Top

Làm nhà cho thuê: Chính sách ưu đãi không đủ sức hút

Cập nhật 24/05/2012 09:50

Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận, không có doanh nghiệp (DN) nào đăng ký xây dựng nhà ở cho thuê dưới dạng xã hội hóa. Hiện Hà Nội có khoảng 515 căn hộ cho thuê và 300 căn hộ thuê - mua tại Khu đô thị mới (KĐTM) Việt Hưng (Long Biên) được xây dựng bằng vốn ngân sách của thành phố.

Nhiều doanh nghiệp không mặn mà với các dự án xây nhà cho thuê.Ảnh: Bảo Đức

Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu thuê nhà tại các đô thị, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất lớn do số người lao động, học sinh, sinh viên đổ về sinh sống, học tập, làm việc không ngừng tăng. Tuy nhiên, phân khúc nhà cho thuê phù hợp với số đông người lao động lại hầu như vắng bóng trên thị trường. Nhà cho thuê hiện nay chủ yếu là dự án cao cấp, phục vụ chuyên gia nước ngoài hoặc những người có nhiều tiền. Người làm công hưởng lương bình thường buộc phải tìm cách thuê lại nhà tư với nhiều dạng, nhiều mức giá khác nhau hoặc thấp hơn là tìm cách thuê ở những xóm trọ vùng ven đô, với tiêu chuẩn sinh hoạt, an ninh trật tự không bảo đảm.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn thừa nhận, hiện chưa có DN nào đăng ký xây dựng nhà ở cho thuê mặc dù phát triển nhà ở cho thuê là một mục tiêu quan trọng của chiến lược phát triển nhà ở. Hà Nội hiện có 515 căn nhà ở xã hội cho thuê được xây dựng bằng vốn ngân sách của thành phố và 300 căn nhà ở thí điểm cho thuê - mua xây dựng bằng nguồn vốn Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội tại KĐTM Việt Hưng. Điều đáng nói là sau hơn một năm khánh thành, mới có hơn một nửa số căn hộ được bàn giao cho các hộ gia đình vào ở. Số còn lại hội đồng xét duyệt vẫn đang tiếp tục xem xét hồ sơ, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt để bố trí tiếp. Nguyên do, số lượng nhà thì ít, nhu cầu đăng ký thì nhiều nên quy chế xét duyệt thuê, thuê - mua hết sức ngặt nghèo. Tương tự, việc xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp cũng rất khó khăn. Mới có một dự án xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước tại Kim Chung (Đông Anh) đưa vào sử dụng; hai dự án xây dựng bằng vốn DN (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ và Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) đưa vào hoạt động một phần. Còn lại vẫn ở giai đoạn đăng ký, nghiên cứu quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, chấp thuận đầu tư… Trong khoảng 1,6 triệu mét vuông nhà ở đăng ký, hiện mới xây dựng được 0,5 triệu mét vuông.

Lý giải nguyên nhân DN không mặn mà với nhà ở cho thuê, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, trước đây loại hình nhà cho thuê không có chính sách ưu đãi, phải vay vốn ngân hàng nên giá cho thuê sẽ cao, trong khi quá trình thu hồi vốn kéo dài, nhiều rủi ro như người thuê nhà chây ỳ không chịu thanh toán nên DN "ngại". Bà Tô Thị Hạnh, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP Hà Nội cũng cho rằng, nếu không có sự hỗ trợ mạnh của Nhà nước về vốn, lãi suất, thuế, đất đai, chắc chắn DN sẽ không muốn đầu tư. Kể cả cơ quan cho vay vốn, cũng gặp khó khi khả năng thu hồi vốn dự án làm nhà cho thuê bấp bênh, kéo dài.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình dự thảo nghị định về phát triển và quản lý nhà ở cho thuê khu vực đô thị. Theo đó, nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư được đề xuất, gồm miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế thu nhập từ hoạt động cho thuê nhà; được vay vốn ưu đãi hoặc được bù lãi suất… Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị quy định dự án nhà ở thương mại phải dành ít nhất 15% diện tích đất để xây dựng nhà ở cho thuê. Người thuê nhà nộp tiền định kỳ theo thỏa thuận nhưng không quá một năm/lần và giá thuê nhà tăng không quá 3 năm/lần và không quá 15% giá thuê. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến ngờ vực liệu chính sách ưu đãi có đi vào thực tiễn? Nhà ở cho người thu nhập thấp là ví dụ, mặc dù được cơ chế chính sách ưu đãi nhưng số dự án được vay vốn ưu đãi không nhiều, phần lớn vẫn phải vay thương mại, chịu lãi suất thị trường. Nhiều dự án ở xa khu vực trung tâm, số người mua không lấp đầy số căn hộ.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới