Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad (Malaysia) thông báo đã ký hợp đồng bán 75% cổ phần của T.P.C Nghi Tam Village, công ty sở hữu khách sạn InterContinental Hanoi Westlake. Giá trị giao dịch là 1.244 tỉ đồng, tương đương hơn 53,3 triệu USD.
Tọa lạc trên mặt nước hồ Tây và nằm cách không xa khu phố cổ Hà Nội, khách sạn InterContinental Hanoi Westlake đi vào hoạt động từ tháng 12.2007 với 293 phòng khách và phòng suite, hệ thống 3 nhà hàng và 3 quán bar, một bể bơi ngoài trời, khu trung tâm chăm sóc sức khỏe hiện đại, tòa nhà riêng phục vụ cho hội nghị và sự kiện, khu club...
Theo The Leader, bên mua lại khách sạn 5 sao này là Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội, một doanh nghiệp mới được thành lập cuối tháng 10.2018 có vốn điều lệ 658 tỉ đồng, do ông Trần Trung Tuân sở hữu.
Ông Tuân là nhân sự cao cấp làm việc tại nhiều công ty liên quan đến tập đoàn BRG như Thành viên HĐQT của Công ty Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương (chủ Sheraton Đà Nẵng), kế toán trưởng của Khách sạn Thắng Lợi (trước đó là các công ty Thung Lũng Vua, Motor N.A).
Số cổ phần còn lại (25%) của InterContinental Hanoi Westlake trên thuộc về Thăng Long GTC, một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa năm 2015. Ngoài ra, Thăng Long GTC còn nắm giữ cổ phần tại nhiều khách sạn liên doanh khác tại Hà Nội.
Dù Nhà nước vẫn nắm giữ gần 45% cổ phần nhưng chủ tịch của Thăng Long GTC hiện là bà Nguyễn Thị Nga, người đứng đầu tập đoàn BRG. Công ty Thung Lũng Vua của BRG cũng là cổ đông chiến lược nắm giữ 27% cổ phần của Thăng Long GTC từ khi doanh nghiệp này được cổ phần hóa.
Vẫn theo The Leader, trong giao dịch trên, Berjaya cũng được hoàn trả khoản vay 71,6 triệu USD từ chủ sở hữu InterContinental Hanoi Westlake, nâng tổng số tiền nhận được lên 125 triệu USD. Khoản vay này được tái cấu trúc thông qua hợp đồng vay mới giữa chủ sở hữu khách sạn và SeaBank. Đây là ngân hàng gia đình bà Nga nắm quyền điều hành và sở hữu phần lớn cổ phần.
Berjaya Corporation Berhad là tập đoàn do tỉ phú tự thân người Malaysia Vincent Tan sáng lập. Cho đến chiều 27.2, website của khách sạn vẫn còn ghi "Khách sạn thuộc quyền sở hữu của Công ty Phát triển Du lịch Hữu hạn Làng Nghi Tàm & Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad, và được quản lý bởi tập đoàn InterContinental® Hotels Group".
Liên quan đến chuyện khách sạn đổi, ở một diễn biến khác, kể từ 1.1.2019, khách sạn Nikko Hanoi được đổi tên thành Hotel du Parc Hanoi, do Plan・Do・See vận hành và quản lý. Dự kiến khách sạn này sẽ tuần tự thay đổi về thiết kế và cải tạo lại các hạng mục tiện ích, dịch vụ trong khách sạn, từ việc thay đổi nhà hàng, trang hoàng lại tầng phục vụ đặc biệt...
Nằm trên phố Trần Nhân Tông, khách sạn Nikko cũ vỗn sở hữu vị trí rất đắc địa, chỉ cách ga Hà Nội 10 phút đi bộ và cách sân bay Quốc tế Nội Bài 30 phút di chuyển bằng ô tô.
Tương tự TP.HCM, tình hình "đánh chiếm" thị phần khách sạn cao cấp tại Hà Nội diễn ra khá mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp ngoại liên tục đầu tư những dự án khách sạn 5 sao mới tại Hà Nội trong khoảng chục năm trở lại đây, trong đó, đáng chú ý là sự gia tăng hiện diện của các doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, bên cạnh là doanh nghiệp từ Malaysia, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản...
Doanh nghiệp Việt cũng kịp góp mặt tại một số khách sạn thuộc dòng này, mà đặt biệt, theo VNE (trước khi có thông tin về InterContinental Hanoi Westlake) thì 4 trong số 16 khách sạn 5 sao tại Hà Nội có "bóng dáng" của bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT BRG.
Dự báo, với tiềm năng tăng trưởng kinh tế và du lịch ổn định, TP.HCM và Hà Nội sẽ tiếp tục trở thành hai điểm đến được các nhà đầu tư ưu tiên chọn lựa, đặc biệt đối với phân khúc khách sạn hạng sang, nơi có lượng khách cư trú ổn định nhiều nhất là doanh nghiệp, doanh nhân... Đây là phân khúc đầu tư ít rủi ro và mang lại dòng tiền đều đặn, thuộc nhóm bất động sản thương mại tiêu dùng được cực kỳ ưa chuộng, nhất là đối với các nhà đầu tư ngoại
DiaOcOnline.vn – Theo Một thế giới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: