Top

Loạt dự án bất động sản ven biển Quảng Nam vẫn "bất động"

Cập nhật 09/04/2020 10:35

Hàng loạt dự án triệu USD của các nhà đầu tư tại vùng ven biển phía nam Hội An được phê duyệt sau khi cầu Cửa Đại và tuyến đường 129 khai thông kết nối với Đà Nẵng vào tháng 3/2016.

Dự án khu đô thị Nam Hội An với tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD, mới triển khai giai đoạn I trên diện tích 270 ha trong tổng cộng gần 1.000 ha do vướng giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên đến nay, nhiều dự án vẫn "án binh bất động" do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Khó giải phóng mặt bằng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tại khu vực ven biển hai huyện Duy Xuyên và Thăng Bình đang triển khai 12 dự án đầu tư thương mại, đô thị, dịch vụ du lịch. Trong đó, huyện Duy Xuyên có 2 dự án và Thăng Bình có 10 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến nhiều tỷ USD.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Công ty CP Vinpearl (tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng) tại huyện Thăng Bình được đưa vào hoạt động các hạng mục khu nghỉ dưỡng ven biển, khu vui chơi giải trí và khu nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời hạng mục sân golf 18 lỗ đang triển khai đầu tư.

Còn Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An được xem là "đại dự án" đô thị, thương mại dịch vụ nghỉ dưỡng lớn nhất Quảng Nam sau hơn 2 thập kỷ chia tách tỉnh với tổng diện tích đầu tư lên đến 985 ha và nguồn vốn đăng ký đầu tư 4 tỷ USD tại khu vực ven biển huyện Duy Xuyên là động lực thúc đẩy phát triển miền đất cát nghèo khó này. Hiện dự án này đang triển khai giai đoạn I với nguồn vốn 650 triệu USD trên tổng diện tích 270 ha và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Trong tổng 10 dự án còn lại, có 5 dự án thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao của Công ty CP Tập đoàn BRG (tổng diện tích 369 ha); Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty CP Quốc tế Nam Hội An (174,7 ha; đăng ký vốn 4.300 tỷ đồng); Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương của Công ty CP Đạt Phương (183,87 ha; mức vốn hơn 4.600 tỷ đồng); Khu dịch vụ và du lịch nghỉ dưỡng Opal Ocean View của Công ty CP Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (185 ha, mức vốn hơn 4.600 tỷ đồng); Khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam của Công ty CP Tập đoàn T&T (278 ha, mức vốn 3.300 tỷ đồng); Thành phố giáo dục Quốc tế Nam Hội An của Công ty CP Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (41 ha, mức vốn hơn 1.500 tỉ đồng).

Do chưa được bàn giao quỹ đất sạch, nên toàn bộ các dự án này chưa thể triển khai theo đúng tiến độ, khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.

Gỡ khó, đẩy nhanh triển khai dự án

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, các dự án trên đang vướng giải phóng mặt bằng (GPMB) do khu vực ven biển đông dân cư tập trung, cũng như việc thoả thuận bồi thường theo Luật Đất đai 2013 đang gây trở ngại lớn trong vùng dự án.

Bên cạnh đó, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất tại Khu kinh tế mở Chu Lai sau khi điều chỉnh địa giới hành chính chưa được minh định rõ ràng nên khó triển khai. Ngoài ra, việc xác nhận nguồn gốc đất khá phức tạp do lịch sử quản lý đất đai tại khu vực này để lại.

“Để tháo gỡ khó khăn nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các Sở, ngành cùng các địa phương phối hợp với doanh nghiệp tập trung tháo gỡ các khó khăn, vận động người dân bàn giao mặt bằng để các dự án sớm được triển khai cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông”, ông Lê Trí Thanh chia sẻ và cho biết thêm, UBND tỉnh Quảng Nam đã triển khai xây dựng nhiều khu tái định cư để sắp xếp lại dân cư ven biển phòng chống thiên tai và di dời người dân trong vùng bị giải tỏa trên tinh thần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong vùng dự án.

Theo ông Thanh, nếu toàn bộ dự án vùng Đông được triển khai và đi vào hoạt động sẽ tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, tạo nguồn thu ngân sách và đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp sang dịch vụ du lịch của tỉnh Quảng Nam.

Trong khi đó, nhiều chủ dự án nói trên khẳng định nguồn vốn đầu tư dự án không thiếu. Nếu được bàn giao sớm mặt bằng thì sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án.

“Công tác thương lượng, bồi thường đất đai cho người dân gặp rất nhiều khó khăn. Công ty đã thành lập một tổ chuyên môn để tiến hành GPMB. Đến thời điểm này, công ty đã hoàn thành bồi thường GPMB được khoảng 50% diện tích dự án”, ông Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty CP Đạt Phương Hội An cho biết và nhấn mạnh, nếu được người dân đồng hành, hỗ trợ và sự trợ giúp của chính quyền địa phương sớm bàn giao mặt bằng thì Công ty sẽ đẩy nhanh thực hiện dự án sớm đưa vào hoạt động.

Đi dọc theo con đường 129 nối với Đà Nẵng, nhìn vùng đất hoang mạc cát trắng đã bắt đầu đổi thay từ khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Nam Hội An huyện Thăng Bình, đến Khu đô thị nghỉ dưỡng cao cấp Nam Hội An, Duy Xuyên chỉ mới bắt đầu đưa vào hoạt động đã giải quyết việc làm tại chổ cho hơn 4.000 lao động.

Hãy tưởng tượng một ngày không xa, nếu toàn bộ 12 dự án động lực với tổng nguồn vốn hơn 4,5 tỷ USD đầu tư vào vùng cát này đồng loạt đưa vào sử dụng, chắc chắn miền cát trắng bao đời nay sẽ cho quả ngọt và đầy hoa nở không còn là hoang tưởng.

DiaOcOnline.vn – Theo DĐDN