Top

Khổ vì chính sách tái định cư bất cập

Cập nhật 14/12/2017 10:29

TPHCM luôn khẳng định chủ trương nhất quán trong chính sách tái định cư (TĐC) là “chỗ ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tại nhiều khu TĐC trên địa bàn TP, chất lượng sống của người dân chẳng những không bằng mà còn kém hơn nhiều so với nơi ở cũ.

Thậm chí có nơi, người dân lâm vào cảnh như sống trên đảo (không có nước sạch sử dụng, đường đi cũng không, căn hộ bị thấm dột triền miên…) nhưng kêu hoài vẫn không được giải quyết! 

Đại biểu HĐND TPHCM khảo sát cuộc sống người dân tại khu TĐC Vĩnh Lộc B

Khổ trăm bề

Tọa lạc trên diện tích gần 31ha ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với quy mô 1.939 căn hộ và 529 nền đất, ở thời điểm mới bắt đầu xây dựng (năm 2008), trong suy nghĩ nhiều hộ dân có nhà bị giải tỏa thì khu TĐC Vĩnh Lộc B hẳn là “nơi đáng sống” trong tương lai. Vì trên thiết kế, khu dân cư này có giao thông kết nối với các tuyến đường huyết mạch xung quanh, cơ sở hạ tầng (trường học, bệnh viện, điện, nước…) đảm bảo, được hỗ trợ việc làm tại chỗ. Chính những thông tin này đã thu hút hàng trăm hộ dân bị giải tỏa trong các dự án rạch Ụ Cây (quận 8), chợ Nancy (quận 1) đến nhận căn hộ TĐC. Thế nhưng, khi chuyển về ở, người dân lại rước vào mình đủ nỗi khốn khổ, phiền toái, chất lượng sống ngày càng giảm sút.

Ông Nguyễn Quốc Hưng (ngụ lô A2.10) than: “Gia đình tôi nhận căn hộ TĐC và ở từ tháng 10-2011. Chỉ một năm sau, trần và tường nhà bắt đầu xuống cấp, thấm dột liên tục. Phản ánh nhiều lần, đơn vị quản lý nhà mới xuống vá dặm, sơn phết, sửa chữa, nhưng được vài tháng thì căn hộ lại hư hỏng như cũ. Nước sinh hoạt thì không đảm bảo vệ sinh, thường xuyên bị đục, cáu cặn, nhà tôi chỉ dùng để tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua nước bình. Đường dẫn vào khu dân cư luôn lầy lội, đầy ổ voi, ổ gà. Từ ngày về đây, gia đình tôi chưa một ngày được an cư”.

Trong số những bất cập, tồn tại ở khu TĐC Vĩnh Lộc B, người dân cho biết nỗi khổ lớn nhất là không tìm được việc làm tại chỗ. Phần lớn các hộ dân đều phải quay lại nơi ở cũ để làm việc, con cái phải đi học xa, cách nơi ở mới hàng chục cây số. Không ít hộ dân do chưa tìm được việc làm mới ở nơi TĐC nên thu nhập ngày càng giảm sút, đời sống dần kiệt quệ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sau gần 8 năm đưa vào sử dụng, nhiều tiện ích, hạng mục phụ của khu TĐC Vĩnh Lộc B vẫn còn trên giấy.

Cụ thể, 4 đường kết nối khu dân cư với đường Trần Văn Giàu và Võ Văn Vân có trong thiết kế, quy hoạch dự án vẫn chưa được xây dựng, trong khi người dân phải đi lại trên một con đường tạm nhỏ hẹp, hư hỏng. Phòng khám đa khoa của khu dân cư hiện vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Chính những bất cập, tồn tại trên đã và đang khiến khu dân cư Vĩnh Lộc B (khu TĐC cư lớn nhất TP) trở thành “khu nhà hoang”, “ế” người đến ở gần chục năm qua. Thực tế này được khẳng định qua con số cả khu có 1.939 căn hộ nhưng đến nay chỉ hơn 400 căn có người ở, số còn lại bỏ trống đang xuống cấp trầm trọng.

Cần giải quyết vấn đề từ gốc

Các chuyên gia xã hội học cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến cuộc sống TĐC của người dân gặp nhiều khó khăn, trong đó có 2 vấn đề cốt lõi là chính sách TĐC chưa hợp lý và sự tắc trách, thiếu quyết liệt trong cách làm, buông lỏng trong quản lý của một bộ phận lãnh đạo, cán bộ công quyền.

Theo TS Huỳnh Thị Ngọc Tuyết (Viện Khoa học xã hội Nam bộ), điểm hạn chế rõ nhất trong chính sách TĐC ở TP hiện nay là vị trí quy hoạch, xây dựng các khu TĐC đều nằm xa trung tâm, ở nơi chưa đảm bảo hạ tầng, giao thông còn hạn chế, chưa được kết nối. Ngoài ra, chính sách việc làm, nguồn sinh kế cho người dân TĐC cũng chưa thực sự được quan tâm và có giải pháp hỗ trợ hợp lý.

Tại chung cư Tân Mỹ (quận 7), 132 căn hộ đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở nhiều năm qua nhưng đến nay chính quyền và các cơ quan liên quan (quận 7, quận 8, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) vẫn chưa triển khai cấp giấy, đẩy cuộc sống người dân vào thế bí.

Bà Đinh Thị Hằng, ngụ chung cư Tân Mỹ, bức xúc: “Gia đình tôi đông người, kinh tế khó khăn, giờ muốn thế chấp căn hộ vay vốn làm ăn không được, mà bán đi tìm chỗ ở mới thích hợp cũng không xong, vì chưa có giấy chủ quyền. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng lãnh đạo quận 7, quận 8 cứ bảo là đang làm từng bước. Nói vậy nhưng không biết họ có bước không, hay giậm chân tại chỗ, để dân dài cổ chờ năm này qua năm khác”.
 

Theo bà Tuyết, 2 điểm yếu trên là cái gốc của vấn đề, khi chưa tháo gỡ được thì đời sống của người dân sẽ khó được nâng lên, thậm chí việc giảm sút hơn so với nơi ở cũ là tất yếu. Đặc biệt còn tạo ra nghịch lý là trong khi người dân bị giải tỏa không có chỗ ở thì quỹ nhà TĐC lại thừa, vừa vô lý vừa lãng phí. 

Để ổn định cuộc sống người dân ở khu TĐC Vĩnh Lộc B, ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết đang yêu cầu Công ty Dịch vụ công ích huyện Bình Chánh tiến hành các thủ tục, cho lát gạch men hồ chứa nước sinh hoạt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công các tuyến đường dẫn vào khu dân cư…

Ngoài ra, để tránh lãng phí, huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng đã kiến nghị giao 1.000 căn hộ cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP bán đấu giá, thu hồi vốn; đã được UBND TP chấp thuận, hiện đang triển khai. Đối với các bất cập như chậm cấp giấy chủ quyền, người TĐC không có việc làm tại các chung cư Tân Mỹ, An Sương…, đại diện UBND các quận 7, 8, 12 cho biết đang phối hợp cùng Sở LĐTB-XH và Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ giải quyết, tháo gỡ.

Thực tế cho thấy các giải pháp trên chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Về lâu dài, để cuộc sống người dân TĐC ổn định, cần có chính sách hợp lý trong quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, chung cư TĐC; việc triển khai thực hiện dự án phải quyết liệt và đồng bộ, lấy quyền lợi, nhu cầu người dân làm trung tâm.


DiaOcOnline.vn - Theo SGGP