Luật Nhà ở ra đời, quy định cấm huy động vốn mua nhà khi dự án chưa làm xong móng, cứ ngỡ sẽ siết lại việc “tay không bắt giặc”, hạn chế tối đa rủi ro. Thế nhưng thực tế vẫn xảy ra mua nhà trên giấy, khách hàng là người chịu thiệt, kẻ huy động vốn sai luật, chiếm dụng tiền vẫn bình chân như vại.
Nhiều dự án bất động sản phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng (ảnh minh họa). Ảnh: Kim Ngân |
Chây ì không trả
Năm 2008, Công ty cổ phần Ngân Thanh đã dùng khu đất làm nhà xưởng ở đường Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Phú) để triển khai dự án căn hộ cao cấp The Montana. Lúc đó dự án này được quảng bá ngất trời, nào là cao cấp nhất của quận Tân Phú, xây dựng theo phong cách châu Âu… Cam kết của chủ đầu tư đến tháng 6-2010 sẽ giao nhà cho khách hàng. Mặc dù chưa làm móng nhưng chủ đầu tư thông qua Công ty Eden Real đã đem bán cho khách hàng. Còn bây giờ, khu đất xây dựng dự án được chủ đầu tư cho thuê làm quán cà phê, rửa xe và làm bãi giữ xe!
Số tiền mà khách hàng đã đóng bây giờ ra sao? Ông Nguyễn Anh Tú, mua căn hộ số B37 cho biết, khi dự án ngừng triển khai ông đã đóng được 40% giá trị căn hộ, tức khoảng 600 triệu đồng. Đến nay chủ đầu tư mới trả lại cho ông 20% số tiền đã đóng. Hiện nay, ông cùng 11 khách hàng đã nộp tiền mua căn hộ gửi đơn kiện chủ đầu tư ra Tòa án nhân dân quận Tân Phú để yêu cầu trả lại tiền. Mặc dù tòa án đã thụ lý, nhưng ngày xét xử vẫn phải chờ đợi! “Tổng số tiền chúng tôi đã nộp là 5,8 tỷ đồng, hầu hết là những người không có nhà, phải đi vay mượn, giờ đây nhà không có tiền cũng không lấy lại được, đã nghèo lại gặp eo”, ông Tú xót xa nói.
Hàng trăm khách hàng mua nền đất tại dự án Phước Kiển - giai đoạn 3 (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) của Công ty Vật tư vận tải và xây dựng công trình giao thông (Tranco) cũng lâm vào cảnh trắng tay khi mua nền đất tại dự án này. Anh Vũ Đình Tấn, nhà ở quận 7 TPHCM cho biết, anh đã huy động, vay mượn để tham gia góp vốn với Công ty Tranco xây dựng khu dân cư Phước Kiển - giai đoạn 3, số tiền hơn 3 tỷ đồng. Tiền đã đóng, nhưng dự án đã bị UBND huyện Nhà Bè thu hồi.
Khi phát hiện hành vi lừa đảo của Công ty Tranco vào khoảng giữa năm 2010, các khách hàng đã gửi đơn kiện ra Tòa án nhân dân huyện Nhà Bè, nhưng nơi đây lừng khừng không giải quyết vì cho rằng chủ đầu tư ở tận Hà Nội. Chính vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Nhà Bè đã “đá” quả bóng trách nhiệm qua cho Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội). Đến nay, khách hàng vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía tòa án.
Trong khi đó, địa chỉ Công ty Tranco chi nhánh ở TPHCM liên tục thay đổi, những người có trách nhiệm của công ty này không thể liên lạc được. Quá bức bách, khách hàng đã làm đơn tố cáo đến công an. Giờ đây, vụ việc đi tới đâu, người đã nộp tiền mua nền nhà không biết, nhưng có điều tiền vẫn chưa thể lấy lại được!
Cách nay hơn một năm, dự án chung cư mi ni đầu tiên trình làng tại thành phố, do Công ty Vinacomplex làm chủ đầu tư. Nhờ giá nhà rẻ, nên 19 căn hộ bán chớp nhoáng, chủ đầu tư thu 30%, tương đương 5 tỷ đồng. Sau đó, hồ sơ pháp lý khu đất lằng nhằng, dự án bị hủy. Còn tiền khách hàng thì sao? Ông Đoàn Chí Thanh, Giám đốc Công ty Hoàng Anh Sài Gòn - đơn vị tham gia môi giới dự án cho biết, cho đến nay chủ đầu tư chỉ trả lại cho mỗi khách hàng 100 triệu đồng, còn lại chỉ hứa chứ không chịu trả. Hồ sơ sự vụ đang nằm ở công an, diễn tiến tiếp theo như thế nào thì không ai rõ!
Không khí vắng vẻ tại một dự án ở huyện Nhà Bè sau khi đã làm phần móng. Ảnh: Kim Ngân |
Chọn mặt gửi vàng
Với những diễn biến từ các dự án nêu trên, rõ ràng khách hàng đi từ hứng khởi đóng tiền để mua được nhà rồi bị chiếm dụng vốn và đối diện với nguy cơ bị mất tiền. Sau vụ “lùm xùm”, báo chí lên tiếng phanh phui vụ việc, các cơ quan chức năng có vào cuộc, nhưng kết quả cuối cùng vẫn chưa thấy. Như vậy, khách hàng sẽ bám víu vào đâu?
Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, có sự thay đổi rất quan trọng liên quan đến bảo vệ quyền lợi của mình mà khách hàng nên nghiên cứu. Theo đó, từ ngày 1-1-2012, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự có hiệu lực, đã nêu rất rõ: Các vụ án liên quan tranh chấp đất đai, nhà ở quy định có viện kiểm sát cùng cấp tham gia kiểm soát tố tụng, để đảm bảo vụ án diễn tiến đúng luật, tránh tình trạng vụ án bị ngâm lâu, chờ đợi mỏi mòn. “Khi làm đơn kiện lên tòa án, khách hàng cũng nên làm đơn gửi viện kiểm sát cùng cấp để đôn đốc đưa vụ án ra xét xử sớm. Từ đầu năm đến nay tôi đều khuyên khách hàng làm như vậy”, luật sư Nguyễn Văn Trường cho biết.
Tuy nhiên, có lẽ giải pháp tốt nhất là phòng ngừa ngay từ đầu. Cụ thể là khách hàng nên chọn dự án có chủ đầu tư có năng lực tài chính, chữ tín đặt lên hàng đầu mới nên “xuống tiền” để mua nhà. Còn dự án có chủ đầu tư “lạ”, việc mua nhà phải nghiên cứu thận trọng, không khéo “tiền mất tật mang”…
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: