Top

Kiểu kinh doanh kỳ lạ của Petroland!

Cập nhật 13/11/2018 10:34

Được kỳ vọng là đơn vị mũi nhọn của ngành dầu khí, phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản... thế nhưng, cách kinh doanh kỳ lạ của một số người có trách nhiệm đang khiến Petroland thua lỗ nặng.

Cơ ngơi của Petroland - ẢNH: NGUYÊN BẢO

Đầu tháng 11.2018, ông Đinh Việt Thanh, Ủy viên HĐQT của Công ty CP đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland, tọa lạc số 12 Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) đến tòa soạn Báo Thanh Niên gửi đơn tố cáo một số lãnh đạo Petroland có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Vào cuộc tìm hiểu, PV nhận thấy cách kinh doanh của Petroland trong một số thương vụ cực kỳ khó hiểu, dẫn đến thua lỗ nặng nề.

“Phá sản” dự án chung cư

Điển hình nhất là phi vụ hợp tác đầu tư xây dựng chung cư Thăng Long ở Q.9, TP.HCM. Từ năm 2007 - 2010, Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh (gọi tắt là Công ty Vũ Anh) do bà Trương Thị Tuyết Nga làm giám đốc (đang thụ án 15 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - PV) hoàn tất thủ tục xin phép đầu tư dự án chung cư cao tầng và công trình công cộng, diện tích 86.868 m2 tại P.Phước Long B, Q.9. Năm 2011, UBND TP.HCM có công văn chấp thuận đề xuất của Sở TN-MT về việc cho Công ty Vũ Anh được hợp tác đầu tư thực hiện dự án.

Tháng 8.2010, Petroland và Công ty Vũ Anh ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án trên và lấy tên là dự án chung cư Thăng Long. Ban đầu, Petroland, do Tổng giám đốc là ông Bùi Minh Chính đại diện, ký kết góp vốn đầu tư theo thỏa thuận là hơn 492 tỉ đồng/6,15 ha đất dự án. Đơn giá bao gồm chi phí liên quan đến việc đền bù, bồi thường đất, đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất ở xây dựng chung cư cao tầng, chi phí thực hiện thủ tục tách dự án hợp tác và chi phí thực hiện các thủ tục để cơ quan chức năng ra quyết định giao đất.

Theo đó, Petroland sẽ đặt cọc trước 145 tỉ đồng. Số tiền còn lại sẽ thanh toán từng đợt cho Công ty Vũ Anh theo thỏa thuận. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, Công ty Vũ Anh chưa hoàn tất thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, nghĩa vụ thuế nên hai bên thống nhất thành lập một pháp nhân, lấy tên là Công ty CP đầu tư dầu khí Thăng Long (gọi tắt Công ty Thăng Long), vốn điều lệ 500 tỉ đồng, để thực hiện dự án. Trong đó, Petroland góp 399,5 tỉ đồng (chiếm tỷ lệ 79,9%), Công ty Vũ Anh góp 100 tỉ đồng (tương ứng 20%) và 0,1% còn lại của bà Đ.T.M.L.

Tháng 1.2011, các bên ký hợp đồng phụ lục số 1, thay đổi tổng diện tích dự án hợp tác từ 6,15 ha xuống còn khoảng 6,06 ha và thay đổi tiến độ góp vốn thực hiện dự án. Ngày 30.6.2011, các bên lại ký kết phụ lục số 2, thay đổi tiến độ/lộ trình hợp tác và tiến độ góp vốn. Quá trình thực hiện dự án, do có khó khăn về tài chính nên Công ty Thăng Long không tiếp tục triển khai như tiến độ đề ra. Theo đó, năm 2016, Công ty Vũ Anh, bà L. ủy quyền cho Petroland đại diện thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Công ty Thăng Long cho đối tác khác. Điều đáng nói, tính đến thời điểm chuyển nhượng cổ phần, chỉ có Petroland góp vốn hơn 350,5 tỉ đồng/399,5 tỉ đồng và bà L. đã hoàn thành nghĩa vụ vốn góp; còn Công ty Vũ Anh chưa thực hiện nghĩa vụ góp vốn tại Công ty Thăng Long, đồng thời cũng chưa thực hiện nghĩa vụ ngân sách đối với khu đất dự án theo hợp đồng hợp tác đầu tư giữa các bên.

Nộp trăm tỉ “giùm” đối tác?!

Ngày 9.9.2016, đơn vị thẩm định giá trị tài sản xác định chung cư Thăng Long có giá trị 514,693 tỉ đồng. Trên cơ sở này, qua nhiều lần đàm phán, ngày 1.11.2016, Công ty Thăng Long (đại diện là ông Bùi Minh Chính) chuyển nhượng 100% cổ phần của tất cả các cổ đông cho Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh (gọi tắt Công ty Đất Xanh) ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM).

Giá chuyển nhượng hơn 563,6 tỉ đồng, trên cơ sở hai bên tự xác định diện tích dự án là 62.628,7 m2 x 9 triệu đồng/m2 (tương ứng 11.273 đồng/cổ phần) và được chia thành 3 đợt thanh toán. Cũng trong ngày này, HĐQT Petroland có nghị quyết chấp thuận và ủy quyền cho ông Chính ký hợp đồng thoái toàn bộ phần vốn góp của Petroland tại Công ty Thăng Long, giá chuyển nhượng khoảng 450,4 tỉ đồng (79,9% vốn góp).

Dự án chung cư Q.9 Petroland hợp tác đầu tư chuyển nhượng cho đối tác khác

Nhưng đến ngày 19.4.2017, căn cứ vào bản vẽ hiện trạng vị trí do một công ty đo đạc lập ngày 11.4.2017, Công ty Thăng Long và Công ty Đất Xanh ký phụ lục 01, điều chỉnh diện tích đất để thực hiện dự án từ 62.628,7 m2 xuống 60.707,2 m2; giá trị chuyển nhượng giảm từ hơn 563,6 tỉ đồng xuống còn hơn 546,3 tỉ đồng, tương ứng giá trị 1 cổ phần của Công ty Thăng Long bị giảm từ 11.273 đồng xuống 10.927 đồng.

Trong đó, giá chuyển nhượng 19.950 triệu cổ phần (chiếm 39,9% vốn điều lệ) của Petroland trong Công ty Thăng Long tiếp tục giảm từ 10.927 đồng/cổ phần xuống còn 10.580 đồng/cổ phần. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá trị như trên vẫn đang là dấu hỏi đối với nhiều người ở Petroland.

Đến tháng 8.2018, Công ty Đất Xanh đã thanh toán cho Petroland hơn 91,3% giá trị chuyển nhượng, tương ứng 499 tỉ đồng/546,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, từ yêu cầu của Công ty Đất Xanh, Petroland chuyển vào Công ty Thăng Long (nay là của Công ty Đất Xanh - PV) 147 tỉ đồng để thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, mà đúng ra nghĩa vụ này phải do Công ty Vũ Anh thực hiện. Vì vậy, số tiền chuyển nhượng cổ phần Công ty Thăng Long do Petroland đứng ra nhận chỉ là 352 tỉ đồng.

Chưa hết, khi còn một đợt thanh toán cuối cùng gần 47,3 tỉ đồng, do phát sinh khiếu nại của 2 cá nhân liên quan đến thỏa thuận đền bù giải phóng mặt bằng với giá trị 28,5 tỉ đồng, ngày 2.8.2018, Công ty Đất Xanh có văn bản tự động trích 28,5 tỉ đồng/số tiền thanh toán còn lại của hợp đồng chuyển nhượng để trả cho 2 cá nhân khiếu nại...

Sau khi trừ các khoản, tính ra giá trị chuyển nhượng dự án chỉ còn hơn 370 tỉ đồng, giảm hơn 170 tỉ đồng so với giá trị xác lập ban đầu (hơn 546,3 tỉ đồng) và so với vốn điều lệ (500 tỉ đồng) còn thấp hơn gần 130 tỉ đồng! Trong khi đó, như đã nói ở trên, trước khi chuyển nhượng mới chỉ có Petroland góp 350,5 tỉ đồng/399,5 tỉ đồng (79,9%) và bà L. góp đủ vốn (0,1%) vào vốn điều lệ 500 tỉ đồng; Công ty Vũ Anh chưa góp đồng nào. Nay có thu hồi theo tỷ lệ góp vốn thì Petroland cũng đã lỗ hàng chục tỉ đồng so với số tiền thực chi ra đầu tư.

Ngoài dự án chung cư ở Q.9, một số lãnh đạo Petroland còn ký nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh, tư vấn môi giới với những điều khoản “khó hiểu” dẫn đến thua lỗ nặng. (còn tiếp)

Petroland được thành lập từ năm 2007 trên cơ sở chuyển đổi từ Ban Quản lý dự án công trình xây dựng phía nam của Tập đoàn dầu khí VN, với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trụ sở tại 12 Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7. Trong đó, Tổng công ty CP xây lắp dầu khí VN (PVC) có 36,01% cổ phần, Tổng công ty dầu VN 9%, số cổ phần còn lại của nhà đầu tư. Cả hai cổ đông này đều là công ty nhà nước nắm quyền chi phối, gồm Tổng công ty dầu là đơn vị 100% vốn nhà nước, còn PVC có 54,45% vốn nhà nước.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên