Top

Rủi ro khi mua nhà xây lụi:

Không mạo hiểm mua

Cập nhật 05/07/2012 13:40

Pháp luật rất đầy đủ, thanh tra xây dựng các cấp cũng đã có nên không lý gì để nhà xây lụi tồn tại.

Trên các số trước chúng tôi nêu thực trạng tại các vùng ven TP.HCM tồn tại hàng loạt khu nhà xây lụi trên đất nông nghiệp mà cả người mua lẫn người bán đều biết rất rõ nó có thể bị chính quyền đập bỏ bất cứ lúc nào. Thực tế là đã nhiều lần Nhà nước xem xét, cho những căn nhà xây lụi tồn tại, cùng với đó là sự lơi lỏng của chính quyền, của tình trạng dự án treo, của nhu cầu bức bách về chốn nương thân nên nhà lụi khó chấm dứt triệt để.

Ông Đỗ Phi Hùng, PGĐ Sở Xây dựng TP.HCM, không đồng tình chuyện liên tục “tha” nhà xây lụi. Ông cũng khuyên người dân không nên mua nhà theo lời của "đầu nậu" hoặc hy vọng sẽ có thay đổi quy hoạch, chính sách...

* Phóng viên: Thưa ông, nhà xây lụi ở các quận, huyện ngoại thành vẫn còn mọc và vẫn còn người “liều” mua vì họ bức bách về chỗ ở. Liệu người mua có quá mạo hiểm không?

+ Ông Đỗ Phi Hùng, PGĐ Sở Xây dựng TP (ảnh): Nhu cầu của người dân về chỗ ở là có thật. Trong hoàn cảnh ít tiền, không đủ mua nhà hợp pháp, một số người đã liều mua những căn nhà, mảnh đất giá rẻ vừa túi tiền dù đó là nhà vi phạm xây dựng. Khả năng bị mất trắng tài sản trong trường hợp này là rất cao vì nhà xây không phép phải bị tháo dỡ khi bị xử lý. Vì vậy, dù nhu cầu về chỗ ở có cấp thiết, bức xúc người dân cũng đừng lựa chọn con đường này. Số tiền mua căn nhà tuy không lớn nhưng là một gia tài, có khi là toàn bộ gia sản đối với họ thì càng phải thận trọng. Khi mua nhà phải tìm hiểu kỹ, cảnh giác với những lời hứa hẹn về việc sẽ được hợp thức hóa. Khi căn nhà phải bị tháo dỡ, “đầu nậu” sẽ bỏ chạy còn người mua thì lãnh hậu quả. Hiện nay, pháp luật không có quy định cứu xét cho những trường hợp này nữa.

Tha hoài sẽ tạo tiền lệ xấu

* Nhiều người mua nhà xây lụi hoặc xây dựng không phép hy vọng: Cứ mua ở liều, dần dần chính sách Nhà nước cũng sẽ chiếu cố, cho nhà được tồn tại hoặc được hợp thức hóa. Điển hình là đã có hai lần nhà vi phạm xây dựng được tha. Ông nghĩ sao?

+ Người dân đừng hy vọng pháp luật nương tay mà chấp nhận mua nhà vi phạm pháp luật hoặc nhà xây dựng không phép. Pháp luật càng ngày phải càng nghiêm minh, quy hoạch cần phải được bảo vệ, trật tự xây dựng phải ngày càng chặt chẽ. Tôi không ủng hộ chủ trương cứ nương tay mà lùi thời điểm thực hiện pháp luật. Điều đó gây tình trạng “lờn luật”, vô hiệu hóa các quy định pháp luật đã ban hành trước đó, tạo tiền lệ xấu trong người dân là cứ vi phạm rồi cũng được tha.

Trước đây, khi pháp luật và đội ngũ quản lý xây dựng còn thiếu, trật tự xây dựng còn lộn xộn thì còn có lý để tha nhà vi phạm. Hiện nay pháp luật trong lĩnh vực này rất đầy đủ, lực lượng thanh tra xây dựng các cấp cũng đã được thành lập (từ năm 2007) thì không có lý gì để giải quyết cho nhà xây lụi nữa.

Một dãy nhà xây lụi mà chính quyền rất khó xử lý. Ảnh: AN

* Nhưng một lý do không nhỏ là có sự buông lỏng, thậm chí sai phạm của địa phương nên mới có cơ hội cho nhà xây lụi mọc lên. Có "đầu nậu" còn làm đủ kiểu để làm được giấy chứng nhận nên người mua xây lụi tin tưởng…

+ Quả thật có sự buông lỏng, không quyết liệt ngăn chặn ngay từ đầu của địa phương thì mới có nhà xây không phép, sai phép. Nếu địa phương báo cáo không biết thì tôi cũng không tin. Cán bộ địa phương nào mà nói rằng không biết, không quản lý được thì có lẽ cũng cần tính toán lại để bố trí người có năng lực, sâu sát hơn thực hiện nhiệm vụ này. Tôi cho rằng cần phải siết chặt việc quản lý trật tự xây dựng thì mới mong chấm dứt tình trạng nhà vi phạm xây dựng. Quan trọng nhất là phải ngăn chặn, xử lý quyết liệt ngay từ đầu. Đừng để công trình hoàn thành, chuyển nhượng, đưa người vào ở và kéo dài nhiều năm sẽ khó xử lý vô cùng. Muốn không rơi vào tình thế khó xử lý, tốt nhất đừng để nó xảy ra.

Địa phương phải chủ động trong quy hoạch

* Việc quy hoạch treo kéo dài nhiều năm không triển khai, không điều chỉnh cũng là một yếu tố, một nguyên nhân dẫn đến người dân xây nhà không phép?

+ Cũng không hẳn như vậy. Bản thân quy hoạch phải mang tính định hướng chứ không phải thực hiện ngay. Do đó không có quy hoạch treo mà chỉ có dự án treo. Quy hoạch xuất phát từ nhu cầu của địa phương nhằm phát triển đô thị văn minh, bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, điều cần thiết là trong quá trình thực hiện, địa phương phải đánh giá lại nhu cầu này có phù hợp, khả thi nữa hay không? Nếu không thì phải điều chỉnh quy hoạch.

Ngoài ra, việc thực hiện quy hoạch cần có lộ trình, phân kỳ. Trong từng phân kỳ đó, có những chính sách thích hợp về những quyền lợi cho người dân sống trong vùng đất bị quy hoạch. Đừng quy hoạch là đóng cửa hết tất cả. Quy hoạch mà không biết khi nào mới thực hiện sẽ gây khó khăn và bất an cho người dân. Ngoài ra, quy hoạch cũng cần được công khai để người dân nào cũng biết.

Tôi nghĩ nếu làm tốt điều này (công tác quy hoạch), cộng thêm việc quản lý chặt chẽ về trật tự xây dựng thì nhu cầu người dân cũng được đáp ứng phần nào mà tình trạng nhà xây không phép cũng sẽ không phát triển được.

* Hiện nhu cầu về chỗ ở của người dân rất lớn trong khi nhà ở hợp pháp đắt đỏ nên họ tìm đến nhà xây lụi? Giải pháp nào giải quyết triệt để tình trạng này, thưa ông?

+ Hiện Nhà nước có chủ trương xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, chính sách chưa thu hút các nhà đầu tư nên quỹ nhà dạng này còn hạn chế. Vì thế cần nghiên cứu đẩy mạnh chương trình này, đặc biệt có những chính sách để hấp dẫn nhà đầu tư vào mảng nhà dành cho người thu nhập thấp.

* Xin cảm ơn ông.

Hai lần nhà không phép, sai phép được “đặc xá”

- Năm 2005, Thủ tướng có QĐ 39 quy định nhà vi phạm xây dựng trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực) được tồn tại. Theo đó, nếu công trình vi phạm mà phù hợp quy hoạch thì được tồn tại luôn và được xem xét cấp chủ quyền. Còn trường hợp vi phạm xây dựng mà không phù hợp quy hoạch thì được tạm tồn tại cho đến khi thực hiện quy hoạch phải tháo dỡ. Sau đó, TP ban hành QĐ 207 để triển khai thực hiện quyết định trên.

Có khoảng 38.000 trường hợp vi phạm được cho phép tồn tại khi thực hiện QĐ 39. Khoảng 11.000 trường hợp xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1-7-2004 thì neo lại.

- Năm 2009, Thông tư 24 của Bộ Xây dựng cho nhà vi phạm xây dựng sau ngày 1-7-2004 nhưng trước ngày 1-5-2009 (ngày NĐ 23 có hiệu lực) được tồn tại. Nhà vi phạm sau ngày 1-5-2009 phải tháo dỡ.



DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP