Top

Hạ tầng lưới điện tại các dự án nhà ở

Không bắt buộc chủ đầu tư bàn giao

Cập nhật 22/07/2016 09:45

Nhiều chủ đầu tư kinh doanh BĐS thực hiện dự án nhà ở phản ánh ngành điện đã làm khó khi tiếp nhận bàn giao hệ thống điện. Theo đó, chủ đầu tư bỏ tiền đầu tư hệ thống điện, nhưng ngành điện hạch toán vào tài sản của mình… ĐTTC đã trao đổi với ông PHẠM QUỐC BẢO (ảnh), Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TPHCM, về một số nội dung liên quan.


* Thưa ông, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện tại các dự án nhà ở thuộc trách nhiệm chủ đầu tư hay ngành điện?

Ông PHẠM QUỐC BẢO: - Tại Khoản 3, Điều 13, Luật Kinh doanh BĐS 2014, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án BĐS “chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực; trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà, công trình xây dựng đó”.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3, Điều 17 của Nghị định 11 ngày 14-1-2013 về quản lý đầu tư phát triển đô thị, nghĩa vụ của chủ đầu tư cấp 1 là “đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt”.

Căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước và phê duyệt dự án của cấp thẩm quyền, việc đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật đi kèm (trong đó có hệ thống cấp điện) đối với các dự án kinh doanh BĐS là trách nhiệm của chủ đầu tư. Ngành điện chịu trách nhiệm cấp điện đến chân hàng rào công trình theo quy định của Luật Điện lực. Như vậy, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống điện của dự án đó do chủ đầu tư thực hiện. Để làm rõ hơn việc này, ngành điện đã yêu cầu bên pháp chế nghiên cứu kỹ, còn những vướng mắc nào tháo gỡ tiếp. Hầu hết dự án BĐS thương mại là đầu tư cao cấp, bán với giá cao cấp. Vì vậy việc đầu tư cho hệ thống điện cũng cao hơn chuẩn bình thường. Còn những dự án nhà ở xã hội, chung cư phục vụ người thu nhập thấp ngành điện đầu tư toàn bộ.

* Nhưng khi thực hiện bàn giao, nhiều chủ đầu tư phản ánh gặp khó khăn mặc dù tiền của họ bỏ ra đầu tư?

- Theo quy định của Tổng công ty Điện lực TPHCM, hồ sơ và thủ tục bàn giao các công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư bao gồm văn bản của chủ đầu tư đề nghị bàn giao tài sản công trình điện cho ngành điện quản lý và không bồi hoàn kinh phí đầu tư, hồ sơ thiết kế hoặc hồ sơ hoàn công (nếu có). Thời gian tiếp nhận tài sản công trình điện do chủ đầu tư đề nghị bàn giao không quá 4 ngày, từ thời điểm khảo sát hiện trạng công trình điện theo đề nghị của chủ đầu tư, đến khi hoàn tất việc ký biên bản tiếp nhận và bàn giao tài sản. Thực ra, trước  khi ban hành quy định này, Tổng công ty Điện lực TPHCM đã tổ chức hội thảo để lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Chúng tôi ban hành quy trình, thời gian tiếp nhận trên cơ sở đóng góp ý kiến từ các doanh nghiệp.

Việc bàn giao tài sản lưới điện giữa chủ đầu tư với ngành điện là không bắt buộc. Chủ đầu tư BĐS có thể giữ lại hệ thống điện để vận hành và cung cấp điện cho dự án, kinh doanh trên cơ sở đảm bảo các quy định hiện hành của Nhà nước về các điều kiện kinh doanh điện năng và an toàn điện.
 

Đối với việc doanh nghiệp phản ánh có tiêu cực trong công tác tiếp nhận bàn giao lưới điện, chúng tôi rất mong nhận được sự phản ánh trực tiếp, cụ thể đối với các trường hợp nhân viên điện lực gây khó khăn trong công tác tiếp nhận, để kịp thời kiểm tra và xử lý. Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm khắc các hiện tượng tiêu cực nói trên. Đề nghị các chủ đầu tư hoặc khách hàng có thể phản ánh trực tiếp 24/24 giờ và 7 ngày trong tuần, qua số Tổng đài 1900.545454. Còn việc chủ đầu tư bàn giao công trình điện cho ngành điện quản lý vì dự án đã bán cho khách hàng, họ không muốn dây dưa nữa. Và khi bàn giao phải hạch toán tăng tài sản riêng để bảo trì, duy tu phần chủ đầu tư đã bàn giao. Về tình trạng một vài nơi khi nghiệm thu thường khoán cho nhà thầu làm nên thường xảy ra việc một số tiêu chuẩn kỹ thuật không đáp ứng phải làm lại, dẫn đến sự chậm trễ. Để tránh tình trạng này, chúng tôi giao cho các đơn vị chuyên môn tham gia với chủ đầu tư ngay từ đầu về hồ sơ thiết kế, giám sát…

* Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống điện là tài sản của doanh nghiệp BĐS bàn giao miễn phí cho ngành điện, nhưng trên sổ sách lại được ghi nhận là tài sản của điện lực. Vậy số tiền này có bị các công ty điện lực lấy lại của Nhà nước hay không?

- Theo Văn bản 83/TB-UB-KT ngày 25-9-1995 của UBND TPHCM về việc cung cấp điện cho các khu nhà ở tập thể, khu dân cư xây dựng mới, Tổng công ty Điện lực TP chịu trách nhiệm nhận bàn giao các công trình điện chủ đầu tư đã hoàn chỉnh mạng điện hạ thế theo tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện, nhằm góp phần giảm tổn thất về điện; đồng thời có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa từ nguồn trích khấu hao hàng năm theo quy định. Ngoài ra, theo Văn bản 9072/BCT-TCT ngày 12-7-2010 của Bộ Tài chính, ngành điện tiếp nhận phần giá trị tài sản lưới điện trung áp và hạ áp nhưng không phải hoàn trả cho chủ đầu tư, phần hạch toán tăng tài sản và tăng vốn ngân sách nhà nước, phải trích khấu hao và giá trị khấu hao của tài sản bàn giao này phải được sử dụng để tái đầu tư các công trình điện. Ngành điện đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ Tài chính. Như vậy sau khi nhận bàn giao, ngành điện có trách nhiệm bảo quản, duy tu sửa chữa… không phải nhận bàn giao rồi để đó.

* Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư