Nhằm vực dậy thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đã đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó sẽ tập trung "khơi thông" đầu ra vốn bị "đóng băng" trong hơn năm qua.
Với sự nỗ lực của các DN, cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, thị trường bất động sản sẽ có hy vọng khởi sắc trong năm 2013. Ảnh: Minh Nguyễn |
Trong 6 nhóm giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra, thì nhóm giải pháp về tín dụng được coi là "xương sống" để vực dậy thị trường BĐS. Cụ thể, Bộ đề xuất kết hợp giải quyết nợ xấu với việc kích thích thị trường BĐS bằng cách hình thành các gói tín dụng trung, dài hạn lãi suất phù hợp cho người mua nhà để hỗ trợ đầu ra cho thị trường. Phân tích về giải pháp này, Bộ Xây dựng cho rằng, giải quyết nợ xấu bằng việc phục hồi, phát triển thị trường là cách làm ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả, bảo đảm lợi ích các bên liên quan.
Giải pháp cụ thể do Ngân hàng Nhà nước quyết định, song cần quan tâm đến xử lý hàng tồn kho, ưu tiên các khoản nợ có bảo lãnh bằng BĐS; chỉ đạo ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục mở van tín dụng cho BĐS, nhất là dự án dở dang, có khả năng thanh khoản, từng bước đưa lãi suất cho vay về mức bình thường (khoảng 10%/năm). Gói giải pháp về tài chính cũng nhận được sự đồng thuận của nhiều tổ chức, chuyên gia. Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng, hỗ trợ cho người thu nhập thấp và trung bình hưởng lãi suất ưu đãi mua nhà là cần thiết.
Hiệp hội này đề nghị, người mua nhà trị giá dưới 2 tỷ đồng/căn được vay ưu đãi 7%/năm cho 3 năm đầu, Nhà nước sẽ cấp bù lãi suất 3-5%/năm. Ước tính có khoảng 8.000 tỷ đồng dành cấp bù lãi suất, Nhà nước có thể thu hút số vốn đầu tư lên tới 120.000 tỷ đồng. Cơ chế bù lãi suất cho NHTM tương tự cơ chế đã thực hiện năm 2008. Trước câu hỏi trong tình hình ngân sách nhà nước căn cơ như hiện nay, khoản 8.000 tỷ đồng liệu có khả thi? Hiệp hội cho rằng, nguồn cấp bù lãi suất chỉ là nguồn tạm ứng. Khi thực hiện chương trình, lượng hàng tồn kho giải phóng, cùng với đó giải phóng năng lực sản xuất ngành BĐS, vật liệu xây dựng, dịch vụ tài chính… khoản thu từ thuế giá trị gia tăng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Làm việc với Thủ tướng Chính phủ về thị trường BĐS, UBND TP Hà Nội cũng kiến nghị ban hành chính sách kích cầu, tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp. Đồng thời, có cơ chế chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; nghiên cứu chính sách hỗ trợ người thu nhập thấp và trung bình hưởng lãi suất ưu đãi mua nhà và rút ngắn thời gian cho phép được chuyển nhượng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội… Ngoài ra, cả Bộ Xây dựng cũng như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều kiến nghị giải pháp tài khóa, thuế, theo đó đề nghị Quốc hội cho miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN với hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội, nhà có diện tích nhỏ, giá bình dân. Các địa phương có lượng BĐS tồn kho lớn sẽ không đầu tư nhà tái định cư, nhà ở xã hội mà dùng vốn để mua lại nhà thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư, cho thuê, thuê mua nhà.
Để làm được điều đó, chính các DN phải chủ động điều chỉnh kinh doanh, cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán, áp dụng phương thức bán linh hoạt, chuyển hình thức thuê, thuê mua, tạo niềm tin với khách hàng… Nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, giờ là lúc DN cũng phải chung sức, gánh vác cùng Chính phủ, không thể đổ tất cả lên Chính phủ. Tại các buổi làm việc của Thủ tướng với hai thị trường BĐS lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng khẳng định sẽ gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với việc thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Theo đó, chuyển hướng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội phục vụ cho 8 nhóm đối tượng cần ưu tiên giải quyết nhà ở nhằm cân đối cung cầu cho thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đại đa số người có thu nhập thấp, đồng thời tạo đầu ra, gỡ khó cho DN, giúp thị trường ấm lên.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, hệ thống giải pháp tổng thể mà Bộ Xây dựng, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sẽ được ban hành thành Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để tổ chức thực hiện ngay trong những ngày đầu năm 2013. Với nỗ lực của các DN, cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, cùng dự báo sự hồi phục của kinh tế thế giới, sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước, nhất là niềm tin của người dân trở lại với thị trường, chắc chắn thị trường BĐS năm 2013 sẽ có bước cải thiện, tạo đà cho sự phát triển ổn định vào các năm sau...
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: