Hàng loạt dự án chung cư thi công dở dang đã phải ngưng vì thiếu tiền. Trong khi đó không ít khách hàng đã chôn vào dự án hàng trăm triệu đồng. Dự án chậm tiến độ dẫn đến phải khiếu nại, khách hàng mới không dám mua, khách hàng cũ không thể tiếp tục đóng tiền. Dự án như cái vòng luẩn quẩn không lối ra.
Không biết ngày bàn giao
Dự án Petrolandmark (quận 2) do CTCP Đầu tư và Xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PVC Land) làm chủ đầu tư chậm bàn giao căn hộ gần 2 năm, khách hàng đã rất nhiều lần đến gặp chủ đầu tư để hỏi nguyên nhân, thậm chí nhiều người còn giăng băng rôn gây áp lực với chủ đầu tư nhưng đâu vẫn vào đấy.
Mới đây, ngày 16-10 hàng chục khách hàng tụ tập tại trụ sở của PVC Land đòi câu trả lời về thời điểm giao nhà, vì theo hợp đồng, thời gian bàn giao nhà vào tháng 12-2011. Hầu hết khách hàng này đã đóng 85-100% giá trị căn hộ, nhưng hiện nay dự án chỉ mới xong phần thô và ngưng thi công gần 2 năm qua.
Nhiều khách hàng cho biết thời gian qua chủ đầu tư đã có 9 thông báo bằng văn bản về thời điểm giao nhà và văn bản mới nhất công ty hứa tháng 9 năm nay giao nhưng vẫn là những lời hứa suông.
Trước yêu cầu của khách hàng, đại diện chủ đầu tư bày tỏ mong muốn khách hàng cùng chia sẻ khó khăn, nhưng thời gian giao nhà vẫn… chưa biết. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân trực tiếp chậm giao căn hộ do nhiều khách hàng mua sỉ (nhà đầu tư thứ cấp) chỉ mới đóng được 65% giá trị hợp đồng, thậm chí thấp hơn.
Dự án chung cư Đại Thành (Tân Phú) do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Đại Thành làm chủ đầu tư cũng chậm bàn giao nhà gần 2 năm nay, trong khi nhiều khách hàng đã đóng 70-90% giá trị căn hộ.
Tạo niềm tin
Dự án Petrolandmark và Đại Thành là 2 trong nhiều dự án chậm tiến độ hiện nay. Để tìm lối ra cho những dự án này chủ đầu tư đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng xem ra vẫn chưa hiệu nghiệm. Trước đó, chủ đầu tư Petrolandmark tung chiêu đại hạ giá từ 26 triệu đồng xuống 15 triệu đồng/m2 với hy vọng sẽ thu hút dòng tiền từ khách hàng mới, nhưng khách hàng vẫn không thấy đâu.
Trong cuộc đấu khẩu giữa khách hàng tại dự án Đại Thành và chủ đầu mới đây, chủ đầu tư đã thừa nhận không còn tiền để tiếp tục triển khai dự án. Khách hàng một lần nữa nhượng bộ chủ đầu tư và cùng tìm cách tháo gỡ để dự án tái khởi động.
Dự án chung cư Tín Phong (quận 12) trùm mền hơn 1 năm qua
dù đã đến công đoạn hoàn thiện. Ảnh: B.Minh
|
Công ty Đại Thành dự tính cần hơn 99 tỷ đồng để hoàn thiện dự án với tình trạng sử dụng đáp ứng những điều kiện cơ bản, cần khách hàng góp 80% (hơn 79 tỷ đồng) và nhà sẽ được giao chậm nhất ngày 30-6-2014. Khách hàng sẽ đóng tiền 7 đợt cho đến đủ 100% giá trị căn hộ vào tài khoản trung gian do đại diện khách hàng, công ty và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM làm chủ.
Tuy nhiên, một số khách hàng không tán đồng vì cho rằng họ tiếp tục gánh chịu rủi ro. Lo lắng của khách hàng không phải không có lý, vì trước đó, khi xây đến tầng 6 dự án này ngưng thi công một thời gian rồi tái khởi động. Dự án chung cư Đại Thành mới đây lại tái khởi động lần nữa với tên mới HT Apartment.
Thực tế cho thấy dự án chậm tiến độ không chỉ có doanh nghiệp nhỏ như Công ty An Điền (dự án Ngọc Phương Nam, quận 8), Đại Thành mà ngay cả họ dầu khí nói trên, hay như CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) cũng lâm vào tình trạng tương tự. Do đó nghi ngờ của khách hàng đối với những dự án đang triển khai không phải không có cơ sở.
Hạ giá bán, khách hàng nộp tiền vào tài khoản trung gian có sự giám sát của các bên để sử dụng đúng mục đích là một số giải pháp được các chủ đầu tư đưa ra để tìm lối thoát cho dự án chậm tiến độ. Trong khi đó một số chủ đầu tư lại tìm cách chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư mới có năng lực tài chính mạnh hơn, một số chủ đầu tư lại thay tên đổi họ để làm mới dự án nhằm thu hút khách hàng.
Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc HASG, cho rằng thời gian qua có quá nhiều vụ lùm xùm liên quan đến các dự án chung cư. Do đó, ưu tiên số một của khách hàng vẫn là lựa chọn những dự án đã hoàn thành, có thể dọn vào ở ngay.
Theo ông Thanh, đối với những dự án chậm tiến độ, trùm mền, nếu muốn đẩy nhanh tiến độ, tái khởi động cần phải tạo niềm tin nơi khách hàng bằng cách sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, giảm lợi nhuận để hạ giá thành nhằm tìm kiếm khách hàng mới.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng hiện nay cơ chế kiểm soát việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp BĐS gần như bị bỏ quên, khiến doanh nghiệp sử dụng vốn vào mục đích khác không kiểm soát được.
“Quan trọng là kiểm soát việc sử dụng vốn của chủ đầu tư phải đúng mục đích thông qua cơ chế quản lý. Chẳng hạn tài khoản ngân hàng phải được giám sát, chỉ được giải ngân khi có biên bản các bên để giải ngân đúng cho công trình đó” - ông Châu nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài gòn Đầu tư tài chính
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: