Khó khăn về nguồn vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Với 8 khu công nghiệp và tổng số lao động làm việc hơn 110.000 lao động, nhưng Hà Nội mới có 4 dự án nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu ở cho hơn 16.300 lao động tại khu công nghiệp. Tương tự, Bình Dương, một địa phương đi đầu trong việc phát triển nhà ở cho công nhân với 22 khu công nghiệp đang hoạt động và hơn 200.000 lao động, nhưng cũng chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu nhà ở cho khoảng 27.700 lao động. TP.HCM với 15 khu công nghiệp và hơn 230.000 công nhân, nhưng hiện còn tới 70% công nhân rất bức bách về nhà ở…
Theo Bộ Xây dựng, vẫn còn 80-90% lao động trong các khu công nghiệp phải tự thuê nhà ở, với diện tích chật hẹp, môi trường cư trú kém vệ sinh, thiếu an toàn, giá thuê nhà cao, hằng ngày phải đi làm việc xa. Thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống, chất lượng lao động và gây hệ quả bất ổn tới hoạt động của các khu công nghiệp.
Trong 2 năm 2009 và 2010, có tới hơn 47 dự án nhà ở công nhân được đề xuất xây dựng trên khắp cả nước, nhưng đến nay, mới có 25 dự án được khởi công và mới có 9 dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Lý giải, ông Nguyễn Trọng Ninh, Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc xây nhà ở cho công nhân triển khai chậm, không được doanh nghiệp tập trung xây dựng là do nguồn vốn của doanh nghiệp hạn chế và nhiều địa phương chỉ quy hoạch làm khu công nghiệp, mà quên mất phần diện tích xây nhà ở cho công nhân.
“Hiện chưa có các chính sách huy động vốn đầu tư phát triển nhà ở công nhân trong khu công nghiệp phù hợp với sự đóng góp của các thành phần kinh tế. Mặt khác, việc huy động vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố đang gặp nhiều khó khăn do thu nhập của lao động thấp, chưa có khả năng chi trả, các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp non yếu trong phát triển bất động sản, đặc biệt là khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện về vốn của Nhà nước có hạn”, ông Ninh nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM nhắc tới tính thiếu hấp dẫn trong cơ chế hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng nhà ở cho công nhân. “Việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân có thời gian thu hồi vốn rất chậm (15 - 20 năm, thậm chí đến 30 năm), trong khi thời gian cho vay vốn của các ngân hàng rất ngắn. Hiện tại, doanh nghiệp chỉ vay được vốn ngắn hạn”, ông Hoà cho biết.
Ông Lê Văn Toàn, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng Toàn Phát so sánh, cũng là xây nhà ở xã hội, cơ chế ưu đãi như nhau, nhưng nếu đầu tư nhà ở cho người có thu nhập thấp ở đô thị, các chủ đầu tư có thể bán, thu hồi vốn ngay. Trong khi đó, nếu đầu tư xây nhà ở cho công nhân, chủ đầu tư chỉ có thể thu tiền hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn phải đi vay với lãi suất cao, thì việc xây nhà ở cho công nhân thực sự không được doanh nghiệp quan tâm.
Như vậy, để giải bài toán nhà ở cho lao động khu công nghiệp, Nhà nước phải nghiên cứu đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật lĩnh vực này, đồng thời làm rõ mục đích khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường kinh doanh nhà ở công nhân, làm tốt việc xã hội hóa nhà ở cho công nhân
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: