Top

“Lỗ hổng” tại các chung cư

Cập nhật 02/04/2018 08:45

Vụ cháy chung cư Carina Plaza (quận 8, TP Hồ Chí Minh) làm 13 người chết rạng sáng 23-3 vừa qua là hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các chung cư hiện nay. Vụ cháy cũng lộ ra nhiều "lỗ hổng" trong công tác quản lý nhà chung cư, cần được sửa đổi để bảo đảm an toàn cho cư dân.


Vụ cháy chung cư Carina bộc lộ nhiều sơ hở trong công tác PCCC tại các chung cư cao tầng tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh

Sau khi xảy ra cháy tại tòa nhà Carina Plaza, nhiều cư dân ở các chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã lo lắng lên tiếng về hệ thống phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Một cư dân sống tại chung cư EHome 3 (quận Bình Tân) cho biết người dân đang đề nghị chủ đầu tư kiểm tra lại toàn bộ hệ thống PCCC. Điều cư dân quan tâm nhất hiện nay là lối thoát hiểm và hiệu quả hoạt động của hệ thống PCCC tại chỗ.

Tại chung cư Thái An 3 và 4 (quận 12), cư dân cũng đề nghị Ban Quản lý và chủ đầu tư tổ chức kiểm tra hệ thống PCCC. Ban Quản trị chung cư Thái An 3 và 4 cũng có thông báo khuyến cáo cư dân việc đề phòng và cách xử lý khi xảy ra sự cố cháy, nổ như: Không che chắn, chèn vật cản ở các cửa chống cháy cầu thang bộ thoát hiểm; không để vật dụng lấn chiếm hành lang chung; không được hút thuốc, vứt tàn thuốc tại khu vực công cộng, đặc biệt là tầng hầm để xe; không đốt vàng mã trong căn hộ, hành lang chung…

Để bảo đảm an toàn PCCC cho người dân, hiện các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp kiểm tra, rà soát các tòa nhà cao tầng. UBND quận 1 cho biết, trên địa bàn quận hiện có hơn 80 chung cư, quận đã có công văn khẩn gửi các phường, Ban Quản lý chung cư để phối hợp kiểm tra, rà soát công tác PCCC và sẽ lần lượt kiểm tra tại thực địa trong thời gian tới.

Hiện nay, nguy cơ xảy ra cháy ở các chung cư tại TP Hồ Chí Minh khá cao, đặc biệt là ở các chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, hiện công tác quản lý chung cư còn nhiều bất cập dẫn đến công tác PCCC chưa được quan tâm đúng mức. Trong năm 2017 trên địa bàn thành phố có đến 105 chung cư xảy ra tranh chấp lớn, nhỏ giữa chủ đầu tư và cư dân, liên quan đến các vấn đề như chưa bầu Ban Quản trị, chủ đầu tư không chuyển giao phí bảo trì cho Ban Quản trị, trong đó có vận hành hệ thống PCCC…

Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị UBND thành phố cần chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban Quản trị để thực hiện chức năng quản lý nhà chung cư, giảm thiểu nguy cơ rủi ro về PCCC. Mặt khác, UBND thành phố cũng xử lý nghiêm những chủ đầu tư chưa nghiệm thu hệ thống PCCC, chưa bảo đảm an toàn đã đưa cư dân vào ở.

Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, Luật PCCC cùng các văn bản liên quan hiện đã tương đối đầy đủ, nhưng chưa liên thông với các luật khác, trong đó có Luật Xây dựng nên công tác PCCC còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, chung cư được cấp phép trong hẻm nhưng lại không bảo đảm lối thoát an toàn cho người dân khi có hỏa hoạn, không đủ đường vào cho xe chữa cháy, hoặc tải trọng mặt đường không đáp ứng cho xe chữa cháy hạng nặng… Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công an và Bộ Xây dựng để hoàn thiện bộ Tiêu chuẩn quốc gia về PCCC, nhằm bảo đảm việc PCCC được thực hiện một cách tốt nhất.

Để bảo đảm an toàn, sự hợp tác giữa chủ đầu tư với Ban Quản lý, Ban Quản trị chung cư và cư dân cũng có vai trò rất quan trọng. Khi phát huy được vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ, nếu sự cố xảy ra thì nhanh chóng xử lý, giảm tối đa thiệt hại.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới