Vừa qua, UBND TPHCM ban hành quyết định về sửa đổi, bổ sung quy chế cho vay đối với chủ trọ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho CN thuê. Tuy nhiên, dù lãi suất ưu đãi hơn nhưng chủ trọ vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn.
Chủ trọ không “mặn mà” với nguồn vốn hỗ trợ xây, sửa nhà trọ, NLĐ đành chấp nhận sống trong những phòng trọ chật chội, nhếch nhác.
|
Khó lòng đạt tiêu chuẩn “nhà trọ CN”
Theo thống kê của Ban quản lý các KCX-KCN TPHCM, trong số 268.000 LĐ đang làm việc tại các KCN-KCX của TP thì có 65% là người nhập cư cần có nhu cầu thuê trọ. Trong khi nhà lưu trú cho CN chỉ đáp ứng được khoảng 10.000 chỗ, như vậy còn 164.000 LĐ phải thuê trong dân.
Tuy nhiên, 90% tổng số nhà trọ cho thuê đều nhếch nhác, không đảm bảo quy định. Có nơi là căn gác được ngăn thành phòng bởi tấm màn mỏng, nơi là căn phòng cấp 4 xuống cấp, ẩm thấp... Thậm chí, ở khu vực vùng ven như Bình Chánh, Vĩnh Lộc, CN thuê ở trong những căn nhà lá xập xệ... Phòng trọ trong dân phát triển tự phát và không được đầu tư đúng mức, dù vậy NLĐ vẫn chấp nhận thuê vì giá rẻ.
Theo Quyết định số 18/2011/QĐ-UB của UBND TP, ngày 5.5.2011, Quỹ Phát triển nhà ở TP triển khai chương trình cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà trọ cho CN thuê để ở. Nhưng cho đến nay, chưa có cá nhân, hộ gia đình nào vay được vốn.
Theo báo cáo của Quỹ Phát triển nhà ở TP thì một trong những lý do các quận, huyện đưa ra là do “vướng” phải Quyết định Số 75/2006/QĐ-UBND về quy chế quản lý nhà cho CN, NLĐ thuê để ở. Quyết định 75 đặt ra quá nhiều yêu cầu khó thực hiện như: Diện tích bình quân đầu người ở nhà trọ phải đạt 3m2/người (không tính diện tích nhà vệ sinh và phần sinh hoạt chung).
Nhà từ 10 phòng trở lên phải có diện tích cây xanh hoặc khoảng trống tại khu nhà cho thuê, tối thiểu 1,5m2/người. Diện tích mỗi phòng ít nhất 9m2 (không tính tường xây, gác lửng). Phải tránh xa nơi phát sinh tiếng ồn lớn ít nhất 100m. Khu nhà có trên 20 người sử dụng phải có ý kiến thẩm định của cơ quan phòng cháy chữa cháy...
Bà Kim Dung - hộ kinh doanh nhà trọ cho CN thuê ở phường Tân Tạo A, quận Bình Tân - một trong số ít người có nhu cầu vay vốn - phân trần, hồ sơ xin vay vốn sửa nhà trọ của bà bị trả lại vì không đáp ứng đúng theo yêu cầu theo Quyết định 75. Theo bà thì dãy trọ của bà khó lòng mà đáp ứng nổi các điều kiện này, đành chấp nhận giữ nguyên nhà trọ như cũ.
Điều chỉnh lãi suất vay: Liệu có cải thiện tình hình?
Vừa qua, Hội đồng Quản lý Quỹ Phát triển nhà ở được UBND TP giao quyết định khung lãi suất cho vay theo nguyên tắc: Mức lãi suất cho vay được tính bằng bình quân lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng trả lãi sau (mức tối đa) của 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TP, cộng phí quản lý 1,5%/năm.
Như vậy, so với mức lãi suất 16,2% như trước, lãi suất vay vốn xây nhà trọ cho CN thuê đã được điều chỉnh thấp hơn, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người vay. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tấn Định - Phó trưởng ban Quản lý các KCX, KCN TPHCM - thì dù có điều chỉnh lãi suất thấp hơn thì các chủ trọ vẫn khó lòng tiếp xúc với nguồn vốn, hoặc họ cũng sẽ không mặn mà vì Quyết định số 75/2006/QĐ-UBND vẫn còn đó, hơn nữa nếu phải đảm bảo đủ các “chuẩn” này thì chi phí sẽ đội lên rất cao, chủ nhà trọ buộc phải tăng tiền trọ và như vậy CN liệu có phải là đối tượng có thể ở được?
Mặt khác, các hộ dân nếu được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà trọ thì sẽ cam kết không tăng giá phòng trọ trong khi hằng tháng họ vẫn phải trả lãi suất vay vốn...
Khảo sát một số khu trọ dành cho CN tại các KCN-KCX của TP, không chỉ chủ trọ mà cả CN vẫn bằng lòng với chỗ ở của mình. Chị T.N.Phượng - CN KCX Linh Trung, ở 2 năm tại xóm trọ hẻm 120 quốc lộ 1K, Linh Xuân - cho biết: “Chỗ trọ sạch sẽ, an toàn ai chẳng thích, nhưng lương thấp sao dám đòi hỏi. Nhiều lần chuyển chỗ trọ vì muốn tiết kiệm được vài chục ngàn đồng/tháng tụi em cũng chuyển mặc dù qua chỗ mới có chật chội, nhếch nhác hơn”.
Để NLĐ được hưởng những quyền lợi từ chính sách hỗ trợ chủ trọ vay vốn xây nhà trọ, ông Nguyễn Tấn Định phân tích, trong khi các DN, tổ chức lại được Nhà nước hỗ trợ 100% vốn để xây nhà lưu trú cho CN, các hộ gia đình vẫn trả lãi suất thì đó là một điều bất hợp lý.
Hơn nữa, nên dãn quy định cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng có nhu cầu. Kèm theo đó, TP phải có biện pháp tác động đến những hộ kinh doanh nhà trọ cho thuê quá nhếch nhác thì buộc phải sửa chữa. Còn đối với trường hợp vay xây mới thì tuyệt đối đảm bảo các tiêu chí của Quyết định 75.
Theo báo cáo của Quỹ Phát triển nhà ở TP thì kể từ khi triển khai, có 38 cá nhân đến nhận hồ sơ vay vốn nhưng chỉ có 2 trường hợp nộp lại hồ sơ cho quỹ để xin vay, nhưng 2 hồ sơ này lại không đảm bảo điều kiện cho vay. br>
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: