GS TSKH Đặng Hùng Võ. |
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT trao đổi với Đất Việt xung quanh câu chuyện làm sao để nhà ở dành cho người thu nhập thấp đến tay đúng đối tượng.
* Thông tư của Bộ Xây dựng và quyết định của UBND thành phố Hà Nội về quản lý, mua bán, cho thuê nhà ở dành cho người thu nhập thấp đưa ra cơ chế giao trực tiếp cho chủ đầu tư xét duyệt hồ sơ, sau đó cơ quan quản lý sẽ kiểm tra lại. Làm thế nào đảm bảo công bằng khi áp dụng vào thực tế?
Thực tế cho thấy, ngay từ khâu hoàn thiện đơn từ cho người dân cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, điều này được thể hiện gần 60% hồ sơ trong đợt bán nhà ở xã hội vừa qua đã bị trả lại. Thêm vào đó, một câu hỏi đặt ai sẽ là người đứng ra chứng minh được gia cảnh của người thu nhập thấp? UBND xã - phường hiện chưa có khả năng này nên khó có thể đảm bảo xác minh đúng đối tượng.
Ngoài ra, chủ đầu tư khi tiếp nhận hồ sơ cũng có tâm lý làm cho xong việc, không muốn dây dưa kéo dài nên ai dám đảm bảo rằng không nảy sinh sinh tiêu cực, tình trạng bôi trơn ở chỗ này, chỗ kia để lọt hồ sơ? Cuối cùng, về khâu hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước, sẽ bắt đầu từ đâu hay cũng chỉ biết dựa trên danh sách đối tượng mà chủ đầu tư đã xét duyệt? Tóm lại nếu thực hiện theo cơ chế hiện nay, khâu ách tắc nhất của việc mua bán nhà ở xã hội chính là xác định đúng đối tượng. Liệu nhà ở xã hội có thuộc về đúng đối tượng như mục tiêu đề ra hay không, liệu người thu nhập thấp có được mua giá gốc hay lại phải qua mấy tầng trung gian như từ trước tới nay vẫn xảy ra? Đó là những câu hỏi mà tới nay chưa có văn bản pháp quy nào giải quyết được.
* Vậy theo ông, cần áp dụng cơ chế nào để giải quyết được những vướng mắc trên?
Đợt rao bán 382 căn hộ tại khu chung cư CT1 (Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông) vừa qua cũng là lần đầu tiên Hà Nội triển khai bán nhà xã hội thu nhập thấp. Tuy nhiên, với những hình ảnh đoàn “xế hộp tiền tỷ” xếp hàng dài đến nộp hồ sơ mua nhà, dư luận đặt ra câu hỏi: có bao nhiêu người thu nhập thấp thực sự mua được nhà? |
Theo tôi, Việt Nam nên học mô hình mua bán nhà ở xã hội tại những nước Bắc Âu: thành lập hiệp hội người thu nhập thấp đứng ra quản lý Hợp tác xã nhà ở xã hội, với cơ chế bình bầu dân chủ. Chính hiệp hội này sẽ là nơi đề cử danh sách những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội một cách chính xác nhất. Bởi hơn ai hết, họ sinh hoạt trong một cộng đồng có chung nguyện vọng, chung lợi ích nên sẽ đảm bảo việc theo dõi, giám sát gia cảnh giữa những hội viên với nhau.
Tôi cho rằng, không mô hình nào đạt được hiệu quả tối ưu như mô hình trên. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là cần có tham số thu nhập chính xác. Từ đây, không ai khác, nhà nước sẽ là người đứng lên thành lập tổ chức có tính chất pháp lý dành cho những người thu nhập thấp để chính họ có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.
Không xác định được đúng đối tượng, nhà ở thu nhập thấp sẽ lại rơi vào tay những người giàu có. Ảnh: Trung Kiên |
* Dư luận cũng cho rằng bảng tiêu chí để chấm điểm cho những đối tượng mua nhà ở thu nhập thấp còn nhiều bất cập, chưa hợp lý. Đánh giá của ông như thế nào?
Khung tiêu chí này đã được cân nhắc rất nhiều trước khi ban hành. Mặc dù còn chưa sát với thực tế song tôi cho rằng không nên quá bận tâm bàn bạc để rồi chậm ra những quyết sách. Chẳng hạn như nhiều ý kiến phàn nàn về tiêu chí mức thu nhập, nếu người có thu nhập thấp quyết tâm mua nhà thì họ sẽ tìm được cách vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là hiện nay có rất nhiều kênh tín dụng ưu đãi. Chúng ta cũng không nên quá phụ thuộc vào khung giá sàn bán nhà ở xã hội vì hiện nay với bảng giá xây dựng, ai cũng có thể tính được với chất lượng ấy, hạ tầng như thế, nhà đầu tư phải bỏ ra bao nhiêu tiền để xây 1 m2...
* Cảm ơn ông.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Cần xã hội hóa việc phân phối
“Về quy định chủ đầu tư cũng là người xét duyệt hồ sơ, nếu chủ đầu tư hoàn toàn theo thị trường thì họ muốn bán cho ai thì bán. Nhưng nếu họ đã nhận trợ cấp gì đó, ví dụ như nhà nước đưa đất cho anh hoặc giúp anh đưa kết cấu hạ tầng đến cái nhà ấy, thì nhà nước phải đặt điều kiện với anh. Dù sao, tôi thấy đặt ra việc chấm điểm là rất quan liêu. Chắc chắn không tránh khỏi cơ chế xin - cho.
Theo tôi, cần phân loại đối tượng, chẳng hạn đợt này có bao nhiêu căn hộ thì ưu tiên cho công chức y tế, đợt sau là công chức ngành giáo dục, đợt sau nữa là công chức cấp quận… Theo đó, từng giai đoạn các đối tượng sẽ giảm bớt đi. Còn người nào đó, thuộc diện cấp bách, đối tượng chính sách xã hội thì do ngành lao động xã hội xem xét. Đó chính là vấn đề xã hội hóa việc phân phối để đảm bảo công bằng”.
Thêm 420 căn hộ cho người thu nhập thấp
UBND TP Hà Nội vừa quyết định cho phép đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại lô đất NO 10A và NO 12-3 tại Khu đô thị mới Sài Đồng, quận Long Biên. Dự án gồm hai tòa nhà cao 16 tầng, tổng cộng 420 căn hộ, trên khu đất NO 10A có diện tích 4.858 m2 và NO 12-3 diện tích 2.857 m2. Công ty CP Xây dựng số 3 Hà Nội được giao làm chủ đầu tư dự án. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý III/2010 đến quý II/2012.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: