Nhiều dân văn phòng mắc kẹt hàng tỷ đồng vì phong trào đổ xô rủ nhau đầu tư nhà đất. Vì thế, khi giá giảm, lãi suất giảm đa số vẫn còn khiếp đảm, không dám quay lại đầu tư.
Tìm mọi cách thoát hàng
Anh Tiến, nhân viên một công ty truyền thông tại Mỹ Đình đang tá hỏa đi vay mượn để trả nợ. Năm 2010, cơn sốt đất phía Tây, anh cùng mấy đồng nghiệp cơ quan rủ nhau chung tiền mua đất dự án. Chỉ vài tháng sau, lướt nhanh mảnh đất đó, anh đã có trong tay hơn trăm triệu đồng từ việc bỏ ra 80 triệu đồng góp vốn.
Sau vụ làm ăn khá thành công, anh tiếp tục vay mượn thêm để có gần 500 triệu đồng, cùng với nhóm mua mảnh đất hơn 2 tỷ đồng với hy vọng có chút vốn để làm ăn và cưới vợ. Cơn sốt đất nhanh chóng bị hạ nhiệt, nhóm anh mua được mảnh đất cũng đúng thời điểm giá cao nhất và vẫn còn mắc kẹt.
Thị trường bất động sản gần như đóng băng, hơn 2 tỷ đồng mua mảnh đất dự án đó vẫn chỉ nằm trên giấy bằng hợp đồng góp vốn, sổ đỏ chỉ được bàn giao khi dự án được hoàn thành.
Nhóm anh Tiến có bốn người, tất cả đều làm chung cơ quan, chỉ có một anh nhóm trưởng là có quan hệ với dân bất động sản nên nắm được thông tin. Còn lại ba người chỉ góp vốn làm ăn theo đám đông và chia lợi nhuận theo tỷ lệ.
"Không thuận buồm xuôi gió", các thành viên nhóm anh nảy sinh mâu thuẫn, người nọ đổ lỗi cho người kia không biết đầu tư. Anh Tiến cũng mong sớm đẩy được hàng đi để thu vốn trả nợ, thậm chí là chịu lỗ.
Anh Tiến cho hay, tính theo giá vàng, lạm phát, việc chôn vốn vào bất động sản coi như lỗ. Đến lúc cần tiền trả nợ, anh Tiến không biết bán cho ai, chuyển nhượng lại trong nhóm thì không ai mua, còn bán phần góp vốn ra ngoài cũng không thể. Nhóm anh Tiến đang nghe ngóng, lãi suất giảm bất động sản ấm lại, hy vọng sẽ bán được mảnh đất đó, thu hồi vốn.
Chị Mai Hương, nhân viên của một ngân hàng cũng trong tình cảnh tương tự như trên. Có được ít vốn, cộng với tư vấn của bạn bè, chị cũng chung tiền mua một mảnh đất tại Nam An Khánh. Giá mảnh đất đó đã bốc hơi gần một nửa, tính sơ sơ nhóm của chị mất tiền tỷ, chưa kể phải mua chênh và nhờ vả quan hệ. Hiện, nhóm chị đang rao bán mảnh đất đó khắp nơi cũng chưa thể thoát hàng. Nhiều lần dự án có những thông tin bất lợi như dừng triển khai hay thay đổi chủ đầu tư khiến cho nhóm đầu tư này luôn lo lắng.
Chị Hương cho biết, đây là bài học lớn cho việc đầu tư nhà đất. "Đúng là mỗi người mỗi nghề, người ta đầu tư thì không sao, mình vừa bước chân đã bị sa lầy. May mà tiền của gia đình không phải trả lãi chứ nếu vay ngân hàng thì cũng vỡ mặt", chị Hương tự an ủi.
Đồng cảnh ngộ, chị Trang, trưởng phòng công ty tư vấn An Việt cũng đang chạy vạy khắp nơi để lo tiền đóng tiếp theo tiến độ căn hộ một dự án ở Hà Đông. Năm 2010, chị có suất mua căn hộ, chỉ cần bán ngay lúc đó chị có trong tay 100 triệu đồng. Chị liều đóng tiền đầu tư kiếm lời, nhưng giá ngày càng giảm. Căn hộ của chị đã đóng được 60% số tiền theo tiến độ, suốt từ tháng 2 đến giờ chị rao bán cũng không thấy khách nào hỏi mua.
Chị sốt ruột: "Chủ đầu tư đang giục đóng tiền, mình có người quen nên tạm trì hoãn được. Thời điểm này, đẩy hàng đi là điều rất khó khăn, sắp tới không biết vay mượn đâu để đóng số tiền theo tiếp".
Không dám liều lần nữa
Khi thị trường bất động sản nóng, mức lợi nhuận rất cao, chỉ mua là được đã khiến cho nhiều người dân đổ xô đi buôn đất. Nhưng lúc khó khăn, không ít người trong số họ đã gặp phải rủi ro bởi thiếu thông tin cũng như nguồn tài chính eo hẹp.
Chị Trang thừa nhận, việc đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông, liều mình rất nguy hiểm. Bản thân chị cũng không phải là người có kinh nghiệm đầu tư bất động sản, chỉ thấy bạn bè cùng công ty làm ăn được, chị cũng ham. Nếu không đổ tiền vào căn hộ đó, giờ chị đang yên tâm có nguồn vốn dồi dào. Mới đây, mấy đứa bạn nghe thông tin lãi suất giảm, giá nhà đất cũng giảm rủ nhau đầu tư, chị Trang lắc đầu không dại lần thứ hai.
May mắn hơn chị Trang, chị Linh một trong những dân văn phòng cũng đầu tư bất động sản vừa rút được vốn 70 triệu đồng từ một hợp đồng góp vốn mua đất dự án. Nhóm chị có 5 người chung nhau mua một mảnh đất dự án của công ty với giá ưu đãi. Theo tiến độ, chủ đầu tư phải chào bán vào đầu năm 2011 nhưng đến giờ dự án vẫn chỉ nằm trên giấy. Sốt ruột, chị nhiều lần làm đơn kiến nghị với công ty, sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng công ty đã giải quyết cho chị rút vốn và thêm chút lãi suất. Nhiều người trong nhóm chê chị không biết đầu tư, nhưng chị lại thấy an tâm bởi rút được số tiền.
"Với mình, mấy chục triệu cũng là một khoản tiền lớn, dù không có lãi lời gì nhưng rút ra được trong thời điểm này cũng là hạnh phúc rồi. Đấy mảnh đất đó đến giờ cũng đã bán được đâu, chôn vốn vào đó chưa biết đến bao giờ mới bán được. Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng mình đầu tư vào đất", chị Linh than thở. Chị Linh cho biết thêm, nhiều người đồng nghiệp công ty chị cũng đang mắc kẹt lại tại các dự án, ai cũng bị dính vài trăm, có người tiền tỷ.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, giám đốc một sàn bất động sản chia sẻ, sàn của ông hiện tại đang chào bán nhiều sản phẩm bất động sản mà không ít trong số đó chủ nhân là dân văn phòng. Theo ông Quỳnh, việc dân văn phòng đầu tư nhà đất có thời điểm là một trào lưu. Việc nhà nhà, người người đổ xô vào đất vì lợi nhuận của nó sẽ đến thời điểm chỉ có người bán mà không có người mua.
Đầu tư theo tâm lý đám đông gặp nhiều rủi ro. Bản thân, những người làm văn phòng không phải ai cũng am hiểu về thị trường bất động sản. Những người có tầm nhìn tốt thì nhanh chân lướt sóng khi có thời cơ, còn nếu vì lòng tham hay thiếu hiểu biết việc "mắc cạn" là điều không trách khỏi.
Cũng theo ông Quỳnh, những nhân viên văn phòng đầu tư đất thường góp vốn chung nhau bởi không ai mạnh về tài chính. Có trường hợp ông Quỳnh đã gặp, mảnh đất có giá tốt nhưng nhóm không đưa ra được quyết định cuối cùng, người bảo bán, người bảo để lại. Chỉ một thời gian ngắn, cơ hội sẽ mất đi và chính họ là người chịu thiệt.
Đối với dân văn phòng đi buôn đất, khi mắc kẹt để thoát hàng không dễ. Với những dự án có tiến độ tốt thì phải chịu bán lỗ, còn những dự án chậm tiến độ, người mua cũng đành chịu chung số phận với chủ đầu tư. Một số dự án góp vốn, người mua có thể đàm phán rút vốn.
Ông Quỳnh đưa ra lời khuyên, không chỉ dân văn phòng mà bất cứ ai khi quyết định đầu tư vào nhà đất cần phải tỉnh táo và tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Nếu không, họ có thể thông qua các sàn bất động sản, các chuyên gia để tư vấn. Còn nếu không nên gửi tiền vào ngân hàng là giải pháp an toàn nhất để tránh việc bỏ hàng tỷ đồng mua nợ vào người.
DiaOcOnline.vn - Theo VEF
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: