Để cứu thị trường bất động sản (BĐS), còn một nguồn vốn khác từ ngân sách thông qua các khoản hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở. Đây được coi là liều thuốc tăng trọng cần thiết để chống suy kiệt trước cuộc khủng hoảng kéo dài.
Đầu tuần, ngồi uống café sáng với một doanh nhân ngành thép, tôi hỏi: "Dạo này bác mần ăn ra răng"? Anh trả lời: "Gay lắm chú à, đang lo đảo nợ, nếu không thành chắc chết!". Làm ăn như doanh nghiệp đó, chắc như cua gạch, trường vốn như vậy mà vẫn lâm vào cảnh nợ nần. Đời có ai học hết được chữ ngờ.
Chốn thương trường, các đại gia, tiểu gia không ai không biết đến anh. Trưởng thành từ đại lý sắt thép, có vốn rồi mở rộng ra, vươn dài mạng lưới phân phối từ trong tỉnh ra ngoài tỉnh, rồi chiếm lĩnh già nửa thị phần sắt thép phía Bắc. Có vốn, anh "ôm" hàng vào thời ế ẩm, đến mùa xây dựng, cứ thế cung cấp vật tư đến tận chân công trình. Trừ một vài khoản nợ khó đòi, chung quy công ty gia đình ấy vẫn thu lãi đều.
Thời phát triển nóng của thị trường nhà đất, hàng bán chạy, không có nợ đọng mức lãi ròng có thể là dăm, mười phần trăm. Thời suy trầm, hàng bán chậm mức lãi thấp hơn, nhưng lỗ thì không. Bởi ở một nước đang phát triển như xứ ta, sắt thép là mặt hàng không ôi thiu, không ế ẩm, chưa bán thì trữ ở kho của nhà. Có đọng vốn tý nhưng không lỗ, bởi anh kinh doanh bằng vốn tự có là chính, thi thoảng cần kíp các khoản nóng mới phải gõ cửa nhà băng. Khi khoản tích luỹ đã kha khá, tới vài ngàn tỷ đồng, anh bắt đầu xây dựng nhà máy sản xuất phôi thép để khép kín cái quy trình từ sản xuất đến lưu thông. Với những bước đi chắc chắn ấy, ai cũng tin rằng anh đang sở hữu một cỗ máy in tiền. Dòng tiền cứ thế chảy đều chỉ có điều là chảy với tốc độ nào.
Thế nhưng, khi thị trường bất động sản đông lạnh kéo dài, hàng không bán được, tồn kho quá lớn. Với hàng trăm công nhân đều là những người có nguồn gốc nông dân, tự nguyện gắn bó với doanh nghiệp lâu dài. Hơn thế, muốn giữ bộ máy, dẫu khó khăn anh không nỡ sa thải họ. Để có tiền trả lương, không có cách nào khác phải vay vốn ngân hàng.
Nhưng rồi, thời gian thấm thoắt thoi đưa, hết năm này rồi năm sau mà thị trường vẫn đóng băng. Hàng chất đầy kho nhưng két vẫn rỗng tiền. Nợ ngân hàng đến hạn mà không thấy khoản tiền nào về. Để khỏi phải chuyển sang nợ quá hạn, không có cách nào khác phải đảo nợ.
Chuyện của anh bạn tôi không phải là hoàn cảnh cá biệt. Hàng ngàn doanh nhân ở trong lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong vật liệu xây liệu xây dựng đang sống dở chết dở vì hàng hoá ứ đọng do thị trường bất động sản đóng băng kéo dài.
Một điều nghịch lý là, trong khi hàng triệu người dân đô thị vẫn sống chen chúc trong những căn hộ chật chội, hàng trăm ngàn cặp gia đình trẻ vẫn phải đi thuê những căn hộ tạm bợ thì thị trường nhà đất vẫn ế ẩm. Kèm theo đó là thị trường vật liệu xây dựng bị dồn ứ với mức tồn đọng ngày càng cao. Chưa hết, hàng ngàn doanh nghiệp xây lắp không có việc làm hoặc việc làm cầm chừng, kèm theo đó là hàng chục ngàn lao động mất việc.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, hiện tượng này chỉ có ở xứ ta, bởi chính sách khắt khe với thị trường bất động sản. Theo ông Thành, nếu như ở Mỹ hay châu Âu, chỉ cần người dân có việc làm ổn định là đã có thể mua được nhà trả trả góp. Với số vốn trả trước chỉ khoảng vài ba chục phần trăm, phần còn lại có thể trả góp trong 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn.
Còn ở ta, người dân muốn mua nhà không những phải trả tiền hết 100% bằng tiền mặt, thậm chí còn phải trả trước. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chỉ cần có dự án, bơm móng là đã có thể bán nhà trên giấy, thu tiền của người mua để rồi giao nhà sau đó một vài năm.
Giải thích hiện tượng này, các chuyên gia kinh tế lập luận, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có nguồn gốc từ hiện tượng bong bóng bất động sản ở Mỹ. Có lẽ vì quá lo sợ bởi hiện tượng này, những chính sách khắc nghiệt được áp lên thị trường đã dẫn đến sự đông cứng kéo dài. Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản phải "ngồi chơi xơi nước" ngậm ngùi nhìn đống tài sản mình bốc hơi theo những khoản lãi phải trả hàng tháng.
Một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho hay, hiện hệ thống ngân hàng đang thừa vốn khả dụng khoảng 25.000 tỷ đồng. Thế nhưng, để giải ngân được còn phải chờ các giải pháp của Chính phủ. Với các doanh nghiệp đang có nợ quá hạn, nợ xấu, theo luật tín dụng là không thể tiếp tục cho vay. Vậy mới có cảnh các ngân hàng thương mại ôm đống tiền không thể cho vay, còn các doanh nghiệp thì đôn đáo tìm cách lách luật, đảo nợ, nếu không thành đành phải nằm chờ chết.
Trước thực trạng này, nhằm mở rộng kênh vốn vào thị trường bất động sản, Chính phủ đã có những giải pháp chỉ đạo điều hành tháo gỡ những bế tắc. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 2056 ngày 11/04/2012 chỉ đạo các tổ chức tín dụng về cho vay, với những chính sách thoáng thông hơn với bất động sản. Một doanh nhân kinh doanh bất động sản đánh giá, đây được coi là liều thuốc sơ cứu để thị trường không chết, chứ chưa thể hồi phục bởi bệnh tình của thị trường nhà đất đã rất nguy kịch.
Ngay như chính sách cho vay với người dân có nhu cầu mua nhà thì người dân vẫn phải chịu lãi vay thương mại thông thường, mà mức lãi ấy là quá cao (trên 12%/năm). Nếu đem số tiền phải trả lãi vay hàng tháng so với tiền thuê nhà để ở thì người dân vẫn khó chọn cách vay vốn. Có thể nói, với chính sách nhà ở với người dân, hiện nay nhà nước vẫn đứng ngoài cuộc.
Gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng của Chính phủ cũng chỉ dừng lại ở chỗ giảm thuế thu nhập cho một số đối tượng, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản... còn các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản không thuộc đối tượng này.
Ông Trần Minh Hoàng, chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland, cho rằng các chính sách phá băng bất động sản đợt này là khá mạnh mẽ, mà một trong những nội dung quan trọng nhất là cho các ngân hàng được cơ cấu lại nợ cũ; cho các doanh nghiệp bất động sản được gia hạn nợ hoặc được đảo nợ đến hạn để cầm cự trong giai đoạn khó khăn. Đây đúng là liều thuốc cấp cứu cần thiết bởi nhu cầu đảo nợ của doanh nghiệp là rất lớn và là cách duy nhất nhằm tìm cách giải quyết các khoản nợ quá hạn.
Với các nước đang phát triển, thị trường bất động sản là non nửa nền kinh tế. Điều này cũng phù hợp với thực tiễn Việt Nam bởi già nửa thu nhập của người dân là để dành nhằm tậu cho mình một căn nhà. Thị trường này đóng băng kéo theo là sự trì trệ của các ngành sản xuất liên quan, sâu xa hơn là sự suy trầm của cả nền kinh tế.
Những giải pháp vừa qua chỉ mang tính chất ngắn hạn. Về lâu dài, để giải quyết vấn đề về vốn cho thị trường bất động sản, không thể chỉ dựa vào vốn từ các ngân hàng thương mại. Cùng với nguồn vốn dài hạn trên thị trường chứng khoán, còn một nguồn vốn khác từ ngân sách Nhà nước thông qua các khoản hỗ trợ lãi suất cho vay mua nhà ở.
Đây được coi là liều thuốc tăng trọng cần thiết để chống suy kiệt trước một cuộc khủng hoảng kéo dài. Hơn thế, vấn đề nhà đất không thuần tuý là chính sách kinh tế mà còn là một chính sách xã hội mà bất cứ một nhà nước tiến bộ nào đều không thể bỏ qua.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐKTVN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: