Để thu hút khách hàng, nhiều doanh nghiệp bất động sản miền Trung đang “vẽ rồng vẽ phượng”, đặt tên dự án bất động sản hoàn toàn khác với tên được phê duyệt để tung ra thị trường.
Hàng loạt công ty bất động sản đóng tại Đà Nẵng đang rao bán dự án Khu phố chợ Trà Kiệu
Những ngày trung tuần tháng 6/2020, người dân khu vực Thánh địa Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam bất ngờ khi trên website, mạng xã hội của hàng loạt công ty bất động sản đóng tại Đà Nẵng rao bán dự án Khu phố chợ Trà Kiệu.
Thay tên, đổi họ dự án
Theo giới thiệu của các công ty này thì họ chính thức ra mắt dự án Khu phố chợ Trà Kiệu với giá gốc của Chủ đầu tư chỉ 6,8 triệu/m2; chiết khấu lên đến 4%; mở bán giai đoạn 1; Lợi nhuận tối thiểu 15%/năm… Thậm chí, nhiều sàn giao dịch còn “vẽ rồng, vẽ phượng” khi cho biết trong vòng bán kính 500m của dự án này có các tiện ích như khu du lịch sinh thái Duy Sơn; Khu công nghiệp Duy Trung Tây An; Khu công nghiệp Duy Trinh SEDO; trung tâm thương mại, công viên giải trí…
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, dự án nói trên thực chất là khu dân cư Bàu Phái Đông tại thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Khu này có kế hoạch sử dụng đất năm 2019 đã được UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi đất và giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Duy Xuyên (nay là Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất huyện Duy Xuyên) để thực hiện dự án theo Quyết định số 1078/QĐ-UBND ngày 08/4/2019.
Dự án Khu phố chợ Trà Kiệu thực chất là khu dân cư Bàu Phái Đông tại thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam
Một nguồn đáng tin cậy từ UBND huyện Duy Xuyên cho biết, liên quan đến dự án Bàu Phái Đông, ngày 26/6/2020, Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất huyện Duy Xuyên đã phối hợp với Công ty đấu giá hợp danh Quảng Nam tổ chức đấu giá thành công 20/21 lô đất ở tại tại dự án này và hiện Phòng Tài nguyên Môi trường huyện đang kiểm tra hồ sơ đấu giá để trình UBND huyện phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất của 20 lô (từ lô số 02 đến lô số 21).
“Việc đăng tin, rao bán đất khu phố chợ Trà Kiệu tức khu dân cư Bàu Phái Đông, Ban Quản lý Dự án – Quỹ đất đã biết và đã có Báo cáo UBND huyện và các Phòng ban của huyện để kịp thời xử lý. UBND huyện đã có chỉ đạo tại thông báo số 104/TB-UBND ngày 02/7/2020 giao Phòng Tài nguyên Môi trường, kinh tế hạ tầng, văn hóa thông tin, Công an huyện, đội quản lý trật tự xây dựng các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn thông tin, tuyên truyền để xử lý tình trạng nêu trên”, vị này cho biết thêm.
“Lòe” khách hàng
Trước đó, cũng tại huyện Duy Xuyên, vào cuối tháng 5/2020, trên website của mình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Địa ốc SCD giới thiệu Khối Phố Xuyên Đông – Nam Phước chính thức được công ty giới thiệu ra thị trường vào ngày 21/5 nhằm đáp ứng nhu cầu phân khúc bất động sản đất nền giá rẻ với giá chỉ từ 5 triệu/m2.
“Khối Phố Xuyên Đông – Nam Phước tọa lạc tại vị trí quan trọng, chiến lược của khu vực, kết nối dễ dàng đến các khu thương mại – dịch vụ – hành chính – giáo dục của khu vực”, công ty này giới thiệu.
Một cán bộ UBND huyện Duy Xuyên cho biết trên địa bàn huyện không có dự án nào mang tên Khối Phố Xuyên Đông – Nam Phước đang được rao bán trên thị trường
Đáng chú ý, cũng giống như khu phố chợ Trà Kiệu, một cán bộ của UBND huyện Duy Xuyên cho biết trên địa bàn huyện Duy Xuyên không có dự án nói trên. “Tôi khẳng định là trên địa bàn huyện không có dự án nào mang tên Khối Phố Xuyên Đông – Nam Phước. Cái này chắc các doanh nghiệp bất động sản “vẽ” rồi tung ra thị trường”.
Dạo một vòng thị trường bất động sản tại Quảng Nam nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng “thay tên, đổi họ”các dự án là rất phổ biến, thậm chí tìm các dự án được chào bán đúng với tên được nhà nước phê duyệt chẳng khác nào mò kim đáy biển.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, trào lưu “thay tên, đổi họ” các dự án là khá rầm rộ trong thời gia qua và được nhiều chủ đầu tư, đơn vị phát triển cũng như các sàn giao dịch “biện minh” là cho dễ bán, dễ làm truyền thông, dễ chạy thị trường.
“Thường thì sẽ có ba lý do để thay tên: Một là tên dự án được phê duyệt quá dài nên thường được đặt lại tên theo hướng ngắn hơn, “Tây” hơn để mở bán; Hai là nhiều dự án gắn với nhiều tai tiếng liên quan đến chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất, hoặc bị khách hàng khiếu kiện trong quá khứ... nên đặt tên mới để dễ bán hơn; và cuối cùng là nhiều doanh nghiệp đi đấu giá hoặc mua lại các lô đất được nhà nước bán ra rồi tự tiện đặt tên dự án để lòe khách hàng”, một chuyên gia bất động sản tiết lộ.
DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: