Top

“Lối thoát” cho nhà đầu tư bất động sản

Cập nhật 24/05/2011 16:10

Thị trường đất nền và chung cư Hà Nội đang rơi vào tình trạng đóng băng cục bộ, nhiều dự án giảm giá ngót ngét chục triệu đồng/m2. Nhiều nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi đang tìm hướng đi mới trong khi chờ tín hiệu tích cực trên thị trường bất động sản.

Thị trường địa ốc Hà Nội đang chứng kiến một cơn "lao dốc" chưa từng có

Thị trường "đóng băng"


Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá nhiều dự án trên địa bàn Hà Nội đã giảm mạnh đến cả chục triệu đồng/m2, giao dịch gần như đóng băng. Điển hình nhất là các dự án thuộc phía tây Hà Nội như Gleximco, Dương Nội, Văn Khê, Văn Phú, hay các dự án trên quốc lộ 32 như Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh (Hoài Đức)…

Theo thống kê tại các sàn giao dịch bất động sản Hà Nội, hiện giá đất nền dự án Kim Chung - Di Trạch đang dẫn đầu về tốc độ lao dốc do trước đây giá bị đẩy lên quá cao. Đơn cử như những lô liền kề nằm mặt đường 10,5m2 giá chỉ còn khoảng 45 triệu đồng/m2, giảm 7 triệu so với tháng trước. Hiện, một số nhà đầu tư đang muốn bán một số lô đất tại đây với giá từ 42 - 46 triệu đồng/m2, tuy nhiên vẫn không có ai “ngó ngàng”.

Hay như giá đất ở Geleximco khu A đang dao động từ 65 – 85 triệu đồng, sau khi đã giảm hơn 10 triệu đồng nhưng giá vẫn ở mức cao và không có giao dịch. Các dự án KĐT Văn Khê, Văn Phú gần đến giai đoạn giao nhà cũng giảm mạnh từ 6 – 7 triệu đồng/m2.

Theo nhận định của giới đầu tư, thị trường đang khan hiếm tiền mặt. Trong 1-2 tháng tới là thời điểm các dự án đến giai đoạn bắt buộc phải nộp tiền theo tiến độ nếu không muốn bị chủ đầu tư phạt lãi suất; nhiều khoản vay đến giai đoạn phải đáo hạn ngân hàng nên sức ép rất lớn.

Không chỉ dừng lại ở đất nền, thị trường chung cư trên địa bàn Hà Nội đang rơi vào tình trạng ế ẩm. Điển hình là tổ hợp chung cư Usilk City đình đám của chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long nằm trên trục đường Lê Văn Lương kéo dài được mở bán từ hơn 2 năm nay nhưng việc tiêu thụ hàng vẫn rất khó khăn.

Nhiều dự án căn hộ cao cấp khác tại Hà Nội còn áp dụng chiêu khuyến mãi để đẩy nhanh tốc độ bán hàng như dự án Richland Southern của CTCP Lâm Viên, dự án Mulberry Lane (Mỗ Lao, Hà Đông) của Công ty TNHH Capitaland Hà Thành, dự án Indochina Plaza (Xuân Thủy, Cầu Giấy)... song việc tiêu thụ cũng rất khó khăn.

Ở khía cạnh của một nhà đầu tư, ông Nguyễn Thế Giang – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Gia khẳng định, hầu hết các nhà đầu tư đã bỏ qua thị trường chung cư ở Hà Nội vì thị trường này đang rơi vào ngưỡng bão hòa. Giữa ba biến nhu cầu, nguồn cung và giá thì thị trường đang nằm ở điểm mất cân bằng, giá quá cao, vượt quá nhu cầu thực của người dân.

Quay sang BĐS sinh thái để chờ thời?

Trong khi đất nền và chung cư được nhà đầu tư bỏ qua thì thị trường bất động sản sinh thái được một số chuyên gia nhận định là hướng đi của những nhà đầu tư đang có tiền nhàn rỗi.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km, có thể điểm qua hàng loạt dự án bất động sản sinh thái nghỉ dưỡng được chú ý như: The First Villas tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích hơn 10ha, Top Hill Villas tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn với tổng diện tích đầu tư 12ha và The Melody Villas với tổng diện tích đầu tư 33ha hay Paradise Dai Lai Resort… đều do các tên tuổi nổi tiếng như INT Group và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Nhật Hằng làm chủ đầu tư.

Theo thông tin của INT Group, tại thời điểm thị trường đất nền và chung cư đóng băng toàn bộ thì số lô biệt thự giao dịch thành công của Tập đoàn chỉ giảm khoảng 20% so với thời gian cao điểm trước đó. Hay khu nghỉ dưỡng sinh thái Flamingo Đại Lải chào bán mẫu biệt thự Hoàng Yến với mức giá khởi điểm khoảng 14 tỷ đồng nhưng nhiều khách hàng vẫn quan tâm đầu tư.

Ông Nguyễn Kim Cương – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thế Gia, đơn vị nghiên cứu thị trường tại Hà Nội cho rằng, những nhà đầu tư có khoản tiền từ 3 tỷ đổ lại sẽ chọn phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Theo ông Cương, số tiền đó họ gửi ngân hàng được khoảng 20%, trong khi đầu tư vào vàng, chứng khoán, ngoại tệ đều không hơn được 20%, với mục tiêu đầu tư trung hạn từ 2-3 năm, tính bình quân sẽ mang về khoản lợi nhuận tối thiểu 40%/năm. “Đảm bảo được nguồn vốn, tránh rủi ro tại thời điểm hiện tại là yếu tố được các nhà đầu tư ưu tiên hàng đầu” – ông Cương nhận định.

So với các kênh đầu tư ngoại tệ, vàng, chứng khoán thì địa ốc, đặc biệt là bất động sản sinh thái đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư

Ông Lê Đức Hải – Chủ tịch HĐQT của INT Group cho rằng, bất động sản sinh thái Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi như xu hướng ngày càng phát triển, nhu cầu về bất động sản sinh thái ngày càng tăng lên, vị trí thiên nhiên, cảnh quan đẹp…tạo nhiều điều kiện thuận lợi đầu tư các dự án. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng khá cao có thể lên đến 300% nếu các nhà đầu tư chọn đúng sản phẩm và thời điểm.

Ông Hải cũng khuyến cáo, đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là đầu tư lâu dài, nếu dùng những khoản tiền nóng để đầu tư thì nhà đầu tư rất dễ sẽ gặp phải thất bại, những khoản tiền nhàn rỗi có chu kỳ thu hồi vốn khoảng từ 9 – 24 tháng sẽ là hiệu quả và an toàn nhất.

Theo các chuyên gia đến từ CBRE Việt Nam, so với các kênh đầu tư ngoại tệ, vàng, chứng khoán thì địa ốc, đặc biệt là bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn đầy tiềm năng và đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư. Việc đổ vốn lớn vào bất động sản nghỉ dưỡng thời điểm này như là một cách đầu tư đạt nhiều mục đích.

Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia nhận định đây cũng là một hướng đi mới cho các nhà đầu tư đang có tiền nhàn rỗi, họ "vác tiền" đầu tư bất động sản sinh thái như là chờ thời để "phục" những cơ hội ngon ăn trên thị trường bất động sản nay mai khi lạm phát giảm, kinh tế vĩ mô ổn định trở lại.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN