Mức giá của Khung giá đất, Bảng giá đất tăng tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
HoREA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành “Khung giá đất giai đoạn 2020-2024”.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có Văn bản 116/2019 báo cáo Chính phủ, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành “Khung giá đất giai đoạn 2020-2024” để các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương có căn cứ pháp luật và đủ thời gian xây dựng, ban hành Bảng giá đất.
Căn cứ quy định của Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành Khung giá đất thực hiện trong năm năm (2014-2019). Căn cứ Khung giá đất, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương ban hành Bảng giá đất. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ năm năm một lần và công bố công khai vào ngày 1-1 của năm đầu kỳ.
Bảng giá đất của các địa phương hiện nay sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2019. Nếu không có Khung giá đất (mới) của Chính phủ, các địa phương không có căn cứ để ban hành Bảng giá đất (mới), và công tác thu ngân sách nhà nước từ đất sẽ gặp trở ngại vì thiếu cơ sở pháp lý.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, Khung giá đất, Bảng giá đất tác động đến giá cả thị trường bất động sản. Giá thành nhà ở bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với Nhà nước.
Tiền sử dụng đất chiếm khoảng trên dưới 10% giá thành căn hộ nhà chung cư; trên dưới 30% giá thành nhà phố; trên dưới 50% giá thành biệt thự. Giá thành là căn cứ để chủ đầu tư quyết định giá bán sản phẩm nhà ở ra thị trường. Do vậy, mức giá của Khung giá đất, Bảng giá đất tăng tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng, dẫn đến khả năng người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
“Hiện nay, căn hộ nhà ở thương mại hai phòng ngủ có giá vừa túi tiền khoảng trên dưới 2 tỉ đồng. Với cặp vợ chồng thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng, tằn tiện lắm chỉ có thể tiết kiệm được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng (60-70 triệu đồng/năm) thì giấc mơ tạo lập nhà ở càng xa vời nếu không được hỗ trợ ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội” - ông Châu chia sẻ.
Từ đó, HoREA đưa ra đề nghị hai phương án mức giá của “Khung giá đất giai đoạn 2020-2024”: Phương án 1: Đề nghị Chính phủ xem xét, ban hành Khung giá đất giai đoạn 2020-2024 trên cơ sở giữ nguyên mức giá của Khung giá đất giai đoạn 2014-2019.
Phương án 2: Trong trường hợp buộc phải tăng mức giá của Khung giá đất giai đoạn 2020-2024, hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét quyết định mức giá chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến môi trường thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình. Tuy nhiên, hiệp hội đề nghị ưu tiên lựa chọn theo phương án 1.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: