Top

Khó khăn nhưng thị trường BĐS không đến nỗi đổ vỡ

Cập nhật 23/07/2011 08:45

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng như các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS đều nhận định hiện tượng “đóng băng” giao dịch hiện nay chỉ là tạm thời. Lãi suất ngân hàng tăng cao, giảm lượng tiền cho vay, giá giao dịch BĐS giảm… cũng chưa thể làm thị trường này đổ vỡ.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: BĐS chưa đến nỗi đổ vỡ

Về lý thuyết thì thị trường BĐS, đặc biệt là thị trường nhà ở, tự thân khó để trở thành bong bóng, bởi vì giá trị giao dịch của một BĐS là quá lớn và chỉ có số lượng rất ít người mua cùng mua một tài sản, trừ trường hợp các sản phẩm BĐS được chứng khoán hóa trực tiếp hay gián tiếp như dạng “trái phiếu tái thế chấp” tại Bắc Mỹ giai đoạn cuối những năm 2000, khi đó thị trường chứng khoán hóa BĐS thế chấp đã phát triển đầy đủ.

Ở thị trường nhà ở của Việt Nam, tỷ lệ BĐS để giao dịch còn nhỏ so với các BĐS phi hàng hóa. Theo thống kê, trong khoảng 85 triệu m2 sàn nhà ở xây mới năm 2010, chỉ có khoảng 30% là nhà ở do doanh nghiệp kinh doanh BĐS đầu tư để bán ra thị trường, còn lại 70% là nhà ở do người dân tự xây (cả khu vực đô thị và nông thôn) để phục vụ nhu cầu ở của bản thân hộ gia đình, không tham gia thị trường và được xây dựng bằng tiền tiết kiệm, ít vay vốn từ ngân hàng. Dư nợ cho vay tín dụng trong lĩnh vực BĐS trong những năm vừa qua cũng chỉ chiếm từ 9 - 10% tổng dư nợ toàn hệ thống tín dụng, ngân hàng; trong đó, dư nợ xấu của tín dụng BĐS chiếm khoảng 2% tổng dư nợ kinh doanh BĐS.

Theo kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, diện tích bình quân nhà ở đầu người của nước ta mới đạt 16,7 m2/người. Để phấn đấu đạt mục tiêu nâng diện tích bình quân nhà ở đầu người lên 25 m2/người vào năm 2020, bình quân mỗi năm trong 10 năm tới phải xây dựng mới khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở. Vì vậy, có thể nói rằng hiện tượng “đóng băng” giao dịch nhà ở thương mại hiện nay cũng chỉ là tạm thời hoặc ở những phân khúc thị trường nhất định.

Tại TP Hồ Chí Minh, sự bùng phát về giá và lượng giao dịch trong thời gian ngắn năm 2007 đã bắt đầu giảm giá từ năm 2008, thậm chí có lúc đã tới 40 - 50% so với thời điểm cao nhất. Hiện tượng tương tự xảy ra tại Hà Nội vào năm 2009 - 2010 và đang có dấu hiệu của sự sụt giảm. Tình hình này đã có những tác động bất lợi nhất định đối với một số các nhà đầu tư tại một số phân khúc của thị trường. Khi lãi suất ngân hàng tăng cao và giảm lượng cho vay đã dẫn đến một số doanh nghiệp có năng lực tài chính hạn chế, các nhà đầu tư cá nhân phải gánh chịu thua lỗ. Mặc dù vậy, những tác động đó vẫn chưa đủ ảnh hưởng đến nền kinh tế đến mức độ đổ vỡ bong bóng BĐS.


Ông Lê Chí Hiếu
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Phát triển Nhà Thủ Đức, TP.HCM: Chỉ là bong bóng giá xì hơi

Thị trường nói chung không đến nỗi đổ vỡ, mà chỉ là cái bong bóng giá xì hơi, giờ là lúc bắt đầu quay lại mức giá trung bình và giá sẽ nhích dần lên những năm về sau. Các giai đoạn trầm bổng này có tính quy luật nhưng nó kéo dài bao lâu hiện vẫn là một ẩn số.

Thị trường cuối năm chắc chắn còn rất khó khăn. Cơn khó này sẽ còn kéo dài qua năm 2012. Chỉ khi nào kinh tế vĩ mô sáng sủa hơn, Nhà nước giải được bài toán vĩ mô tốt thì thị trường chứng khoán, BĐS sẽ dần từng bước phục hồi, đi qua khó khăn, chứ không thể có đột phá được.


Bà Đỗ Thị Loan
Bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS TP.HCM: Tỷ lệ đầu tư lướt sóng sẽ giảm

Hiện nay thị trường BĐS đang trong giai đoạn hết sức trầm lắng, nói đóng băng là không đúng, bởi đóng băng thì không có nơi nào giao dịch nhưng thực tế ở đâu đó vẫn có giao dịch, vấn đề là nhiều hay ít và tùy theo địa phương.

Nguồn vay tín dụng từ ngân hàng đã bị siết chặt, tỷ lệ đầu tư lướt sóng, mua để chờ thời cơ bán lại sẽ giảm đi, còn những người có nhu cầu thực sự về nhà ở, nếu dự án tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt chủ đầu tư có khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ thì người dân sẽ mua. Thị trường BĐS Việt Nam đặc biệt là ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sẽ khả quan hơn khi nào chính sách tín dụng được nới lỏng, kể cả chủ đầu tư lẫn khách hàng mua nhà có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng may ra thị trường mới có cơ hội khởi sắc.

DiaOcOnline.vn - Theo VTV