Top

Lợi lớn từ ứng dụng tra cứu dự án bất động sản

Cập nhật 17/06/2019 10:45

Những thông tin về dự án bất động sản cần được liên tục cập nhật trong ứng dụng tra cứu như tin tức thời sự.

App tra cứu dự án sẽ giúp người dân nắm được thông tin nhanh chóng, chính xác - Ảnh minh họa: Q.HUY

TP.HCM sẽ có phần mềm ứng dụng (app) giúp người dân tra cứu thông tin pháp lý dự án bất động sản (BĐS) trước khi đầu tư. Đây là thông tin đáng mừng đối với nhiều người mua nhà dự án. Các chuyên gia thì cho rằng phải cập nhật, công khai cả những ách tắc, trách nhiệm của cơ quan quản lý về thủ tục, chính sách làm dự án bị đình trệ, gây khó chủ đầu tư, ảnh hưởng đến khách hàng.

Người mua nhà hưởng lợi

Mới đây, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết sở này đã xây dựng app và cho chạy thử nghiệm hai lần trước khi báo cáo TP. Sau khi hoàn chỉnh và được TP chấp thuận, app sẽ được công bố và áp dụng chính thức.

Theo ông Kiên, app này sẽ tích hợp đầy đủ các thông tin liên quan đến chủ đầu tư, pháp lý dự án, tiến độ thực hiện... để nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân kiểm tra. Ngoài ra còn biết các thông tin chính xác từ cơ quan quản lý, tránh tình trạng nhiều dự án chỉ mới làm thủ tục nhưng đã rao bán, nhận tiền của người mua dẫn đến tranh chấp, khiếu nại kéo dài.

Thông qua app, lãnh đạo TP cũng sẽ biết được dự án đang vướng ở khâu nào để kiểm tra và quy trách nhiệm cho từng sở, ngành.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến lưu ý khi xây dựng app cần tích hợp với các phần mềm quản lý của TP để khi TP phê duyệt dự án thì có thể cập nhật ngay.

Đánh giá tích cực về app sắp ra mắt, ông Đỗ Hoàng Dương, Tổng Giám đốc Công ty BĐS Gia Gia Phú, cho rằng đây là thông tin vui đối với người mua nhà, nhà đầu tư, thậm chí là chủ đầu tư. App sẽ giúp người mua nhà hạn chế rủi ro, đồng thời tạo ra một thị trường BĐS minh bạch, chọn lọc những dự án, chủ đầu tư uy tín. App cũng sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng, tiến độ, tiện ích, pháp lý dự án giữa các chủ đầu tư để thuyết phục khách hàng lựa chọn.

“Đồng Nai đang có phần mềm hệ thống thông tin đất đai trên điện thoại rất tốt. Người dân sẽ tìm được những thông tin chi tiết về số tờ, số thửa, loại đất, đất có bị tranh chấp không, có vướng vào dự án quy hoạch nào không, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa, tài sản gắn liền với đất là gì, kể cả nguồn gốc và lịch sử giao dịch thửa đất... Các ứng dụng này còn phục vụ cho cả người làm công tác quản lý đất đai” - ông Dương nói.

Anh Minh Quân (quận Bình Thạnh) cho rằng mua nhà dự án tại TP.HCM vẫn lo nhất là pháp lý. Đôi khi khách đã thanh toán tiền xong mới lộ ra chủ đầu tư chưa đóng tiền sử dụng đất, xây dựng sai phép… Những tranh chấp trong chung cư cũng xuất phát từ việc người mua nhà thiếu thông tin đầy đủ về dự án. “App tra cứu cần thông tin đầy đủ pháp lý, thậm chí hướng dẫn thủ tục mua nhà dự án cho người dân dễ tìm và có cơ sở chính xác để quyết định” - anh Quân góp ý.

Cập nhật thông tin hai chiều

Từ trước tới nay, TP.HCM vẫn công khai thực hiện các thủ tục đầu tư dự án BĐS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc công khai chưa được đầy đủ và kịp thời, dẫn đến một số chủ đầu tư đã bán căn hộ cho người dân vẫn đi cầm cố, thế chấp; vi phạm các cam kết xây dựng công trình, tiện ích trong dự án.

Theo ông Đỗ Hoàng Dương, app cần cho người dân tiếp cận cả các văn bản chứng minh pháp lý như quyết định công nhận chủ đầu tư, giấy phép xây dựng, pháp lý mua bán.

“Cơ quan quản lý cũng phải kịp thời công khai các chủ đầu tư có dấu hiệu làm trái quy định hoặc có dấu hiệu đưa thông tin sai lệch. Người dân, cơ quan chức năng từ các thông tin này có thể giám sát, giúp phát hiện các thiếu sót, vi phạm trong quá trình thực hiện dự án. Đặc biệt, app phải liên tục cập nhật như tin tức thời sự mới hiệu quả” - ông góp ý.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng TP.HCM cần có quy định về cơ chế cung cấp thông tin dự án cho cơ quan quản lý. Khi có quy định rõ ràng thì bắt buộc chủ đầu tư phải tuân thủ, các thông tin này sẽ được đưa vào app tra cứu.

Một đại diện chủ đầu tư BĐS có tiếng tại TP.HCM cũng rất hoan nghênh chính quyền áp dụng app tra cứu. Tuy nhiên, cần lưu ý mặt hạn chế của app là nhà đầu tư đôi khi gặp khó do cơ chế, chính sách. Nếu bất cứ thông tin nào cũng đưa vào khi chưa có kết luận rõ ràng của cơ quan chức năng thì có thể gây thiệt thòi cho doanh nghiệp. Từ đó, một đòi hỏi khách quan là cơ chế, chính sách phải thay đổi thực sự, tháo gỡ phiền toái về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, như vậy khách hàng cũng có lợi.

“Không thể bắt doanh nghiệp chịu trách nhiệm về những sai sót từ phía chính quyền và không thể bắt người mua nhà phải chịu thiệt hại cho những sai sót do quy trình. Vì vậy, những vướng mắc, sai sót về cơ chế, chính sách, lỗi từ cơ quan quản lý cần phải được xử lý, tháo gỡ, không để dự án và chủ đầu tư bị vạ lây” - vị này bộc bạch.

DiaOcOnline.vn – Theo PLO