Top

Lại xin ‘đất vàng’ làm bãi đỗ xe

Cập nhật 19/12/2014 08:51

Cả chục khu đất được quy hoạch làm bãi đỗ xe công cộng đều biến thành siêu thị, cao ốc. Nay lại có đơn vị muốn xin đất công viên ở Hà Nội để xây bãi đỗ xe.

Trong khi những khu đất được Hà Nội quy hoạch làm bãi đỗ xe từ năm 2003 đang bị biến tướng thành trung tâm thương mại, siêu thị… thì nhiều mảnh “đất vàng” tại các công viên vẫn tiếp tục được đề xuất dùng làm bãi đỗ xe. Gần đây nhất, khu đất rộng hơn 10.000 m2 thuộc Công viên Thống Nhất lại được một công ty nhăm nhe xin để xây bãi đỗ xe ngầm.

“Đất vàng” thành điểm rửa xe

Ngày 28-11, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội có văn bản đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép xây dựng bãi đỗ xe tại lô đất có diện tích 10.331 m2 ở số 295 Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng. Đây là lô đất nằm ở góc Công viên Thống Nhất tiếp giáp với ngã ba Lê Duẩn - Trần Nhân Tông. Năm 2009, lô đất này từng được Hà Nội cấp cho một doanh nghiệp nước ngoài để xây dựng khách sạn năm sao. Nhưng do dư luận phản đối việc xây khách sạn trong công viên nên sau đó Hà Nội đã đình chỉ dự án. Hiện lô đất được giao cho Trung tâm Giao dịch đất đai và Phát triển quỹ đất Hà Nội quản lý và đơn vị này cho thuê làm bãi giữ xe tạm, gara ô tô, điểm rửa xe…

Theo Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, khu đất trên có vị trí khá thuận lợi, đã được đầu tư một số hạng mục như cọc khoan nhồi, tường vây nên việc đầu tư điểm đỗ xe ngầm ba tầng với công suất lớn hoàn toàn khả thi. Đồng thời, việc đầu tư xây dựng còn góp phần cải tạo cảnh quan môi trường bằng cây xanh, tiểu cảnh kết hợp với các dịch vụ vui chơi giải trí hấp dẫn sẽ thu hút lượng lớn khách du lịch đến thủ đô. Tổng mức đầu tư dự án hơn 96 tỉ đồng, nếu được chấp thuận sẽ triển khai trong năm 2015 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm.

Lô “đất vàng” số 295 Lê Duẩn đang được cho thuê làm chỗ để xe tạm, nơi rửa xe… Ảnh: T.PHÚ

Ngày 12-12, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã có văn bản giao các sở, ngành kiểm tra, đề xuất, báo cáo TP trước ngày 25-12 để xem xét, quyết định.

Phải giữ không gian xanh

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Trong Công viên Thống Nhất cần có bãi đỗ xe nhưng chỉ giữ xe cho khách ra vào công viên. Vị trí này không phù hợp làm chỗ đỗ xe công cộng vì hạ tầng, đường sá quanh khu vực này rất hẹp, dễ dẫn tới ách tắc giao thông.

“Cần lưu ý là khu vực Công viên Thống Nhất từng ba lần được nghiên cứu dự án đỗ xe công cộng nhưng chưa thành công, giờ khởi động lại. Nếu xây dựng bãi đỗ xe ngầm tại khu vực này nhất định phải đảm bảo hai tiêu chí: Kết nối thuận tiện với không gian, hạ tầng xung quanh để không gây ùn tắc, đồng thời không được giảm diện tích không gian xanh công cộng mà Hà Nội đang thiếu” - ông Nghiêm nói.

Cũng theo ông Nghiêm, trong quy hoạch chung Hà Nội có đặt vấn đề di dời một số trụ sở bộ, ngành, cơ quan, cơ sở công nghiệp, y tế…, thế tại sao không nghĩ chuyện đẩy nhanh tiến độ di dời các trụ sở này để lấy đất làm bãi đỗ xe? “Ngoài ra, Hà Nội đã có quy hoạch chuyên ngành về bãi đỗ xe từ năm 2003 nhưng sau đó nhiều khu đất dành cho bãi đỗ xe lại được sử dụng với mục đích khác. Tại sao TP không giải tỏa những khu đất đó để làm bãi đỗ xe…” - ông Nghiêm đặt ra nhiều câu hỏi.

Năm 2003, Hà Nội đã có quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng đến năm 2020 gồm 34 điểm, phân bố tại bảy quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy) với tổng diện tích đất trên 205.000 m2. Tuy nhiên, đến nay nhiều khu đất dành làm bãi đỗ xe đã bị sử dụng vào mục đích khác.

Cụ thể, lô đất 2.000 m2 tại phố Tràng Thi được xác định xây bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm và nổi với diện tích sàn 8.000 m2 nay trở thành siêu thị điện máy. Lô đất 3.000 m2 ở số 16 Phan Chu Trinh (thuộc Nhà máy ô tô Ngô Gia Tự) nay biến thành cao ốc văn phòng cao cấp. Khu đất 16 Cát Linh nay trở thành văn phòng của Sở KH&ĐT TP Hà Nội. Lô đất 1.400 m2 góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài nay thành tòa nhà cho thuê. Khu đất 6 ha tại phường Gia Thụy (Long Biên) giờ trở thành trung tâm thương mại…


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP