Top

Mặt bằng quanh chợ

Khi tiểu thương chọn phố bỏ sạp

Cập nhật 08/09/2009 15:20

Giao dịch thuê, mua bán các mặt bằng quanh một số chợ được quy hoạch chuyển thành trung tâm thương mại đang sôi động hẳn lên. Bên cạnh đó giá giao dịch cũng đã tăng từ 20 - 200% so với năm trước.

Lý do: các tiểu thương không muốn bị gián đoạn kinh doanh khi các chợ này tạm ngưng để xây dựng. Ngoài ra, do quy mô kinh doanh mở rộng, họ cần có thêm những mặt bằng để trưng bày, giao dịch, làm kho chứa hàng bên cạnh mặt bằng sạp ở bên trong chợ.
 

Mặt bằng gần chợ không lúc nào còn chỗ trống (ảnh chụp mặt bằng gần chợ Tân Định). Ảnh: H.T


Tăng từ mặt tiền cho đến gác xép

Giá mặt bằng tăng cao nhất hiện nay là các mặt tiền nằm quanh khu vực chợ Tân Bình bởi các tiểu thương lo lắng sẽ bị gián đoạn kinh doanh trong những ngày chợ Tân Bình tạm ngưng kinh doanh để xây dựng trung tâm thương mại. Họ sợ nhất là mất mối sỉ từ các tỉnh lên. Bà Ngọc Quang, một chủ kinh doanh sỉ mặt hàng vải sợi cho biết: “Năm trước tôi mua căn hộ bề ngang chưa đến 3,5m trong hẻm nhỏ phía sau chợ Tân Bình giá 270 lượng vàng SJC, tháng 8.2009 tôi muốn đầu tư mở rộng mặt bằng, hỏi mua căn kế bên đang cho người khác thuê bán quần áo, diện tích tương đương mà chủ nhà ra giá đến 400 lượng. Tôi đang đề nghị 350 lượng mà chủ nhà vẫn không đồng ý”.

Tương tự là các mặt tiền căn hộ bao quanh chợ An Đông - cao giá nhất là mặt tiền nằm trên công trường An Đông. So với hai năm trước, giá nhà cũng đã tăng gần gấp đôi. Cách chợ An Đông một con hẻm, là khu phố của những cửa hàng giày dép mà ở đây, nhà nào cũng có treo bảng hiệu gắn với các sạp bán sỉ lớn trong chợ. Những căn hộ này vào những năm 2005 - 2006 chỉ ở khoảng hơn 200 lượng/căn, nay giá đã hơn 500 lượng/căn mà các chủ nhà đều không chịu bán. Bởi đó vừa là showroom trưng bày hàng cho khách vào xem mẫu để chọn, vừa là kho, vừa là nhà bếp nấu nướng bữa cơm hàng ngày cho mười mấy nhân viên phụ bán hàng của mỗi sạp bỏ mối sỉ, vừa là nơi để nhân viên ngủ nghỉ… Bà H., một chủ bán sỉ giày dép ở chợ An Đông cho biết: “Có căn hộ gần chợ, bề ngang chỉ hơn 2m, sâu chưa đến 5m, nằm giữa hai căn hộ, trước đây chỉ cho thuê làm nhà kho, nay có người trả giá đến hơn 100 lượng vàng mà chủ vẫn chưa chịu bán”.

Giá các gác xép quanh các chợ cũng tăng mạnh. Cụ thể là căn hộ trên lầu của một ngôi nhà trên đường Nguyễn An Ninh gần chợ Bến Thành, trước đây chỉ có thể cho người phụ bán hàng trong chợ thuê làm chỗ trọ, sau cũng có người đến thuê làm kho cất trữ hàng dù lối đi phải leo lên cầu thang hẹp bất tiện. Hiện nay đã có chủ sạp bán vải trong chợ đề nghị mua luôn với giá gần 100 lượng vàng cho diện tích khoảng 30m2.

Sẽ không cần sạp chợ

Có người mở cửa hàng mới gần chợ, vẫn giữ sạp trong chợ, nhưng đã có nhiều người dự tính bỏ hẳn sạp chợ.

Ở các con đường, hẻm hai bên hông và phía sau chợ Tân Bình, hiện có hơn 300 điểm kinh doanh. Có những căn hộ gồm ba, bốn tiểu thương hùn nhau cùng thuê mặt bằng chủ yếu để bán sỉ quần áo trẻ em, trang phục lót, khăn mặt và cả giày dép… Nhiều tiểu thương cho biết, do mặt bằng trong chợ rất chật, nên những chủ có sạp trong chợ cũng chỉ giữ nơi đó làm điểm giao dịch, còn lấy hàng, xem hàng thì ra cửa hàng cách chợ vài chục mét. Tương lai, khi mối lái đã quen giao dịch tại cửa hàng, có lẽ họ sẽ không cần giữ sạp chợ. Nhiều người dự tính.

Trường hợp bà H. ở chợ An Đông, vừa mua được cửa hàng gồm hai căn nhà liền nhau cách chợ chưa đến 30m, bà H. vẫn tiếp tục tìm kiếm các mặt bằng thích hợp để mua thêm. Bà H. nói: “Hiện nay chủ sạp nào cũng có làm ăn với nước ngoài, từ giày dép, quần áo may sẵn, trang phục lót đến túi xách… có căn hộ mặt tiền gần chợ dễ giao dịch, dễ xuất nhập hơn là chỉ có sạp”.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị