nghị TP có hướng xử lý. Đến nay mới có 56 khu đất chuyển mục đích sử dụng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Được biết từ năm 2008 đến 2010 Bộ Tài chính và UBND TP triển khai chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất đối với các doanh nghiệp nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên theo nhận xét của Sở TN-MT, trong quá trình triển khai do chưa đánh giá đầy đủ năng lực tài chính, chưa xem xét tính khả thi trong phương án liên doanh, liên kết của doanh nghiệp, đã dẫn đến tình trạng chậm triển khai thực hiện dự án.
Lãng phí mặt bằng
Một cuộc khảo sát mới đây của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho thấy chi phí tiền thuê đất hàng năm trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan hành chính hiện nay bình quân trên dưới 5%. Tuy nhiên phần lớn mặt bằng do các đơn vị này quản lý đều ở vị trí đắc địa nhưng sử dụng không hiệu quả.
Cá biệt một số lượng nhà, đất không nhỏ bị chiếm dụng hoặc bỏ trống, trong khi rất nhiều tổ chức, thành phần kinh tế khác không có mặt bằng để sản xuất kinh doanh. Đơn cử, Tổng công ty Lương thực Miền Nam có hàng trăm mặt bằng trên địa bàn TPHCM. Các điểm bán lẻ, cơ sở kinh doanh lương thực của doanh nghiệp này nằm rải rác khắp các quận, huyện của TP.
Khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, những phương thức kinh doanh cũ không còn phù hợp, một phần các điểm bán lẻ trở thành nhà ở của cán bộ công nhân viên, phần còn lại cho thuê, cho mượn. Cho đến nay, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án 233 mặt bằng của doanh nghiệp này, trong đó số mặt bằng giữ lại để tiếp tục sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 30%, chuyển mục đích sử dụng đất khoảng 2%, bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2%, số còn lại Nhà nước thu hồi và chuyển giao ngành nhà đất TP quản lý.
Nhiều dự án để hoang hóa gây lãng phí lớn.
|
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: