Chưa bao giờ thâm tình giữa doanh nghiệp bất động sản với ngân hàng lại nhạt như thời gian gần đây.
Trước hết, lãi suất cho DN BĐS vay vẫn còn dao động từ mức 20-20,5%/năm, xem ra không có nhiều thay đổi. Đồng ý là ngân hàng (NH) gần đây cũng tạo điều kiện cho DN được hưởng mức lãi suất mới, hợp lý hơn nhưng để “giấc mơ” này trở thành hiện thực, DN buộc phải vay tiền nhàn rỗi để thanh toán cả gốc lẫn lãi cho khoản nợ cũ.
Sau khi hoàn tất, NH sẽ cho DN vay khoản mới, với mặt bằng lãi suất thấp hơn. Nhưng trong điều kiện “dậu đổ bìm leo” như hiện thời, “kế” này quả thực gây khó cho DN. Bởi, nếu vay nguồn bên ngoài, lãi suất thậm chí còn cao hơn NH, trong khi, các nguồn “rẻ” khác cũng đâu dễ kiếm, ai ai cũng mang tâm lý thời buổi này có tiền mặt là... ngon!
Riêng đối với trường hợp gia hạn nợ hay để không bị hạ bậc tín dụng, DN BĐS cũng phải cơ cấu lại các dự án. Họ lo mất dự án, ngại chơi với NH. Ông Đặng Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại địa ốc Thanh Bình, đặt nghi vấn, DN cũng muốn “bắt tay” với NH nhưng quan điểm về định giá tài sản của NH có thay đổi hay không?
Theo đó, năm 2007, NH định giá dự án 10 đồng, cho vay 5 đồng nhưng đến nay, định 10, cho vay chưa đến 5! Đó là quan điểm của người đi vay, còn phía NH thì cho rằng, định giá là quan hệ giữa hai chủ thể, phải đảm bảo được tính pháp lý của tài sản thế chấp, theo giá trị thực tế, theo cách kiểm định của từng tổ chức tín dụng.
Việc “cầm cố” quá nhiều dự án tại NH càng khiến DN lo lắng về khả năng bị “thâu tóm”, nhưng cũng như theo thông lệ quốc tế, NH buộc phải xử lý tài sản thế chấp nếu DN không trả được nợ, đó là quy luật của “cuộc chơi”.
Ông Vũ Anh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, nhìn nhận 4 năm trở lại đây, thị trường BĐS có vấn đề. Hiện, DN BĐS không có khả năng tạo ra việc làm cũng như đóng góp cho nền kinh tế, bởi không có thị trường nào phát triển dưới mức lãi suất cao này.
Chính vì những “ngại ngùng” như thế, để huy động nguồn tài chính duy trì hoạt động của công ty, làm tiếp các dự án dở dang hay đơn giản là để giải quyết những khoản vay cũ, DN BĐS nghĩ ngay đến việc “kết bạn” với người giàu có hơn mình để cùng nhau phát triền dự án; hoặc bán hẳn dự án cho nhà đầu tư khác, thay vì tiếp tục cầm cố dự án cho NH.
Điều này được minh chứng qua “hồ sơ” của những nhà đi “săn” dự án gần đây. Một số quỹ đầu tư mới gia nhập thị trường, muốn đổ vốn vào BĐS nhưng chưa đầy một tháng tìm tòi, trong tay họ cũng có gần 20 dự án chào hàng.
Trên thực tế, mối thâm tình giữa DN với NH lỏng hơn trước còn thể hiện ở chuyện giải quyết đầu ra cho dự án. Dù NH cũng đã tạo điều kiện cho cho người mua nhà, sửa nhà vay nhưng thực tế, lãi suất vẫn còn ở mức cao (khoảng 22%/năm).
Để kích thích đầu ra, một số DN BĐS đã “gánh” khoản này cho khách hàng nhưng cũng không ít DN lại “tự thân vận động”. Họ chủ động đưa ra bài toán cho những người có nhu cầu.
Theo đó, khách hàng sẽ thanh toán trong vòng 2,5-3 năm, chỉ cần trả trước 50-60% giá trị căn hộ, họ sẽ góp hằng tháng cho bên bán với giá trị ứng với 1m2 diện tích căn hộ... Nhiều DN còn tỏ ra đồng tình với việc, về lâu dài, Việt Nam cần có các quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm BĐS... chứ trông chờ mãi vào NH cũng không ổn.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: